Ôn thi theo hướng đề mở: Toán - cơ bản, Văn - nén thông tinẢnh minh họa

Môn Toán: Hãy ôn như học sinh nông thôn

Theo thầy Nguyễn Cảnh Hoàng (ĐH Quốc gia HN), lời khuyên cho học sinh là: Làm thật nhiều và cẩn thận những dạng bài tập cơ bản, tương đối dễ từ trung bình trở xuống và không cần đi luyện thi nhiều.  Theo thầy Hoàng, 70% bài thi là cơ bản và dễ; 20% bài thi thuộc dạng trung bình khó và chỉ có duy nhất 1 bài cần kỹ năng đi luyện thi. Trên thực tế, thầy Hoàng nói, việc luyện thi chỉ giúp được 1-2 điểm khi làm được bài cuối cùng nên thí sinh không nên sa đà vào các trung tâm luyện thi mà chỉ học các thầy cô có nhiều kinh nghiệm dạy cơ bản.

Về xu hướng bài tập thực hành trong đề thi môn Toán, thầy Hoàng nói, tới nay chưa có bài liên quan đến thực hành nhiều. Vì vậy, nếu học vững kiến thức cơ bản, thí sinh sẽ giải quyết phần bài tập thực hành dễ dàng.

Về cách học, thầy Hoàng khuyên: hãy học như các bạn ở khu vực nông thôn! Do không có thầy luyện, thiếu sách, ít thời gian vì phải lao động nhiều…,  các học trò này thường chỉ có thể giải quyết 100 bài toán, trong đó có tới 90 bài cơ bản và dễ với một tinh thần hoàn thành nhiệm vụ đến cùng. Các trò ở khu vực thành phố lớn do có nhiều điều kiện, có thể học tới 200 bài nhưng trong đó có tới 100 bài mẹo mực  và bỏ qua 100 bài cơ bản. Bởi vậy, khi đi thi các trò thành phố thường gặp khó khăn với bài cơ bản, bài dễ và lại không có tinh thần hoàn thành đến cùng nhiệm vụ nên bỏ qua và vì vậy, điểm thi không cao. Đó là lý do vì sao nhiều năm trở lại đây, có nhiều thủ khoa tỉnh lẻ.

Môn Văn: Đủ - đúng - trúng - gọn

Đó là thông điệp mà cô giáo Cao Thị Thúy Hòa (giáo viên Văn trường THPT chuyên ngoại ngữ, ĐHNN, ĐHQG HN) đưa ra. Theo cô, học sinh cần làm quen với các dạng đề theo mẫu mới nhất chứ không cần ôn tập “tủ” theo  kiểu học rải đều chương trình giáo dục lớp 11, 12. Cô Hòa nói: học sinh cần tăng cường làm câu hỏi đọc hiểu theo hướng đánh giá năng lực và học cách thức chứ không phải học kiến thức, đặc biệt là  kỹ năng đọc hiểu.

Với câu hỏi nghị luận xã hội, học sinh cần quan tâm đến không chỉ tư tưởng đạo lý mà còn phải quan tâm đến hiện thực đời sống và phải cập nhật những vấn đề mới nhất của đời sống xã hội,  phải thể hiện được quan điểm, kỹ năng làm bài chứ không phải học  tầm chương trích cú.

Phần 3 của đề thi hỏi về kiến thức văn chương, cảm thụ văn học theo hướng mở chứ không theo hướng tái hiện kiến thức theo kiểu học thuộc, cô Hòa phân tích, nên bên cạnh việc nắm kiến thức cơ bản mà trọng tâm là lớp 12, thí sinh phải luyện nhiều về kỹ năng, phải biết cách thức để chiếm lĩnh kiến thức. Cụ thể là, học ở trong trường  các định nghĩa,  khái niệm… để đối mặt với việc tự cảm thụ, tự nhận thức, tự đánh giá. Các kỹ năng xử lý những đơn vị kiến thức đã học sẽ vận dụng vào vấn đề mới trong đề thi nhưng vẫn trên nền kiến thức cơ bản. Thí sinh nên luyện xử lý các dạng đề thi khác nhau.

Thí sinh cũng cần luyện cho mình kỹ năng định lượng thời gian vừa phải để làm bài đủ-đúng-trúng-gọn. Cần lưu ý, dù ở mức độ vận dụng thứ 2 là phát hiện nội dung nghệ thuật thì cũng nên hỏi gì đáp nấy nên cần tập viết ngắn nhưng đáp ứng yêu cầu về hình thức, nội dung… Thí sinh cũng phải biết cân đối thời gian và nén thông tin cho từng câu hỏi. Ví dụ,  thay vì vào việc làm bài nghị luận xã hội mấy trang như trước, chỉ cần nén lại thành 400-600  từ, chừng 1,5 trang hoặc đến 2 trang là cùng nhưng vẫn phải đảm bảo tư tưởng tình cảm của mình. Hoặc câu 3 của bài thi,  trước kia thí sinh thường viết tới hơn 10 trang thì nay phải luyện để viết sâu sắc nhưng ngắn gọn.

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/on-thi-theo-huong-de-mo-toan-co-ban-van-nen-thong-tin-984953.tpo