Làm thế nào để đảm bảo tâm lý, sức khỏe trong mùa thi?Hai khách mời tham dự chương trình- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Làm thế nào để đảm bảo tâm lý, sức khỏe trong mùa thi?

Ai từng là học sinh cũng từng nhớ những câu thơ, câu nói về chuyện thi cử nghe cứ cay đắng và thống thiết. Chẳng hạn “Thi không ăn ớt thế mà cay”, “Học tài, thi phận”… Ngày nay thì các bạn trẻ hài hước hơn với những câu nói kiểu: Thi cử giống như bị bệnh vậy. Trước khi thi thì bệnh trầm cảm, khi thi là mất trí nhớ tạm thời, thi xong thì bệnh tình có vẻ chuyển biến tốt, lúc nhận lại bài thi, bệnh tim liền phát… Những điều đó cho thấy dù biết là chuyện bắt buộc phải diễn ra nhưng thi cử vẫn là nỗi ám ảnh của học sinh nên dù nói là rất “bình tĩnh” nhưng thí sinh nào cũng run trước khi bước vào phòng thi.

Là một chuyên gia tâm lý lại rất gần gũi với lứa tuổi học trò, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiều có thể chia sẻ với thí sinh những điều gì để có tâm lý vững vàng trước kỳ thi?

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ: Có nhiều thí sinh nghĩ đi thi như đi chiến đấu, nhưng nếu người lính có đủ chiến thuật và vũ khí sẽ tự tin. Tuy nhiên nếu chưa có sự chuẩn bị đầy đủ thì kỳ thi sẽ không vững vàng để bước vào phòng thi. Do vậy để có tâm lý vững chắc cần sự chuẩn bị trước đó 3 năm, thậm chí 12 năm qua chứ không phải bây giờ. Do vậy, trước hết cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức và kỹ năng làm bài, chiến thuật làm bài. Khi đó, bước vào phòng thi sẽ thấy háo hức và tự tin.
Có những thí sinh bước vào đề thi mắc căn bệnh tưởng tượng: sợ thi rớt, sợ quên bài, sợ bị nhỡ giờ… Những điều này tự hù dọa bản thân mình. Thay vào đó nên hình dung ngược lại. Trong đề thi luôn có phần căn bản để có thấy lấy được điểm. Thà rơi giọt mồ hôi trên trang vở còn hơn giọt nước mắt cuối mùa thi.

Một bạn đọc hỏi: Có nhiều bạn chưa định hướng được công việc trước khi thi, vậy phải làm sao?

Tiến sĩ Hiếu đặt thông tin: Cây dừa sáp nếu ở Trà Vinh thì mọc ra loại dừa có giá 200.000 đồng, còn mọc ở chỗ khác chỉ ra trái dừa bình thường. Cũng như vậy, mỗi người sẽ có thế mạnh của riêng mình. Bạn có thể tham gia các trắc nghiệm nghề nghiệp khác nhau để xác định thế mạnh của bản thân mình, từ đó định hướng được hướng đi trong cuộc đời.
Nếu thời gian không còn nhiều, thì bạn có thể chọn 10 nghề thấy hứng thú nhất. Sau khi tìm hiểu sâu hơn thì chọn ra 5 nghề mình thích nhất, có thể hỏi thêm chuyên gia tâm lý, những người làm nghề đó để chọn ra 3 nghề. Quá trình này sẽ giúp bạn giảm bớt rủi ro trong chọn nghề...
Về tâm lý, tiến sĩ Hiếu chia sẻ: Khi sợ có thể dẫn đến cơ thể cứng đờ, tim đập nhanh. Khi đó những phương pháp trấn tĩnh tức thời như uống 1 ngụm nước chẳng hạn, ngồi xuống ghế, thả lỏng, hít thở sâu, nhắm mắt lại và tưởng tượng đến cảnh nào thích nhất để được thư giãn. Nếu trong phòng thi, bạn có thể trò chuyện với người bên cạnh trong thời gian làm thủ tục dự thi.
Về cách học ghi nhớ kiến thức, tiến sĩ Hiếu cho rằng, cần thay đổi môn học thường xuyên, xen kẽ các lần học là thời gian giải trí hoặc học nhóm để tăng sự ghi nhớ. Học cần phải hệ thống theo từng môn học. Tự luận thì chia ra từng chủ đề, mỗi chủ đề học theo ý. Còn trắc nghiệm thì kiến thức dàn trải.
Bản thân tôi từng học theo chủ đề tư duy, ví dụ môn văn được chế biến theo chủ đề xương cá. Đầu là chủ đề, đuôi cá là kết luận tổng hợp. Cách này giúp chúng ta dễ nhớ hơn. Còn môn lịch sử thì mỗi chiến dịch là 1 xương cá để tạo thành hệ thống, tránh nhầm lẫn các mốc thời gian.

