Đánh giá đề thi Văn 2015 sáng nay, nhận định đánh giá về đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2015

Đón đọc nhận xét, đánh giá về đề thi Văn năm 2015 của giáo viên đến từ các trường ĐH và THPT quốc gia và ý kiến học sinh về đề thi Văn 2015 sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trong buổi sáng hôm nay.

Tra cứu đáp án Văn năm 2015

Bạn có thể đăng ký nhận gợi ý đáp án tốt nghiệp môn Văn 2015 bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp: DA VAN gửi 8702.

Nhận xét, đánh giá về đề thi tốt nghiệp môn Văn 2015

Nhận xét của giáo viên về đề thi Văn năm 2015

  • Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết – giáo viên Trường THPT Chu Văn An:"Đề thi đáp ứng đúng mục đích kỳ thi THPT quốc gia"

Đề thi môn Ngữ văn hay, nội dung kiến thức và kỹ năng được kiểm tra trong đề vừa phù hợp với tâm thế, năng lực của học trò. Đề bài đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của các em; vừa cập nhật những yêu cầu của cuộc sống lịch sử - xã hội – từ vấn đề biển đảo trong xúc cảm thiêng liêng máu thịt của người Việt, của những người chiến sĩ nơi đảo xa cho đến vấn đề cách sống trong xã hội thời hiện đại. Đó là vấn đề muôn đời về số phận con người cho đến góc nhìn rất mới mẻ đối với cuộc sống, với con người trong những góc khuất của thân phận.

Các kiến thức tiếng Việt như thể thơ, biên pháp tu từ, phương thức biểu đạt; các kỹ năng cảm thụ, bình luận và trình bày cách đánh giá riêng của mình về một vấn đề của xã hội hoặc văn chương đều được đặt ra trong yêu cầu của đề thi. Điều này giúp kiểm tra năng lực và kiến thức toàn diện của học trò.

Đề có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường ĐH, CĐ…

Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1, 2, 5, 6 phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Học sinh khá và giỏi ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Như vậy đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

  • Trần Thị Phương Loan, giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội: "Học sinh thi để tốt nghiệp cũng làm được điểm 5"

Đề thi năm nay các câu hỏi khá vừa sức, bám sát với trình độ của học sinh.

Những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT cũng ít nhất làm được 5 điểm.

Câu cuối cùng, phần nghị luận văn học (4 điểm) tôi rất thích. Mặc dù đề ra dung lượng vừa phải nhưng vẫn có thể phân hóa học sinh khi hỏi cái nhìn quan niệm của nhà văn với cuộc sống.

Các phần hỏi về nghị luận xã hội bám sát vấn đề thời sự là rèn luyện học tập kĩ năng sống học sinh sinh viên còn đang thiếu. Vấn đề cũng đã và đang được Bộ GD-ĐT quan tâm, đưa giáo dục kĩ năng sống vào trong trường.

Phần đọc hiểu (3 điểm) thí sinh không đi học thêm ở đâu cũng có thể làm được.

  • Cô Lý Thị Tú Anh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cho rằng để đạt điểm trung bình thì không khó nhưng điểm khá giỏi không dễ vì đòi hỏi nhiều kiến thức nâng cao, vận dụng riêng của người học.

Theo cô Anh, phần đọc hiểu tuy dài nhưng đó là kiến thức cơ bản và không khó. Câu nghị luận xã hội thí sinh thường quen với việc tích lũy kiến thức, nay phải thêm kỹ năng sống, điều này đỏi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội cũng như kỹ năng để làm bài.

Riêng phần nghị luận văn học, cảm nhận về hình ảnh người đàn bà trong "Chiếc thuyền ngoài xa" từ đó đưa ra quan điểm về cuộc sống và con người, là kiến thức cơ bản, các em đã được học trên lớp.

"Riêng phần bình luận về cách nhìn nhận về cuộc sống và con người đòi hỏi học sinh phải có ý kiến riêng, nâng cao hơn, để đạt điểm 8 là khó", cô Anh nói.

Một số giáo viên môn văn ở TP.HCM thì nhận định đề quá dài. Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM câu 1 là câu đọc - hiểu quá dài một cách không cần thiết (chiếm hơn 1 trang giấy A 4).

Tuy nhiên, cũng theo cô Hiền, câu 1 cũng là câu thể hiện rõ nhất chủ trương đổi mới cách ra đề thi môn văn của Bộ GD-ĐT, đó là chú trọng kỹ năng đọc - hiểu của thí sinh. Thế nên, đề thi đã lấy văn bản ngoài sách giáo khoa.

  • Thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn - cho rằng đề thi đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp THPT với các nội dung thí sinh có thể làm được 4 đến 5 điểm và cũng có các yêu cầu nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ.

Phần đọc hiểu với đoạn thơ gợi lên cảm xúc về tình cảm của người dân dành cho các chiến sĩ. Phần văn xuôi đề cập đến vấn đề thực tế của cuộc sống: sự thờ ơ, vô cảm với các vấn đề, hiện tượng xung quanh. Phần này khó hơn phần thơ và đây là yếu tố phân loại thí sinh.

Câu nghị luận xã hội đề cập đến một hiện tượng khác của xã hội: mọi người chỉ tập trung tích lũy kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là ở trường phổ thông. Hai vấn đề này cần đồng đẳng với nhau và cũng là “đất” để thí sinh bày tỏ quan điểm của mình.

Câu nghị luận văn học quen thuộc nhưng ý thứ nhất là kiến thức giáo khoa dành cho học sinh phổ thôg. Ý thứ 2 bình luận quan điểm là dành cho học sinh khá, phân loại cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo thầy Hùng, phần nghị luận văn học (câu cuối cùng) lại không thể hiện được chủ trương trên vì cả  câu hỏi chiếm 4 điểm nhưng chỉ gói gọn trong một tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.

"Với đề thi này, thí sinh có thể làm được 4, 5 điểm nhưng điểm 7, 8 là rất khó, phải khá giỏi trờ lên mới có thể đạt được", thầy Hùng nói.

  • Thạc sỹ Lý Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Đề thi gắn liền với thực tiễn sinh động của cuộc sống


Tôi rất tâm đắc với đề thi môn Ngữ văn năm nay, đề thi vừa sức và có sự phân hõa rõ rệt: Như phần I, học sinh trung bình hoàn toàn có thể làm trọn vẹn vì kiến thức không nằm ngoài chương trình đã học. Còn ở phần II của đề thi, nói là khó hơn những cũng không hề đánh đố thí sinh và cũng không khó để đạt điểm cao.

Tôi rất thích các ra đề thi năm nay của của Bộ GD&ĐT, các câu hỏi rất tường mình. Với đề thi này, học sinh có thể không cần thuộc bài hoặc đoạn văn mà vẫn có thể làm được, vì trong đề đều có trích dẫn. Tuy nhiên, đề thi cũng yêu cầu thí sinh phải có những kỹ năng nhất định như: kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc, cảm thụ văn bản và cả kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Đặc biệt, đề thi không chỉ yêu cầu các em nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa mà còn gắn liền với thực tiễn sinh động của cuộc sống, như vấn đề biển đảo, những người lính hải quân  hay như hội chứng vô cảm và kỹ năng sống. Đây là những vấn đề thời sự mà cả xã hội đang quan tâm.

Với đề thi năm nay, những em có học lực trung bình có thể đạt được 5 đến 6 điểm.

  • Cô Phó Thị Hải – Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội): Đề thi tác động trở lại giáo viên


Theo tôi, đề thi Ngữ văn nay có 3 vấn đề mà tôi rất hài lòng đó là: Vừa sức, có sự phân hóa rõ ràng; cần có cả kiến thức xã hội và tác động trực tiếp trở lại đối với giáo viên dạy Văn.

Với đề thi năm nay, học sinh trung bình cũng có thể làm để đủ điểm đỗ tốt nghiệp THPT. Ở phần I, các câu hỏi không quá khó, thậm chí thí sinh không cần thuộc đoạn thơ cũng có thể làm được bài; còn ở phần II, đòi hỏi thí sinh ngoài việc hiểu và cảm thụ tốt tác phẩm “ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì thí sinh phải có cả kiến thức xã hội.

Ngoài ra đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh cần có hiểu biết về xã hội. Tất cả các câu hỏi đều gắn liền với những vấn đề thời sự hiện nay. Đặc biệt đề thi mang tính giáo dục rất cao về kỹ năng sống, về tình yêu quê hương, đất nước và những vấn đề mang tính nhân văn, xã hội cho các thí sinh.

Một điểm đáng ghi nhận ở đề thi năm nay nữa đó là, đề thi đã được ra theo đúng mục tiêu đổi mới của ngành Giáo dục hiện nay đó: Phát huy phẩm chất, năng lực và khả năng vận dụng kiến thức của học sinh. Cụ thể ở phần I, ngoài kiến thức mà các thầy, cô giáo dạy đỏi hỏi các em phải biết cách vận dụng những hiểu biết về xã hội vào bài làm của mình.

Song điều mà tôi tâm đắc nhất ở đề thi năm nay đó là đã tác ngược trở lại đối với giáo viên dạy Văn. Đã đến lúc, giáo viên chúng tôi không chỉ dạy những kiến thức bài học trong sách giáo khoa trong một bài học, mà phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp liên môn gắn với thực tiễn xã hội.

Điều đó cũng đòi hỏi phải giáo viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức  chuyên môn, nghiệm vụ, kiến thức xã hội để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của học sinh nói riêng và của ngành Giáo dục nói chung.

  • Cô Mã Bảo Hà – Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, giáo viên dạy Văn Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh): Coi thi môn Văn tôi thấy học sinh rất hào hứng làm bài


Cấu trúc đề thi rất phù hợp với học sinh và phù hợp với từng đối tượng. Phần nghị luận xã hội đi sâu vào vấn đề xã hội đang quan tâm đó là kỹ năng sống cho giới trẻ.

Tôi rất mừng vì với đề Văn này học sinh không bị bỡ ngỡ bởi trước đó giáo viên đã được tập huấn kiến thức đúng với chỉ đạo và định hướng của Bộ GD&ĐT, sau đó hướng dẫn ôn tập cho học sinh nên với đề thi có cấu trúc như thế này sẽ khiến thí sinh yên tâm “thả hồn” vào bài thi.

Điểm mới của đề Văn năm nay là phần đọc hiểu là phần văn bản ngoài chương trình đã được trích dẫn vào, rồi chia ra những câu hỏi nhỏ khiến thí sinh dễ làm, dễ ghi điểm hơn.

Đề thi này hỏi rất rõ ràng, không có những câu đánh lừa yêu cầu thí sinh phải tư duy nhiều. Tuy nhiên đề cũng có tính phân loại rõ nên những thí sinh khá, giỏi sẽ làm trọn vẹn hơn.

Với tính giáo dục cao của đề thi về hội chứng vô cảm, học sinh sẽ có cái nhìn tổng thể từ những gì đã học với thực tiễn cuộc sống đưa vào bài thi. Như vậy, với đề Văn này, các em sẽ có cách làm riêng, không giống nhau khiến người chấm, người đọc cũng cảm thấy phong phú hơn.

Là giáo viên đi coi thi môn Văn, tôi thấy học sinh rất vui khi đọc đề và hào hứng để làm bài. Hứa hẹn rằng, môn Văn năm nay sẽ có nhiều điểm cao. Tôi nghĩ đó là thành công với yêu cầu đổi mới giáo dục.

  • Cô  Phạm Thị Vân - Giáo viên Văn trường THPT Ngô Thì Nhâm (Ninh Bình): Đề thi không kiểm tra kiến thức học thuộc


Tôi rất vui và phần nào yên tâm cho lứa học trò của mình khi đọc đề thi Văn năm nay bởi cấu trúc đề sát đề thi minh hoạ, học trò đã có dịp cọ sát ôn luyện và thi thử từ trước

Đề Văn năm nay có tính mới - không kiểm tra kiến thức học thuộc mà yêu cầu học sinh phải vận dụng tư duy và kĩ năng để làm bài. Do vậy những học sinh chỉ chăm chăm học thuộc lòng những bài thầy cô dạy mà không nhiều vốn sống sẽ không lấy được điểm tuyệt đối ở câu 4 phần I và câu 1 phần II.

Phần câu hỏi 4 điểm cũng trích đoạn văn bản và yêu cầu cảm nhận về nhân vật trong đoạn văn đó, thêm cả phần tích hợp bình luận về điểm nhìn của nhà văn. Hay nhất là câu nghị luận xã hội đặt ra vấn đề mà giáo dục hiện nay quan tâm để bàn luận: Rèn kĩ năng sống cũng quan trọng không kém với tích luỹ kiến thức. Theo tôi, học trò sẽ rất hào hứng với câu này.

Nhưng đề thi năm nay để đạt được điểm 9,10 là rất khó. Đa số học sinh trung bình sẽ đạt mức 5 điểm, học sinh có học lực khá đạt điểm 7 không khó.

Theo ý kiến cá nhân, học trò của tôi, em nào giỏi sẽ đạt điểm 8 hoặc trên 8. Nói chung, đề thi Văn năm nay vẫn có những câu phân loại thí sinh để chọn những em xứng đáng vào học đại học.

  • Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Giáo viên Văn Trường THPT Đắkmil (huyện Đăkmil, tỉnh Đăknông): Đề thi khiến học sinh phải huy động kiến thức tích lũy trong cuộc sống để làm bài


Theo đánh giá của tôi và một số đồng nghiệp, đề thi Văn năm nay thực sự rất thú vị, phù hợp với yêu cầu và kiến thức học sinh ôn luyện, bao gồm cả kiến thức trong chương trình sách giáo khoa và lồng ghép kiến thức về kỹ năng sống, kiến thức xã hội. Với dạng đề thi mở như thế này tránh được tối đa tình trạnh học tủ.

Nhìn chung, với các đề thi các môn xã hội, làm xong bài thi đều khiến các em phấn khởi và mong chờ một kết quả như ý. Đề thi Văn sáng nay kiến thức chỉ có một phần trong sách vở, còn lại tự mỗi học sinh phải huy động vấn kiến thức đã tích lũy từ cuộc sống để hoàn thành bài. Đây chính là điểm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trên cơ sở hướng dẫn kịp thời của Bộ GD&ĐT, với đề thi minh họa rất cụ thể cùng với việc cập nhật các kiến thức mang tính thời sự, tôi tin rằng, quá trình ôn tập đã giúp học sinh hoàn toàn tự tin chinh phục đề thi hôm nay.

Tôi tin rằng, với lối ra đề như năm nay, môn Văn sẽ trở thành môn học ngày càng hấp dẫn, mang lại nhiều thú vị hơn nữa cho học sinh trong quá trình học tập và tích lũy vốn sống.

  • Cô Lương Thị Kim Thanh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Đống Đa (Hà Nội): Cơ hội cho những "nhà phê bình tuổi teen" thỏa sức sáng tạo


Tiếp cận với đề thi chính thức, tôi thực sự rất phấn khởi và tin rằng, học sinh của tôi sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Đề thi ra vừa sức học sinh với các vấn đề rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp thí sinh thoải mái và tự tin hơn từ đó thúc đẩy hơn tính chủ động, sáng tạo khi làm bài.

Mặc dù cấu trúc đề thi hoàn toàn mới so với năm trước nhưng ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&Đ, cùng với việc làm quen với đề thi minh họa, đề thi chính thức đã không làm khó thí sinh.

Phần đọc hiểu sử dụng văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa nhưng lại đề cập đến vấn đề vô cùng gần gũi và mang tính thời sự cao – vấn đề chủ quyền biển, đảo. Văn bản nhật dụng với những bàn thảo về vấn đề bạo lực và sự vô cảm ở một bộ phận giới trẻ cũng là chuyện lứa tuổi các em hay “thì thầm” trò chuyện trong mỗi giờ ra chơi hay lúc tụ tập nói chuyện phiếm.

Theo cá nhân tôi, đề Ngữ văn năm nay thật sự rất thú vị. Để làm tốt đề bài này, học sinh không thể chỉ có các kiến thức kiểu “mọt sách” mà cần vốn sống, trải nghiệm và kiến thức xã hội cùng kiến thức về kỹ năng sống bên cạnh tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng, cảm xúc cần thiết của một người đang cảm thụ văn chương.

Đề thi năm nay, đủ để các học sinh trung bình đạt đủ điểm trung bình và đủ cơ hội để những “nhà phê bình” tuổi teen thể hiện hết khả năng sáng tạo, chinh phục điểm cao.

  • Cô Nguyễn Thị Hồng Yến - Giáo viên Văn Trường THPT M.V Lomoloxop (Hà Nội): Tính phân loại học sinh rất rõ


Tôi rất hồ hởi khi đọc được đề Văn năm nay. Có thể nói đề thi rất ổn bởi vừa sức và phân loại được học sinh. Cách hỏi đúng và trúng rất tường minh, rõ ràng, phù hợp với tinh thần đổi mới.

Thêm nữa là với đề thi này phân loại được học sinh rõ ràng, chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12 nên các em không có nhiều bỡ ngỡ.

Riêng đối với học sinh có học lực trung bình có thể làm tốt phần đọc hiểu. Riêng câu Giáo dục về kỹ năng sống, học sinh trung bình vẫn có thể được điểm phần này.

Tôi thấy rằng đề Văn năm nay có tính giáo dục học sinh rất rõ ràng và mang tính thời sự bởi hiện tượng vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay đang khiến xã hội rất quan tâm. Việc giáo dục kỹ năng sống cũng rất cập nhật trong các trường học nên các em có thể vận dụng tốt để làm câu này.

Câu 4 điểm ở phần làm văn hơi khó đối với học sinh có học lực trung bình nên câu này sẽ là câu phân loại học sinh rõ nhất. Bởi nếu không phân tích kỹ về người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa thì các em chỉ nêu ra được bề nổi mà không có chiều sâu. Trong khi, muốn viết được sâu thì chủ yếu phải là những học sinh khá, giỏi.

Tổng quan có thể thấy rằng đề thi năm nay không bị bỡ ngỡ, bám sát chương trình ôn tập và chắc chắn điểm Văn sẽ cao hơn năm ngoái

Ý kiến của học sinh về đề thi Văn 2015 sáng nay (2/7)

  • Hà Nội: Câu nào em cũng thích!

Kết thúc 2/3 thời gian làm bài, sáng nay (2/7), nhiều thí sinh đã kết thúc bài thi môn Ngữ văn. Hầu hết thí sinh ra sớm không dùng môn này để xét tuyển vào đại học.

Thông tin từ thí sinh tại điểm thi Học viện Kỹ thuật quân sự, đề thi năm nay có 3 câu. Câu thứ nhất đọc hiểu, câu 2 nghị luận xã hội về nội dung kỹ năng sống; câu 3 nghị luận xã hội liên quan đến đoạn trong bài thơ “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Mặc dù là dân khối A và ra khỏi phòng thi khá sớm, nhưng thí sinh Nguyễn Thiên Hải – học sinh Trường THPT Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) – vẫn tự tin mình có thể đạt từ 5 – 6 điểm Văn.

Hải cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay không khó. Riêng câu đọc hiểu, hầu hết thí sinh có thể làm được và dễ dàng dành được 3 điểm từ câu này.

Thú vị nhất là câu nghị luận xã hội về kỹ năng sống, với đại ý: Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lũy kiến thức.

Thí sinh Lê Thế Hải – học sinh Trường THPT Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng nhớ nhất câu nghị luận này. Không phải “dân” Văn nên có thể bài luận chưa đạt như ý muốn, nhưng Hải cho rằng, mình và các bạn đều rất đồng tình với ý kiến đưa ra trong bài nghị luận. Bởi vì, chính các em cũng đã đọc được rất nhiều thông tin các sinh viên ra trường hiện nay không thể kiếm được việc làm vì thiếu hụt kỹ năng sống.

Với đề thi năm nay em tin rằng sẽ có rất nhiều điểm 6, 7. Còn những bạn học khá để đạt 8, 9 sẽ không khó. Bản thân em học chuyên về các môn Toán, Lý, Hóa nhưng em tự tin mình sẽ đạt ít nhất được 6,5 điểm.

Cũng không mất đến 180 phút để làm bài thi Ngữ văn, thí sinh Hoàng Lan Hương – Trường THPT Giao Thủy (Nam Định) tâm đắc nhất câu hỏi 2 nói về rèn luyện kỹ năng sống cần thiết. Câu này chạm đúng tâm tư, nguyện vọng của học sinh chúng em và đúng như trong đề thi đã viết: “Rèn kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”.

Nhìn một cách tổng thể, đề thi năm nay khá hài hòa về nội dung và có sự phân hóa rõ ràng. Chúng em khá tự tin làm bài và không bị bỡ ngỡ vì trước đó ở trường chúng em đã được làm quen với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Em cho rằng nếu bạn nào mà học tủ sẽ bị thất bại trước đề thi được ra theo hướng mở như thế này. Em đoán em được 7 điểm môn Văn

  • Đề thi Văn 2015 gần gũi với đời sống

Bước ra từ Hội đồng thi ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh Nguyễn Nhật Trường (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết hoàn thành bài thi sớm với 5 trang bài làm và hy vọng đạt 6 điểm.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Trần Ngọc Thái Nguyên (HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) cho hay, đề thi có nhiều vấn đề gần gũi cuộc sống, đặc biệt giới trẻ. Chẳng hạn quan niệm về tầm quan trọng của kỹ năng sống, cách nhìn về bạo lực và sự vô cảm. Ngay trong phần nghị luận văn học, thí sinh được thể hiện tình cảm của mình với người lính đảo.
Tại Hội đồng thi ĐH Quốc gia TP.HCM, sau 2/3 thời gian làm bài của môn văn, nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi và cho biết đề thi văn năm nay không quá khó nhưng dài với 8 câu chia làm hai phần.
Tương tự, thí sinh Đỗ Thị Minh Thư (ở Long Khánh, Đồng Nai): "Điểm học kỳ môn văn vừa rồi của em được 6.5. Đề văn này em làm khoảng 50-60%. Đề năm nay có 8 câu chia làm 2 phần, đề hơi dài. Phần đọc hiểu giúp chúng em dễ có điểm. Theo em nhận thấy đề văn năm nay hướng thí sinh vận dụng nhiều kiến thức xã hội".
Thí sinh Bùi Văn Chiến (thi tại điểm Đại học Công nghệ TP.HCM) cho biết: Điểm văn học kỳ vừa rồi của em là 7.5. Với đề thi này em ước lượng em được 6.5 - 7 điểm. Em thích nhất phần nghị luận văn học về hình tượng  người đàn bà hàng chài trong tác phầm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu, phần này em tự tin mình làm tốt nhất.

  • Đề Văn thi THPT Quốc gia: Không quá khó khi bàn về kỹ năng sống và bệnh vô cảm

Chưa hết giờ nhưng khá nhiều thí sinh đã hoàn tất bài thi môn Văn trong ngày thi thứ 2 kỳ thi THPT Quốc gia. Một số thí sinh đánh giá đề thi đề cập tới các vấn đề khá gần gũi với cuộc sống như bệnh vô cảm hay việc tích luỹ kỹ năng sống.

Nhận xét về đề văn, thí sinh Nguyễn Bình, dự thi tại trường Lê Thánh Tôn, Quận 7, TP HCM cho biết một trong những vấn đề quan trọng của đề Văn là câu nghị luận về tầm quan trọng của việc tích luỹ kỹ năng sống song song với tích luỹ kiến thức. Đây là chủ đề không mới và em Bình cho rằng có thể dựa vào chính kiến thức hiểu biết xã hôi của mình để làm bài.

Câu 4 điểm nghị luận văn học đề cập tới việc phân tích hình ảnh người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và cách nhìn cuộc sống của tác giả cũng nằm trong nội dung ôn tập. Đây là tác phẩm quen thuộc và được nhiều thầy cô giảng dạy kỹ lưỡng.

Những câu phân tích các biện pháp nghệ thuật cũng được một số thí sinh đánh giá là không quá khó.

Em Lê Lưu Vũ, học sinh trường Trần Hưng Đạo, Bình Thuận dự thi tại TP HCM cho biết đề thi khá dài nhưng không quá khó. Tuy nhiên để làm được tốt và xuất sắc đòi hỏi các em phải vận dụng được nhiều kiến thức xã hội.

Là thí sinh ra đầu tiên tại điểm thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn quận 1, em Nguyễn Thựơng Hoài, học sinh trường Gia Định cho biết đề văn có nhiều ý, nên dễ lấy điểm từng phần. Em làm chắc chắn được 70%, còn lại là phần làm văn nên không còn xê dịch điểm.

  • Đề thi Văn nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa
Tại cụm thi ĐH Sư phạm TP.HCM, nhiều thí sinh đã làm bài xong nhưng các em phải đứng chờ dưới sân hoặc hành lang chờ hết giờ làm bài 180 phút mới được mở cổng để ra ngoài.

Trao đổi nhanh với phóng viên, một thí sinh cho biết đề thi gồm 10 câu, 8 câu đọc hiểu và 2 bài làm văn trong đó có một bài làm văn về chủ đề tính thiết yếu của Kỹ năng sống.

Tại cụm thi của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một học sinh vừa ra ngoài cho biết đề nghị luận khá hay khi đề cập đến kỹ năng sống liên quan đến nhiều mặt trong cuộc sống. Theo em Hoàng Thị Thu Huyền, học sinh trường Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội thì đề nghị luận khá hay,ấn tượng,phù hợp với học sinh. "Giờ nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi bọn em còn thiếu sót nhiều mặtvề các hành vi ứng xử, cách giao tiếp với mọi người và cả việc thiếu kiềm chế cảm xúc". em Thu huyền nói.

Tại hội đồng thi trường THPT Bình Lợi (TP.HCM) các thí sinh dự thi môn Văn cũng ra khỏi phòng thi khá sớm. Nhận định cung của các thí sinh là đề Văn năm nay hay và có nhiều ý nghĩa. Thí sinh Ngô Đức Cường, trường Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) cho biết: "Đề thi năm nay khá hay. Em ấn tượng nhất là câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo và câu nghị luận nói về kỹ năng sống. Đề Văn hay nhưng tương đối khó với những thí sinh học lực trung bình."

Đa số thí sinh ra khỏi phòng thi sớm là do chỉ đăng ký môn Văn là môn thi tốt nghiệp nên không cần đạt điểm cao như các môn khác. Thí sinh Đặng Vũ Xuân Thanh nói: "Do em đăng ký khối A với 3 môn là: Toán, Lý, Hóa nên không chú tâm nhiều đến môn Văn. Em chỉ làm hết sức lực và làm trong khả năng của mình. Em sẽ tập hết sức vào môn thi buổi chiều là môn Vật Lý".