Ngày 2-6, gần một triệu học sinh trung học phổ thông (THPT) sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong 3 ngày. Kỳ thi năm nay có gì mới? Giải pháp nào để hạn chế, tiến tới khắc phục triệt để những hiện tượng tiêu cực nhức nhối đã kéo dài nhiều năm như lộ đề thi, ném phao thi, giải bài tập thể, chấm thi không chuẩn…? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu thực tế để chuyển tới bạn đọc những thông tin đang được dư luận quan tâm…

 

Thi tốt nghiệp PTTH 2013: cần giải pháp triệt để hơn | Đáp án đề thi

Nhiều giải pháp mạnh cải tiến thi tốt nghiệp THPT

Có lẽ hiếm kỳ thi nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tuyên chiến với tiêu cực như kỳ thi này. Nhiều văn bản chỉ đạo về kỳ thi được ban hành, sửa đổi, bổ sung để lấp dần các “lỗ hổng” pháp lý. Đầu tiên phải kể đến việc Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 6-3-2012 đã được sửa đổi, bổ sung ngay trước kỳ thi năm nay và có thêm hai thông tư bổ sung sửa đổi chỉ trong vòng hai tháng.

Nét mới nổi bật của những văn bản pháp lý này là có thêm quy định cộng điểm khuyến khích cho thí sinh đoạt giải tại các kỳ thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nhằm khích lệ, động viên học sinh hăng hái tham gia sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, "học đi đôi với hành".

Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục bỏ quy định chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương, tránh tốn kém do vận chuyển bài thi. Để hóa giải mối lo "thầy mình chấm bài trò mình", bộ đề ra chủ trương, mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi và sẽ chấm lại ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm xong, kịp thời phát hiện những tiêu cực để xử lý. Hiện tượng tùy tiện nâng điểm cho học sinh “nhà” hay dấu hiệu “làm bài tập thể” có thể bị phát hiện và ngăn chặn ngay từ đây. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, năm ngoái, bộ đã làm thí điểm việc này với 17.000 bài ở 16 tỉnh, năm nay sẽ được triển khai tiếp với quy mô lớn hơn và sẽ thông báo kết quả sẽ công khai.

Đặc biệt, điểm mới nổi bật năm nay là Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi "các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin và mới đây, bộ đã kịp thời ra văn bản chấn chỉnh, không bắt buộc học sinh phải đăng ký nội dung này. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Chúng tôi tin rằng bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia thi cử”.

Tại cuộc họp báo trước kỳ thi năm nay, ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh biện pháp mới trong công tác thanh tra. Các địa phương sẽ có thanh tra cắm chốt tại các hội đồng coi thi, với tỷ lệ 7-10 phòng thi có một thanh tra. Các đoàn thanh tra lưu động cấp sở, cấp bộ cũng được thành lập, riêng cấp bộ là 10 đoàn, đi các địa phương “không báo trước” và “đến rồi có thể quay lại”. Thanh tra sẽ không chấm thi thanh tra như trước mà chỉ giám sát việc chấm thi, phát hiện và kiến nghị xử lý tiêu cực, sai sót... >> Xem thêm bài: Vẫn còn nỗi lo về thiết bị thu âm, ghi hình ở kỳ thi tốt nghiệp

Để tránh “giải bài tập thể” hoặc sơ hở khiến giáo viên có thể “tiếp tay” cho tiêu cực, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết thêm, năm nay bộ đã yêu cầu các hội đồng coi thi trên cả nước không được phép bố trí giáo viên bộ môn làm công việc phục vụ trong khu vực coi thi.

Sau những tiêu cực xảy ra tại khối thi giáo dục thường xuyên khiến khu vực này bị dư luận coi là một môi trường “thứ cấp” của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cũng kịp thời có quy định mới. Năm nay, các địa phương không tổ chức Hội đồng coi thi riêng cho giáo dục thường xuyên mà ghép cùng hội đồng thi THPT, với phòng thi riêng.

“Thuốc mới” có chữa được “bệnh cũ”?

Các giải pháp chống tiêu cực mạnh mẽ trên được hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực đã từng xảy ra trước đây. Nhiều chuyên gia dự báo, rất có thể kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không cao “ngất ngưởng” như những năm trước.

Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại vì còn rất nhiều “căn bệnh cũ” tồn tại dai dẳng nhưng ngành giáo dục đến nay vẫn chưa có phương thuốc thỏa đáng. Đơn cử như với hiện tượng lợi dụng kỳ thi để dạy thêm, học thêm, thu tiền tràn lan, chỉ riêng trong tháng 5, bộ đã có tới hai văn bản chấn chỉnh, nhưng số vụ việc bị phát hiện vẫn không ngừng gia tăng. Gần đây nhất phải kể đến vụ việc Trường THPT Phú Xuyên B thu tới gần 1 triệu đồng tiền hỗ trợ thi của mỗi học sinh. Sau khi Báo Quân đội nhân dân nêu sự việc, nhà trường đã phải trả lại tiền cho phụ huynh. Thế nhưng, khi được hỏi về chế tài, tiêu chí để xác định thế nào là dạy thêm, thu tiền quá cao, trái quy định thì chính Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận “không có quy định”.

“Thị trường” phao thi năm nay trầm lắng hơn do chủ trương cho học sinh mang thiết bị ghi hình vào phòng thi nhưng ở nhiều địa phương vẫn hoạt động “ngầm”. Chiều 28-5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông kết hợp Phòng PA83 Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức truy quét các điểm photocopy kinh doanh phao thi theo thông tin báo chí phản ánh, vẫn phát hiện, thu giữ rất nhiều “phao” tại các cửa hàng. >> Xem bài: Phao thi, muốn bao nhiêu cũng có

Năm nay, mặc dù Bộ GD-ĐT không giới hạn thí sinh đề nghị chấm thi phúc khảo song coi thi, chấm thi vẫn được coi là những khâu yếu nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT và chính điều này đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận tại nhiều hội nghị. Coi thi, chấm thi dễ dãi quả là một điều khó có thể chấp nhận. Kết quả chấm thẩm định của bộ ở 16 tỉnh năm ngoái đã phát hiện có tới hàng nghìn bài thi được người chấm thi tự ý nâng lên từ 2 đến 3 điểm. Cũng năm ngoái, sự việc em Nguyễn Thanh Huy (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh), một học sinh giỏi tiếng Anh chỉ được chấm 2,5 điểm và sau khi chấm phúc khảo thành 10 điểm là một ví dụ nhức nhối.

Sự thiếu nghiêm túc, thiếu quyết liệt trong xử lý tiêu cực ở các kỳ thi trước chính là lý do khiến nhiều địa phương "nhờn". Cho nên, đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT chặt chẽ, nghiêm túc vẫn là câu hỏi chờ đợi những hành động kiên trì và quyết liệt của ngành giáo dục. Đúng như lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Mong các thầy, các cô với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh làm bài trong một môi trường nghiêm túc. Hãy bình tĩnh và từng bước đấu tranh chống tiêu cực đem lại lòng tin, giành lại lòng tin trước hết là của học sinh, sau nữa là của các cha mẹ học sinh và toàn xã hội”.

 

Thông tin cần biết:

 

Tin bài gốc: QĐND

Kenhtuyensinh

Theo: QĐND