1. Năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược

Từ thời điểm kể trên các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng.

Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

Theo thông tin này, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa VN và các nước ASEAN. Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ cao đẳng, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ ĐH trở lên.

Theo ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, thời gian gần đây các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Ông Tác cho rằng với nhóm nhân lực kể trên, sẽ sớm có biện pháp điều phối và đào tạo để “xuất khẩu” điều dưỡng hiện đang có nhu cầu rất lớn ở nước ngoài.

2. Tăng cụm thi THPT quốc gia, ​tăng độ chính xác của việc chấm điểm?

Ngày 23-2, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo mới nhất thông tư sửa đổi quy chế thi THPT quốc gia. Theo đó, mỗi tỉnh thành có ít nhất một cụm thi.

Trong đó, các cụm thi dành cho thí sinh dự thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì phối hợp với sở GD-ĐT. Cụm thi dành cho thí sinh chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp do sở GD-ĐT chủ trì.

“Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi” - dự thảo nêu rõ.

Bên cạnh việc mở rộng số lượng cụm thi, dự thảo trên cũng điều chỉnh một số quy định nhằm siết chặt hơn các khâu coi thi, chấm thi, nhưng đồng thời cũng đảm bảo tính khách quan, chính xác hơn. Như việc quy định trách nhiệm cụ thể hơn của lãnh đạo hội đồng coi thi, giám sát kỳ thi.

Ở khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT cũng có một số điều chỉnh, trong đó quy định tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Như vậy theo quy định mới, độ chi tiết, chính xác của việc chấm điểm sẽ lớn hơn.

Dự thảo cũng nêu: “Trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi có điều chỉnh điểm”. Ở quy chế thi năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định điểm phúc khảo chênh lệch đối với môn khoa học tự nhiên là 0,5 điểm, đối với môn khoa học xã hội là 1,0 điểm thì mới phải đối thoại trực tiếp.

Cũng theo dự thảo trên, Bộ GD-ĐT quy định bộ sẽ chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GD-ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

“Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ GD-ĐT, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo ban thư ký hội đồng thi in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo mẫu thống nhất do Bộ GD-ĐT quy định, ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở GD-ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi. Mỗi thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất”, đây cũng là quy định mới trong dự thảo quy chế thi của năm nay.


Tổng hợp

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160225/ngung-nhan-nguoi-he-trung-cap-trong-nganh-y-tu-nam-2021/1056853.html,

nguồn: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20160224/tang-cum-thi-thpt-quoc-gia-tang-do-chinh-xac-cua-viec-cham-diem/1056292.html