Là một giáo viên giảng dạy bộ môn ngữ văn khá lâu năm, từ kinh nghiệm của của nhiều lần chấm thi, kinh nghiệm của một người từng đi học và nhiều lần làm bài thi và của một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy các em học sinh 12 ôn thi, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm – kĩ năng thiết thực để bài thi các em đạt kết quả tốt nhất với khả năng học tập của mình.
Mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Văn đạt điểm cao
Đây là kinh nghiệm làm bài dựa trên cơ sở đề thi và yêu cầu làm bài đề thi minh họa của Bộ giáo dục và đào tạo.
1.Lưu ý chung
- Về chữ viết, trình bày: Chữ viết cần đẹp, nếu không đẹp thì cần viết cẩn thận, rõ ràng. Chọn màu mực xanh sáng, không nên dùng màu mực đen vì chữ viết sẽ khó sáng sủa trên nền tờ giấy thi. Trình bày cẩn thận, hạn chế tối đa tẩy xóa. Các ý phải được trình bày tách biệt rõ ràng theo quy định viết đoạn.
- Về tìm hiểu đề và lập dàn ý: Khi nhận được đề thi, việc đầu tiên của các em là đọc đề. Khi làm việc này, các em kết hợp với việc sau: đọc đề đồng thời cầm bút và giấy nháp, khi đọc, bất cứ điều gì nảy ra trong đầu về các câu hỏi trong đề bài phải ghi lại thật nhanh, có thể lộn xộn cũng được. Bởi vì, lúc đó, trong đầu chúng ta thường có nhiều kiến thức, ý tưởng mà sau đó có thể sẽ quên và khó nhớ ra được.
Mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Văn đạt điểm cao
Bài viết phải có hệ thống ý – luận điểm và triển khai thành đoạn văn, bài có thể thiếu ý, nhưng tuyệt đối không được viết toàn bộ thân bài chỉ trong một đoạn dài.
Sau đó, các em hãy bình tĩnh đọc lại đề bài, phân bố thời gian hợp lí cho từng phần của bài thi và phác ra dàn ý sơ lược cho từng phần (nếu có thể).
- Về viết mở bài: Trừ một số ít học sinh giỏi, còn lại đa số các em đều loay hoay và mất khá nhiều thời gian cho phần mở bài. Có thể giải quyết nhanh phần này bằng cách, viết mở bài ngắn gọn, chỉ cần đúng là dẫn dắt vài điều rồi đưa toàn bộ đề bài xuống (thay đổi một vài chữ). Mở bài là nêu vấn đề, đó là nguyên tắc, vấn đề nằm ở đề bài, nên đưa đề bài xuống là một kĩ năng giải quyết trong tình huống viết mở bài khó.
2. Kinh nghiệm làm bài cụ thể cho từng phần của đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn
a. Phần đọc hiểu
- Đọc kĩ từng câu hỏi trước khi đọc văn bản để việc đọc được tập trung hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.
- Trả lời ngắn gọn, chính xác, không trả lời thừa thông tin mà đề bài yêu cầu.
Ví dụ: Đề bài hỏi về biện pháp tu từ, học sinh suy nghĩ trả lời đúng và đủ, không được nêu thừa thêm cho có may rủi.
- Theo đề thi minh họa thì phần đọc hiểu có 8 câu hỏi nhỏ phân hóa theo nhiều cấp độ. Trong đó có 2 câu hỏi (câu 4 và câu 8 mỗi câu 0,25 điểm) nâng cao và cần dành nhiều thời gian hơn vì học sinh phải viết đoạn văn 5-6 dòng. Có một số lưu ý cho các em khi làm phần này là không sa đà dành nhiều thời gian cho 2 câu hỏi này. Chỉ viết đoạn văn theo yêu cầu, không viết dạng bài văn. Và nếu thấy cần, các em nên tạm thời bỏ qua 2 câu hỏi này và dành làm sau khi hoàn thành bài thi sẽ tốt hơn vì phần này chỉ có 0,5 điểm.
b. Phần nghị luận xã hội
- Đề bài nghị luận xã hội có 2 dạng: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí và Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Xu hướng hiện nay thì đề bài thường có sự kết hợp cả hai dạng này. Dù đề bài là gì thì khi làm bài, các em đều cần huy động cả kiến thức và sự hiểu biết về cả hai lĩnh vực bởi vì bài nghị luận về tư tưởng đạo lí luôn liên quan đến hiện tượng đời sống thực tế đang diễn ra và ngược lại.
- Đề bài này có giới hạn số từ nên các em cần cân đối dung lượng bài làm: không nên sa đà vào một dẫn chứng nào đó hoặc nêu quá nhiều daãn chứng sẽ khiến bài vừa dài vừa chênh lệch giữa các phần, khoảng 2 trang giấy thi là ổn.
- Nắm chắc các bước làm bài cơ bản với một số kinh nghiệm sau cho phần thân bài:
+ Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:
* Giải thích
Gợi ý: Giải thích từ ngữ riêng, có thể giải thích theo nghĩa đen, nghĩa bóng.. .Sau đó nêu ra ý nghĩa chung của vấn đề. Nếu đề bài đưa ra một văn bản ngắn thì cần rút ra tư tưởng, đạo lí của văn bản rồi bàn chứ không bàn về toàn bộ câu văn bản đó.