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Em rất hay hồi hộp và thường mang theo thuốc bên mình. Trong lúc thi em uống thuốc có bị xem là vi phạm quy chế không? (Giang, Biên Hòa)

TS Hồ Viễn Phương cho biết: Theo quy chế thi thì thí sinh không được mang theo nước và thuốc vào phòng thi. Vì vậy, trong trường hợp em bị bệnh thì có hai phương án: một là em hãy uống thuốc trước khi vào phòng thi; hai là nếu đang làm bài thi em gặp vấn đề sức khỏe thì em hãy giơ tay xin giám thị thì sẽ được giám thị dẫn ra ngoài hoặc xuống phòng y tế uống thuốc. Chúc em khỏe để thi tốt.

Cũng lo lắng về vấn đề sức khỏe, một bạn đọc đặt câu hỏi: Sức khỏe của cháu nhà tôi không được tốt, nếu lỡ có 1 môn cháu bỏ lỡ vì lý do sức khỏe thì các môn khác có được thi tiếp và tính điểm xét tốt nghiệp hay không? (Thông, Đắk Lắk)

TS Hồ Viễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, tư vấn: Trong trường hợp thí sinh bỏ thi ngay môn xét tốt nghiệp, tức môn đó 0 điểm - là điểm liệt thì thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp. Khi đã không đậu tốt nghiệp thì em sẽ không đủ điều kiện xét tuyển sinh ĐH. Còn trong trường hợp em bỏ thi ngay môn thi dùng để xét tuyển ĐH thì em vẫn được xét tốt nghiệp và em có thể dùng tổ hợp điểm thi khác (không có môn em bỏ thi) để xét tuyển ĐH.
Cách giảm stress khi ôn luyện, tiến sĩ Hiếu tư vấn: nếu thức khuya dậy sớm thì nhịp sinh học sẽ bị trễ, múi giờ thường ngày khi ôn thi sẽ lệch với múi giờ trong ngày thi, điều này tạo ra sự uể oải có thể dẫn đến làm bài thi không tốt. Do vậy ngủ sớm dậy sớm sẽ khỏe khoắn hơn thức khuya dậy trễ.
Về thủ thuật nhớ bài khi học nhiều môn, tiến sĩ Hiếu khuyên thí sinh cần học nắm ý chứ không phải học dàn trải. Chỉ nhớ những cụm từ chính đại diện cho nội dung của một đoạn. Đây là phương pháp để học một bài dài, chứ không thể học từng chữ. Khi đó một bài 2 trang có thể gom lại thành nửa trang để dễ nhớ hơn.
Lời khuyên cho phụ huynh khi chuẩn bị tâm lý với thí sinh, phụ huynh không nên nói câu “con ơi đừng căng thẳng hay lo lắng” vì khi đó sẽ vô tình tạo sự lo lắng. Thay vào đó nên nói chuyện phím để con quên đi áp lực. Quan trọng hơn là chỉ nên khuyến khích trẻ làm tốt nhất có thể, không nên áp đặt mốc điểm cụ thể để tạo tâm lý thoải mái, không đặt gánh nặng quá lớn lên vai con.

