Sẽ không còn cảnh thuê trường?

GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giao cho trường tổ chức thi cho trên 15.000 thí sinh. Nhưng con số thực tế mà Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến chỉ trên 11.000. Như thế rất thuận lợi cho trường.
Tuy nhiên, với con số đó, trường cũng vẫn phải chọn thêm các địa điểm ngoài trường là các trường phổ thông. Trường cũng đã liên hệ với gần 20 trường trên địa bàn thành phố để tổ chức thi. Để hỗ trợ cho trường trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia, GS. TS Phạm Quang Trung đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn quy định mức phí các trường phổ thông nếu cho các trường ĐH thuê.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đức Quý, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội đề nghị các trường phổ thông phải cùng gánh với các trường ĐH. Vì năm nay các trường ĐH được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức thi ngoài mục đích cho thí sinh lấy điểm xét tuyển sinh còn có mục đích nữa là xét tốt nghiệp. Do vậy, ông Quý đề nghị các trường phổ thông tạo điều kiện cho các trường ĐH.
Trước yêu cầu này của các trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng năm nay các trường không phải đi thuê địa điểm tại các trường phổ thông mà chỉ hỗ trợ các trường về điện, nước.
Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức kỳ thi, ông Nguyễn Xuân Trạch - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra khó khăn riêng của trường.  Từ trước đến nay, Học viện Nông nghiệp tổ chức thi tương đối độc lập với Hà Nội. Các địa điểm thi của trường thường chạy theo quốc lộ 5 hướng về phía Hưng Yên, Hải Dương.
Kỳ thi THPT: Ở Hà Nội, thi tỉnh khác được không?
Ảnh minh họa từ Internet
Năm nay, dù được giao nhiệm vụ là một trong 8 cụm của Hà Nội nhưng do nút giao thông cầu Thanh Trì luôn xảy ra ùn tắc nên trường muốn kéo thí sinh ra khỏi địa bàn Hà Nội như mọi năm. Còn nếu không, Sở GD-ĐT Hà Nội phải có giải pháp để phân luồng giao thông.
Trước đề xuất của Học viện Nông nghiệp, ông Độ cho biết theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, cụm thi được tổ chức tại địa bàn Hà Nội. Do đó, không thể có chuyện các điểm thi đặt ở bên ngoài thành phố.

Các trường tự nhiên lo chấm thi môn xã hội?

Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến cơ sở vật chất, các trường ĐH còn gặp vấn đề khác là giáo viên coi thi và chấm thi. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết năm nay trường tổ chức thi cho khoảng 15.000 thí sinh. Có nhiều hơn so với những năm trước nhưng trường vẫn hoàn thành được công việc này. Tuy nhiên, khó khăn của trường là chấm điểm các môn xã hội. Vì đây là những môn mà trường chưa bao giờ phải chấm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phong Điền, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, với 4 môn trắc nghiệm thì trường không vấn đề gì, vì đã làm hàng năm. Các môn khoa học tự nhiên có thể có giáo viên của trường cùng với nhờ ĐH Khoa học tự nhiên chấm, các môn khoa học xã hội thì nhờ ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chấm.
Môn Tiếng Anh thì trường có thể cáng đáng được; đồng thời phía các trường cũng đề xuất Sở GD-ĐT có văn bản quy định rõ đơn giá coi thi, chấm thi thống nhất để các trường dễ làm việc.

13.000 thí sinh chỉ lấy điểm tốt nghiệp

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - dự kiến ngoài 8 cụm thi liên tỉnh, Hà Nội có một cụm thi riêng cho 13.000 thí sinh chỉ có nhu cầu lấy điểm xét tốt nghiệp.
Hiện UBND TP.Hà Nội cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thi quốc gia do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Ngọc Bích làm Trưởng ban, ông Nguyễn Hữu Độ làm Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo của 8 trường ĐH là Phó Trưởng ban.
8 cụm thi liên tỉnh sẽ có khoảng trên 110.000 thí sinh của 6 tỉnh, thành phố dự thi, kể cả thí sinh tự do. Trong đó, Hà Nội là 68.219 thí sinh, Nam Định là 15.704 thí sinh, Hà Nam, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh có 6.000 thí sinh, Hòa Bình có 4.500 thí sinh và Bắc Ninh là 8.500 thí sinh
Theo Pháp luật Việt Nam, tin gốc: http://baophapluat.vn/xa-hoi/ky-thi-thpt-o-ha-noi-thi-tinh-khac-duoc-khong-214772.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, xem điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia