Nộp giấy báo điểm quá hạn, thí sinh mất quyền trúng tuyểnThí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2015 tại điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Trong quy chế, Bộ GD&ĐT đã lường trước và có những giải pháp cần thiết để giúp cho các trường hạn chế khó khăn do thí sinh ảo. Thứ nhất, Bộ khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Sau khi thí sinh trúng tuyển NV1, không còn cơ hội xét tuyển đợt tiếp theo sẽ tránh được hiện tượng ảo đối với các trường trong nhóm.

Thứ hai, năm nay yêu cầu thí sinh trúng tuyển  vào trường phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định. Quá thời hạn ấy thí sinh không nộp coi như “mất quyền trúng tuyển”, trường sẽ có quyền xét tuyển thí sinh tiếp theo, không phải đợi đến khi nhập học như những năm trước. Thứ ba, Bộ GD&ĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước để các trường chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu trúng tuyển. Thứ tư, trong phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ những trường mình đã đăng ký xét tuyển để trường có thể phán đoán được mức điểm trúng tuyển.

Sẽ có 70 cụm thi do trường đại học chủ trì

Trao đổi với báo chí tại ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT phối hợp báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 13/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đối với hệ CĐ năm nay thay đổi căn bản nhất là không còn quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Điều này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Các trường vẫn phải tuyển sinh từ cao xuống thấp cho đến khi đạt chỉ tiêu cho nên các trường phải có những kế hoạch cụ thể.

Mặt khác, việc tổ chức 2 loại cụm thi trong một tỉnh là để tạo điều kiện nhất cho thí sinh. “Dù thi ở cụm thi nào cũng đều có trường ĐH tham gia để bảo đảm  tính công bằng, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi. Hiện nay số tỉnh, TP đã báo cáo, một số tỉnh chỉ triển khai 1 cụm thi do Trường ĐH chủ trì. Địa phương sẽ có trách nhiệm chuyển học sinh ở vùng xa đến trung tâm TP để dự thi” – thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Năm 2016 sẽ có 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có ít cụm thi ĐH hơn so với năm 2015 nhưng sẽ vẫn nhiều cụm hơn so với các tỉnh (năm 2015, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi 8 cụm thi ĐH). Bộ GD&ĐT đã ban hành các tiêu chí cần thiết để lựa chọn trường chủ trì cụm thi như về kinh nghiệm, về số lượng giảng viên các khoa cơ bản, từng chủ trì cụm thi...

Tuyển theo nhóm trường, thí sinh không sợ thiệt

Liên quan đề án tuyển sinh theo nhóm các trường khối kỹ thuật do ĐH Bách khoa chủ trì, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường trong nhóm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu chung, xét tuyển chung và thí sinh sẽ được đăng ký vào nhóm trường này. Thí sinh được đăng ký tối đa vẫn 4 nguyện vọng đợt 1 và 6 nguyện vọng đợt hai. Khi các em đã trúng tuyển 1 nguyện vọng, nguyện vọng sau không xét nữa, các trường loại trừ được ảo nếu các em đăng ký xét tuyển trong nhóm.

Trước câu hỏi của Tiền Phong liệu thí sinh có được phép nộp 2 nguyện vọng vào nhóm trường và hai nguyện vọng vào trường ngoài nhóm, PGS Hoàng Minh Sơn cho biết theo quy chế, thí sinh cũng có thể đăng ký cả 2 nguyện vọng trường trong nhóm và 2 nguyện vọng trường ngoài nhóm. Nếu các em đăng ký 3 nguyện vọng trong nhóm trường thì có nghĩa các em không còn nguyện vọng để đăng ký ở trường ngoài nhóm.

Vì vậy, nếu các em muốn đăng ký cả trường xét tuyển theo nhóm và trường xét tuyển ngoài nhóm thì các em chỉ nên đăng ký 2 nguyện vọng trong nhóm trường và đăng ký 2 nguyện vọng vào trường không xét tuyển theo nhóm. Các em sẽ không mất gì quyền lợi trong việc xét tuyển theo nhóm này. Nhóm trường thực hiện xét tuyển theo sàn của Bộ và cũng có thể đưa ra mức điểm sàn riêng nào đó tùy theo các trường. Tuy nhiên, điểm sàn ở đây không quan trọng vì các trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Trả lời về băn khoăn việc tuyển sinh theo nhóm trường liệu có liên quan đến lợi ích nhóm của các trường? Ông Ga khẳng định, hình thức tuyển sinh này không vì lợi ích của nhóm trường mà vì  lợi ích của thí sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường. Ví dụ, mỗi thí sinh có bốn cơ hội vào 4 ngành ở NV1. Nếu nộp vào nhóm trường thì có thể nộp vào bốn trường trong nhóm trong cùng 1 ngành. Trong khi đó, nếu nộp ở các trường không trong nhóm, thí sinh chỉ được nộp 2 trường.

Mặt khác, khi tham gia đăng ký xét tuyển trong nhóm, thí sinh không  trúng tuyển trường tốp trên có thể trúng tuyển trường tốp giữa hoặc dưới hơn. Như vậy, việc tạo nhóm trường để khuyến khích thí sinh  chọn ngành yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ. Đối với các trường khi tuyển sinh theo nhóm sẽ khắc phục được tình trạng ảo. Việc lập các nhóm trường tuyển sinh vừa thuận lợi cho thí sinh vừa thuận lợi cho các trường. Điều này cũng phù hợp với  Luật GDĐH quy định tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường.

Về đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định căn bản không khác năm 2015, khuyến khích thí sinh áp dụng các kỹ năng sử dụng kiến thức học ở THPT vào điều kiện thực tế. Câu hỏi mở không bắt buộc thí sinh phải trả lời máy móc. “Sắp tới Bộ sẽ  ban hành đề thi minh họa để các thí sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo tham khảo” – Ông Ga cho biết.

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nop-giay-bao-diem-qua-han-thi-sinh-mat-quyen-trung-tuyen-980411.tpo


Cập nhật diem thi tot nghiep 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn