Rút kinh nghiệm từ kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2015, năm nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo dự định sẽ có nhiều thay đổi trong cả cách thức thi lẫn quy chế tuyển sinh. Thế nhưng, việc ban hành các dự thảo thông tư sửa đổi hơi trễ cũng như cùng lúc thay đổi nhiều nội dung nên khiến không ít thí sinh tỏ ra lo lắng.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Thí sinh và trường đại học vẫn lo lắng(nguồn: internet)

Không lâu nữa, các em học sinh khối 12 sẽ phải hoàn tất hồ sơ đăng ký tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Lắng nghe ý kiến dư luận, năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo dự kiến có nhiều thay đổi cho kỳ thi lớn này, đặc biệt là ở khâu tuyển sinh như rút ngắn thời gian xét tuyển, đổi mới cách thức nộp hồ sơ, thay đổi số trường, số ngành trong từng đợt xét tuyển, thay đổi về cộng điểm ưu tiên...

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều thí sinh, chính việc có hàng loạt đổi mới như vậy cũng khiến các em bỡ ngỡ vì chưa đủ thời gian thích nghi.

Một học sinh lo lắng: “Điều em băn khoăn, lo lắng là nơi mình ở sẽ có nhiều cụm thi, không biết mình sẽ thi ở cụm nào, sẽ có những thuận lợi hay khó khăn gì cho bản thân. Ngoài ra, một phần em cũng sợ những quy chế mới sẽ làm cho tụi em cảm thấy bỡ ngỡ khi tham gia kỳ thi này”.

Trong khi đó, thí sinh khác bày tỏ: “Em không biết cách thức nhận hồ sơ của các trường đại học có thực sự đảm bảo vì sẽ chỉ nộp hồ sơ qua bưu điện và Internet. Em và nhiều bạn không chắc chắn là hồ sơ của mình sẽ được đảm bảo an toàn đến nơi”.

Một học sinh khác nói: “Em và nhiều bạn thấy kỳ thi này khó khăn hơn khi thí sinh nộp hồ sơ xong thì không được rút lại nữa. Đề thi cũng khó hơn nên em sợ sức cạnh tranh nhiều hơn”.

Đánh giá cao tác động tích cực của nhiều đổi mới kịp thời từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo trong công tác thi cử và tuyển sinh năm 2016, nhưng đại diện một số trường đại học, cao đẳng tại TP HCM cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa có phương án phù hợp để siết chặt hơn về chất lượng đầu vào cũng như chỉ tiêu xét tuyển bậc đại học, cao đẳng. Về lâu về dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cũng như thị trường lao động.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ TP HCM tâm tư: “Việc vào đại học hiện nay quá dễ. Học sinh chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trung bình khoảng 6,0 là có thể vào đại học rồi. Thứ hai, chỉ tiêu vào đại học hiện quá nhiều. Ngoài ra, năm nay Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng có sự đổi mới là học sinh chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, không có điểm sàn vẫn có thể vào được cao đẳng. Đó là điều khiến tôi băn khoăn, lo lắng. Bởi vì, vào đại học, cao đẳng quá dễ như vậy thì chất lượng sẽ kém”.

Lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhiều em học sinh và phụ huynh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng, thí sinh không nên quá lo lắng vì về cơ bản, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 không thay đổi nhiều so với năm đầu tiên. Những đổi mới sẽ tập trung vào công tác xét tuyển theo hướng có lợi nhất cho thí sinh. Điều thí sinh cần làm nhất bây giờ là tìm hiểu kỹ thông tin và ôn tập thật tốt để sẵn sàng cho kỳ thi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa chia sẻ thêm: “Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh chỉ được nhận một giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ của trường đại học chủ trì cụm thi. Các thí sinh không dùng giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển mà chỉ dùng để nộp vào trường mà mình sẽ nhập học. Năm nay, các em được đăng ký tối đa 2 trường ở đợt xét tuyển đầu tiên và 3 trường ở các đợt xét tuyển tiếp theo nên sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận việc học của mình vào trường nào”.

Điều mà thí sinh và các trường mong mỏi nhất bây giờ là Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ sớm ban hành quy chế chính thức của kỳ thi “2 chung”. Như vậy, thí sinh sẽ có thêm thời gian thích ứng với những đổi mới nhằm đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới./.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2016-thi-sinh-va-truong-dai-hoc-van-lo-lang-483674.vov