Nhật Bản học và ngôn ngữ Nhật khác nhau như thế nào?Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tư vấn cho HS tỉnh Tiền Giang trong chương trình Tư vấn mùa thi 2016 của Báo Thanh Niên

Nhật Bản học và ngôn ngữ Nhật khác nhau như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Trong danh mục mã ngành đào tạo cấp IV của Bộ GD-ĐT, ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học là 2 ngành riêng biệt nhưng thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài. Do vậy, muốn trở thành 1 biên phiên dịch tiếng Nhật em có thể theo học 1 trong 2 ngành này.

Tuy nhiên, mặc dù cùng đào tạo tiếng Nhật nhưng 2 ngành này có những sự khác biệt nhất định. Trong đó, ngôn ngữ Nhật đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ Nhật, có chuyên ngành ngôn ngữ biên phiên dịch. Theo học ngành này, bên cạnh tiếng Nhật, sinh viên cũng được học thêm các học phần về lịch sử, văn hóa Nhật…
Còn Nhật Bản học thì có 50% thời lượng chương trình đào tạo ngôn ngữ Nhật, 50% còn lại về đất nước và con người Nhật Bản. Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có chuẩn đầu ra tiếng Nhật ở trình độ N2 (chứng chỉ quốc tế về tiếng Nhật).
Ngành đông phương học mỗi trường có đặc thù đào tạo riêng. Với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, từ năm 2010 chuyên ngành ngôn ngữ Nhật (thuộc ngành đông phương học) đã tách ra thành 1 ngành độc lập. Do vậy, ngành Đông phương học của trường hiện không đào tạo kiến thức liên quan đến tiếng Nhật mà các ngôn ngữ khác: tiếng Trung, Ấn Độ, Thái Lan… Cũng ngành này nhưng được đào tạo tại Trường ĐH Ngoại ngữ-tin học TP.HCM hiện vẫn có chuyên ngành ngôn ngữ Nhật.

Tôi tốt nghiệp THPT năm 2000 và vẫn giữ nguyên học bạ, bằng tốt nghiệp. Cho tôi hỏi, kỳ thi tốt nghiệp THPT tôi từng dự thi khác rất nhiều so với kỳ thi THPT quốc gia năm nay vậy tôi có đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH năm nay không? (Phan Thanh Giản, TP.HCM)

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Dù tốt nghiệp từ năm 2000 nhưng em hoàn toàn đủ điều kiện tham dự kỳ tuyển sinh năm 2016. Tuy nhiên, nếu xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, em bắt buộc phải đăng ký và dự thi THPT quốc gia các môn theo tổ hợp xét tuyển của ngành muốn theo học để có điểm nộp hồ sơ.
Còn nếu sử dụng học bạ THPT để xét tuyển vào đề án tuyển sinh riêng của các trường, em cần theo dõi thông báo cụ thể từng trường để biết mình có đủ điều kiện hay không.

Dân tộc Hoa có được cộng điểm ưu tiên?

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), thông tin theo quy định nhà nước, dân tộc Hoa được xếp vào danh sách các dân tộc thiểu số. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh dân tộc thiểu số được hưởng ưu tiên về đối tượng. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm nay cũng ghi rõ, đối tượng này sẽ được hưởng mức điểm ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào địa bàn sinh sống.
Cụ thể, công dân VN là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trong thời gian học THPT hoặc TC trên 18 tháng tại khu vực 1 sẽ được hưởng ưu tiên theo đối tượng 01, cộng 2 điểm. Cũng thí sinh người dân tộc thiểu số nhưng có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực thuộc đối tượng 01 (khu vực 1) sẽ được xếp vào đối tượng 06, hưởng ưu tiên 1 điểm.
Như vậy, thí sinh này muốn được hưởng điểm ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh cần phải có giấy khai sinh thể hiện là dân tộc Hoa và công dân VN (không phải người Hoa kiều). Trường hợp thí sinh này sống và học tập tại TP.HCM (khu vực 2, 3 tùy địa bàn) chỉ được hưởng ưu tiên 1 điểm. Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh nộp kèm minh chứng để được hưởng điểm ưu tiên là giấy khai sinh bản sao.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/hop-thu-tu-van-247-nhat-ban-hoc-va-ngon-ngu-nhat-khac-nhau-the-nao-692601.html, http://thanhnien.vn/giao-duc/hop-thu-tu-van-dan-toc-hoa-co-duoc-cong-diem-uu-tien-692428.html