* Bàn luận: Có thể đặt ra vài câu hỏi sau: Ý kiến đó đúng hay sai? Vì sao? Chứng minh? (dẫn chứng ngắn gọn, chọn lọc, không nên đưa nhiều).
Bàn luận mở rộng theo gợi ý sau: - Nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau để thấy được tính chưa hoàn chỉnh hoặc chỗ cần bổ sung của vấn đề.
- Đưa ra một vấn đề ngược lại với vấn đề đang bàn.
Ví dụ: Bàn về sự tự tin thì nói thêm về sự tự cao và tự ti...
* Rút ra bài học nhận thức và hành động: Cần thiết thực, gần gũi với vấn đề đang bàn, không đưa ra bài học chung chung.
+ Nghị luận về một hiện tượng đời sống
* Nêu hiện tượng: Phần này học sinh thường trình bày lan man, rất dễ lấn sang phần khác của bài làm nên có thể tham khảo gợi ý sau:
Có thể giải thích từ ngữ nếu thấy cần thiết. Sau đó nêu theo định hướng: hiện tượng đó đang diễn ra như thế nào, biểu hiện (phạm vi nào, bộ phận nào...)
* Phân tích mặt đúng - sai, lợi - hại của hiện tượng: Theo câu hỏi: đúng – sai, vì sao? Lợi – hại như thế nào, biểu hiện cụ thể, vì sao?
Phần bàn luận mở rộng tương tự bài nghị luận về môt tư tưởng đạo lí: Nhìn nhận hiện tượng ở nhiều mặt, nhiều góc nhìn khác nhau và bàn thêm về hiện tượng trái ngược hiện tượng đang bàn.
* Nguyên nhân của hiện tượng: Phần này học sinh trình bày dễ trùng lặp và thiếu nên các em có thể chia ra 2 nhóm nguyên nhân: khách quan và chủ quan để bài làm vừa thấu đáo vừa logic.
* Ý kiến của bản thân: Ý kiến của bản thân thường liên quan đến giải pháp. Các em nên căn cứ vào nguyên nhân ở trên, vì có nguyên nhân là đã có giải pháp, hơn nữa nên chú ý đến tính thiết thực của giải pháp thì bài sẽ thuyết phục hơn.
c. Phần nghị luận văn học
- Chú ý yêu cầu của mỗi kiểu bài khác nhau. Dù kiểu bài nào thì điều quan trọng nhất vẫn là tập trung làm rõ vấn đề nêu ở đề bài nên các em cần bám sát đề bài để tìm ý, sắp xếp ý và triển khai.
- Ở phạm vi bài viết này, người viết chỉ tâp trung lưu ý dạng đề mới là: Dạng đề so sánh văn học.
+ Các em không nên có tâm lí đề so sánh là khó rồi ngại làm, bỏ qua. Bởi vì, ít nhất các em làm được hơn 50% của bài làm nếu muốn bỏ qua phần so sánh. Nên các em không làm được phần so sánh thì vẫn đầu tư làm bài thật tốt hai phần đầu của bài làm.
+ Một số gợi ý làm bài
Các ý triển khai cho phần thân bài thường thế này:
Ý 1: Tìm hiểu văn bản thứ nhất
Ý 2: Tìm hiểu văn bản thứ hai
(Ý 1, Ý 2 làm bài riêng lẻ, tách biệt như cách làm bài thông thường cho một văn bản)
Ý 3: So sánh hai văn bản
- Điểm tương đồng: Là điểm xuất phát để người ra đề chọn hai văn bản để so sánh nên sẽ không khó để tìm ra. Điểm này có thể có sẵn ngay trên đề bài (nếu đề bài có định hướng sẵn). Nếu không có sẵn, học sinh có thể theo vài gợi ý như: Thời gian sáng tác?; hoàn cảnh sáng tác?; thế hệ nhà văn?; đề tài; chủ đề; cách thể hiện...Cũng trên cơ sở đó, để lí giải vì sao có sự tương đồng.
- Điểm khác biệt: Phải trên cơ sở sự tương đồng để tìm điểm khác biệt thì mới logic, khoa học bởi vì đương nhiên là hai văn bản vốn bản thân đã là khác biệt. Có thể theo vài gợi ý như:
Thời gian, không gian ( địa điểm) để thấy đặc trưng vùng miền khác nhau. Văn hóa khác nhau, con người khác nhau...
Cách thức thể hiện: Khác nhau...
Lí giải sự khác biệt rất quan trọng cho bài làm: lí giải trên cơ sở khoa học, căn cứ vào: Hoàn cảnh sáng tác, phong cách nhà văn, đề tài và cách xử lí đề tài...
Có quá nhiều điều muốn trao đổi thêm với các em, nhưng người viết chỉ dừng lại những kinh nghiệm thực tế, thiết thực, gần gũi nhất có thể chia sẻ, đồng hành cùng các em trong những ngày này. Chúc các em thành công