>> Giáo dụcđào tạombatiến sĩthạc sĩ

Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) là một trong những câu chuyện thành công nhất hiện nay. Kể từ khi được Trường Kinh doanh Harvard “mở màn” vào năm 1908, MBA đã trở thành cơn sốt. Sau khi chinh phục nước Mỹ, MBA đã vươn sang các nước châu Âu vào năm 1957. Trong hàng thập kỷ qua, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi cũng không cưỡng lại sức hút của chương trình này.

Cách đây 40 năm, số sinh viên tốt nghiệp ngành luật và MBA của các trường đại học là tương đương nhau, nhưng giờ số sinh viên tốt nghiệp MBA đã cao gấp gần 4 lần sinh viên luật. Mặc dù nhu cầu theo học MBA tại Mỹ đang hạ nhiệt nhưng tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, nhu cầu lại tăng rất nhanh.

MBA đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Tuy nhiên, MBA giờ lại phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu họ sẽ nhận được lợi ích gì sau khi bỏ ra một số tiền lớn để theo học chương trình MBA. Theo khảo sát của The Economist, sinh viên giờ quan tâm nhiều đến mức lương nhận được hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra. Trong khi đó, bảng xếp hạng các chương trình MBA toàn thời gian năm 2013 của the Economist cho thấy mức lương cơ bản trung bình của các sinh viên tốt nghiệp chỉ là 94.000 USD, thấp hơn khoảng 1.500 USD so với cách đây 5 năm.

Trong khi lương giảm thì học phí lại tăng. Tại Trường Kinh doanh Chicago, trường số 1 trong bảng xếp hạng năm 2013 của The Economist, học phí 2 năm là 112.000 USD, tăng khoảng 17.000 USD kể từ năm 2008. Học phí của Trường Harvard cũng đã tăng thêm gần 25.000 USD.

Không chỉ vậy, chương trình MBA cũng có nhiều thay đổi. Ngày trước, các sinh viên thường học các kỹ năng quản trị khác nhau, ít có tính chuyên sâu nhưng giờ hầu hết các trường kinh doanh đều khuyến khích sinh viên tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực như tài chính hay marketing. Hiện tại, ngày càng có nhiều khóa học MBA được thiết kế dành cho một số ngành đặc thù nào đó như chăm sóc y tế, ngành hàng xa xỉ và cả quản trị ngành sản xuất, buôn bán rượu.

Đáng chú ý là các môn học cũng ngày càng trở nên thức thời hơn. Trong đó, “Đại dữ liệu” đang trở thành một trong những lĩnh vực nghiên cứu nóng sốt nhất. Trường Đại học York ở Canada, chẳng hạn, gần đây đã tung ra chương trình thạc sĩ phân tích doanh nghiệp. Trường tuyển dụng các sinh viên có nền tảng vững chắc về định lượng như các nhà toán học và kỹ sư, những người dành phân nửa thời gian nghiên cứu các mô hình toán học và nửa còn lại theo học các lớp MBA. “Các doanh nghiệp cần người hiểu được những vấn đề thâm sâu của doanh nghiệp qua những phân tích của họ”, Murat Kristal, Giám đốc của chương trình này, cho biết.

Công nghệ đã làm thay đổi cách dạy và học MBA

Nhân tố có sức ảnh hưởng lớn nhất làm thay đổi toàn ngành MBA là công nghệ, theo nhận xét của Robert Dammon, chủ nhiệm khoa của Trường Kinh doanh Tepper: “Giáo dục đã cưỡng lại “lực hút” công nghệ trong một thời gian dài. Nhưng giờ không thể còn né tránh được nữa. Công nghệ đang làm thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ”.

Một biểu hiện của sự thay đổi này là nhiều trường học đã cung cấp các khóa học MBA miễn phí qua mạng.

Các chương trình MBA học từ xa là một biểu hiện khác. Xưa nay rất ít trường đại học danh tiếng nào lại tung ra các chương trình MBA học từ xa. Nhưng điều đó đang thay đổi. Các đại học nằm đầu bảng xếp hạng 2013 của The Economist đang đầu tư rất mạnh vào công nghệ phục vụ cho chương trình học từ xa. Trường Chicago, chẳng hạn, đã xây dựng các phòng video tại cơ sở ở Mỹ sao cho các sinh viên ở các cơ sở nước ngoài cũng không bỏ lỡ bài giảng của các giảng viên giỏi nhất.

Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill (UNC) còn làm nhiều hơn thế. Đây là một trong những trường đầu tiên nằm top đầu bảng xếp hạng 2013 có chương trình MBA toàn thời gian hoàn toàn học từ xa. Trường này vừa thu nạp 500 sinh viên trong đợt nhập học thứ hai của chương trình MBA@UNC, một chương trình MBA trực tuyến kéo dài 18 tháng. Con số này hầu như là gấp đôi số sinh viên nhập học chương trình MBA truyền thống (đến trường để học). Điểm thú vị là chương trình MBA từ xa có học phí cao hơn một chút so với chương trình truyền thống, một phần vì công nghệ hỗ trợ học từ xa không hề rẻ. Tuy nhiên, sinh viên vẫn đăng ký học nhiều hơn vì không muốn phải bỏ công ăn việc làm để đến trường học hoặc không thể đến trường vì các lý do khác.

Douglas Shackelford, Giám đốc Chương trình, cho rằng công nghệ lớp học trực tuyến giờ cũng như một lớp học thực tế. Các lớp học giới hạn chỉ 15 sinh viên ở khắp toàn cầu và họ hoàn toàn có thể tương tác với nhau. Nó cũng cho phép UNC tuyển dụng các giảng viên giỏi nhất, cho dù người đó có ở Bắc Carolina hay không. Tất cả bài giảng và thảo luận lớp đều có tính “vĩnh viễn”, nghĩa là sinh viên có thể xem lại trước kỳ thi hoặc sau khi đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông Shackelford cho rằng: “Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ nhìn lại và thấy sao chương trình còn đơn giản quá”.

Để nâng được lên mức phức tạp, đầu tư công nghệ sẽ rất tốn kém và dĩ nhiên học phí có thể sẽ cao hơn. Tuy nhiên, theo Clayton Christensen, Giáo sư Trường Harvard, khi sinh viên có nhiều lựa chọn hơn thì các trường kinh doanh có thể sẽ bị buộc phải cạnh tranh về giá. Ông cho rằng nhiều trường học sẽ nhận thấy rằng họ không đủ nguồn lực để cạnh tranh và do đó, sẽ có nhiều trường phải rời bỏ cuộc chơi. Và các sinh viên sẽ ăn mừng khi được học với chi phí rẻ hơn và không phải đi xa.

Kenhtuyensinh.vn (theo The Economist))