Ở câu đọc hiểu, thang điểm đáp án năm nay chi tiết hơn, cụ thể đến 0,25 (mức điểm thấp nhất). Trong đó có nhiều câu hỏi chỉ có một đáp án duy nhất, nếu thí sinh trả lời sai thì không có điểm.

Đối với phần làm văn, ở các kỳ thi từ 2014 trở về trước, từ hướng dẫn chấm đến đáp án, thang điểm đều được tính theo yêu cầu cắt ngang bài làm của thí sinh (TS). Nghĩa là giám khảo đọc đến đâu, chấm và tính điểm đến đó. Cách chấm của đề minh họa năm nay lại theo hệ thống dọc. Nghĩa là giám khảo phải đọc hết bài làm của TS trước, sau đó chấm theo các yêu cầu cụ thể: cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm), xác định đúng vấn đề (0,5 điểm), chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp (1 điểm với bài nghị luận xã hội và 2 điểm với bài nghị luận văn học), tính sáng tạo (0,5 điểm) và chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm).

Nếu trước đây TS giới thiệu được vấn đề (mở bài) được 0,25/0,5 điểm thì nay nếu viết thiếu mở hoặc kết bài không có điểm. Điểm đặc biệt chú ý nữa là nhiều TS có thói quen viết bài văn thành 3 đoạn văn (mở - thân - kết). Nhưng theo đáp án, nếu thân bài chỉ có một đoạn (hoặc cả bài chỉ có 1 đoạn) thì phần yêu cầu cấu trúc bài nghị luận sẽ 0 điểm.

Theo đáp án chấm trước kia, các yêu cầu về tính sáng tạo, về chính tả, dùng từ, đặt câu chỉ đưa vào phần lưu ý chung thêm cho giám khảo chứ không phải quy định thành thang điểm cụ thể (1 điểm) như đáp án đề thi minh họa. Sáng tạo thì rất cần thiết vì nó phản ánh đòi hỏi của bản chất môn văn. Nhưng rất ít TS có được điểm ở phần này. Còn về các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu thì đây là điểm yếu rất phổ biến của TS trong các kỳ thi trước.

Có thể TS đã quen với đáp án chấm ở trường  phổ thông, ở kỳ tốt nghiệp, tuyển sinh của các năm trước. Vì thế cần lưu ý sự thay đổi trên để bài thi không bị mất điểm.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/luu-y-ve-su-thay-doi-trong-cach-cham-thi-mon-van-557415.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, tuyển sinh lớp 10