Lo chất lượng đầu raNhiều trường ĐH xét tuyển bằng học bạ khiến nhiều người lo ngại về chất lượng "đầu ra". Ảnh: Hải Hà

Cạnh tranh khốc liệt

Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy định, cho phép các trường được sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Quy định này như "chiếc phao cứu sinh" cho nhiều trường đang có nguy cơ đóng cửa vì không tuyển đủ chỉ tiêu.

Đến thời điểm này, có 95 trường ĐH công bố xét tuyển bằng học bạ. Trong đó, đáng lưu ý, có nhiều trường ĐH công lập cũng thông báo sẽ dành nhiều chỉ tiêu cho việc xét tuyển bằng học bạ. Điển hình là Học viện Tài chính, những mùa tuyển sinh trước để có 1 vé vào trường này thí sinh phải đạt 22 điểm trở lên, những ngành "hot" như kế toán, kinh tế, tài chính ngân hàng điểm chuẩn năm 2015 lần lượt là 23,5; 22,5; 23. Năm nay, Học viện cũng dành 2.000 chỉ tiêu trong tổng số 4.000 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT.

Trường ĐH Lâm nghiệp cũng cho biết sẽ tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) bằng xét tuyển học bạ vào một số ngành không vượt quá 40% chỉ tiêu.

Trường ĐH Hàng hải cũng thực hiện đồng thời 2 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 (tất cả các ngành/chuyên ngành) và xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện 3 năm THPT (với 20% chỉ tiêu các chuyên ngành khối đi biển gồm: D101, D102, C101, C102, C103)…

Nhiều trường ĐH công lập của các tỉnh cũng xét tuyển bằng học bạ như: Các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức, ĐH Tây Bắc, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Hòa Bình….

Với việc nhiều trường ĐH công lập xét tuyển học bạ, không ít lãnh đạo trường ngoài công lập đã phải lắc đầu ngán ngẩm, lo lắng cho “số mệnh” của trường mình.

GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình chia sẻ: Trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhà trường đã phải thực hiện xét tuyển đến đợt 4 mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm 2016 nhiều trường ĐH công lập cũng xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, thì những trường “top dưới” và trường ngoài công lập sẽ gặp khó khăn ở khâu tuyển sinh hơn nhiều so với năm ngoái.

TS Vũ Phán - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cho rằng, nguồn tuyển sinh bằng học bạ sẽ không còn nhiều. Bởi vì những em tốt nghiệp từ năm 2010  cho đến 2014 vào hết đợt tuyển sinh năm ngoái. Những em tốt nghiệp 2015 chưa vào được thì năm nay vào. Hoặc các thí sinh năm vừa rồi thi không được thì năm nay có thể tuyển theo học bạ.

Lo đơn lo kép

Nhiều trường công xét tuyển bằng học bạ, các trường "top dưới" lo lắng cạn nguồn tuyển, nhiều chuyên gia giáo dục lo… chất lượng "đầu ra".

TS Vũ Phán cho biết, đang rất lo lắng khi năm ngoái lượng thí sinh tuyển đủ của nhà trường đa phần là xét bằng học bạ. Qua một học kỳ, lác đác đã có những sinh viên nghỉ học hoặc chuyển trường. Điều mà ông “đau đầu” nhất hiện nay, là con số sinh viên còn lại đến lúc ra trường là bao nhiêu, và làm sao đảm bảo chuẩn “đầu ra” cho tất cả các em?

Với ĐH Hòa Bình, GS Đặng Ứng Vận cũng chia sẻ thực tế: Lượng thí sinh tuyển từ kết quả học THPT năm ngoái, qua học kỳ một cho thấy đa phần các em xét bằng kết quả học tập THPT học yếu hơn những sinh viên khác.

Bàn về vấn đề này, PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa chia sẻ: Về lâu dài, hệ thống giáo dục của ta chung thực từ lớp 1 thì xét tuyển bằng học bạ chung thực, toàn diện hơn rất nhiều so với thi. Bởi vì đó là xét cả 1 quá trình, còn thi như thế này chỉ trong thời khắc, nhưng hệ thống của ta chưa được chung thực 100% nên xét tuyển bằng học bạ không loại trừ khả năng có những thí sinh có năng lực tiếp thu học tập rất yếu nhưng có 1 học bạ đẹp. Tôi thực sự nghi ngại về chất lượng nếu xét tuyển bằng học bạ.


Theo Thanh tra, nguồn: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lo-chat-luong-dau-ra_t114c8n104014


Xem điểm thi tốt nghiệp 2016 nhanh và chính xác nhất tại kenhtuyensinh.vn