Một học sinh đặt câu hỏi: Em học môn toán, văn chỉ ở mức trung bình thôi. Vậy em học ngành nghề nào phù hợp và nhu cầu xã hội?

TS Hồ Viễn Phương: Em nên chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình. Hiện có nhiều nhóm ngành tuyển sinh có tổ hợp điểm và môn văn hoặc toán. Ví dụ, hiện nay nhu cầu về nhóm ngành kỹ thuật như thực phẩm, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường đang cần nhiều nhân lực; hoặc các nhóm ngành về ngôn ngữ.

Cùng tâm trạng, một thí sinh khác thắc mắc: Học lực của em chỉ ở mức trung bình, nếu em muốn được học ở những trường ĐH công lập, em nên chọn ngành nào để khả năng trúng tuyển là cao nhất? (Thanh Phong, Q12, TP.HCM).

Theo TS Hồ Viễn Phương: Nếu học lực trung bình mà để trúng tuyển vào trường ĐH công lập thì em chỉ có thể chọn các ngành ít người học, có điểm xét tuyển không cao thì mới có khả năng đậu.
Còn đối với các trường ngoài công lập thì qua các năm, hầu như các trường chỉ xét tuyển bằng hoặc cao hơn chút so với điểm sàn. Vì vậy, em vẫn có nhiều khả năng đậu ở nhiều ngành, nhiều trường khác nhau.

Trong tình huống không trúng tuyển vào trường mong ước, nếu trường hợp này xảy ra thì phụ huynh và thí sinh nên làm gì?

Tiến sĩ Hiếu chia sẻ: Chỉ khoảng 1/3 thí sinh có thể trúng tuyển ĐH, CĐ từ kỳ thi THPT quốc gia, cho nên kỳ thi này sẽ có rất nhiều thí sinh không thể trúng tuyển. Từng có thí sinh thi rớt ĐH muốn tự tử nói với tôi rằng cảm thấy cuộc đời tồi tệ, vô dụng, tương lai mù mịt và tự oán trách lỗi của mình. Thực tế đây chỉ là sự vấp ngã trong cuộc đời giống như dùng cây bút chì viết vào tờ giấy bị gãy ngòi. Sẽ giống như cây bút chì, bị gãy ngòi 1 lần thì vẫn có thể sử dụng lại nếu chuốt lại. Không một bức tranh tuyệt tác nào có thể được vẽ nên từ ngòi bút chì đầu tiên cả, mà phải sau nhiều lần gọt dũa. Thí sinh cũng vậy, bị rớt nguyện vọng 1 thì vẫn còn nhiều cơ hội khác như xét tuyển bổ sung, học CĐ hoặc TC. Thậm chí có những người lập nghiệp bằng học nghề nhưng rất thành công. Không nhất thiết phải vào trường ĐH mà có những con đường khác phù hợp hơn.
Với phụ huynh thì cần phải làm một điểm tựa tinh thần của con. Sau đó nên cùng con tính tiếp con đường tiếp theo để đứa trẻ thấy đường để đi, đàm phán tìm lối đi mới cho con.
TS Hồ Viễn Phương tâm sự: Hồi đó, tôi đăng ký thi đến 3 trường ĐH. Theo kinh nghiệm của mẹ tôi khi chăm sóc tôi thi ĐH thì đó là lúc tôi tập trung học, ăn uống ít hơn mỗi ngày. Thế nên mẹ thường hay làm những món tôi thích ăn để tôi ăn uống được nhiều hơn. Bình thường tôi rất hay chơi đá banh, nhưng giai đoạn ôn thì tôi không chơi đá banh nữa, lúc đó, mẹ cũng khuyến khích tôi nên rủ bạn bè đi chơi đá banh một chút để thư giãn tinh thần. Sự chăm sóc đó của mẹ đã giúp tôi khỏe khoắn, thoải mái tinh thần để thi tốt.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/lam-the-nao-de-dam-bao-tam-ly-suc-khoe-trong-mua-thi-698916.html


Xem thêm thông tin tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn