Hà Nội: Tuyển sinh lớp 6 xét trên bài kiểm tra năng lực?
Ảnh minh họa: TTO

Tại cuộc họp này, phần lớn ý kiến đều nghiêng về phương án xét tuyển hồ sơ học sinh dựa trên các bài đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở vẫn đang tiếp tục xem xét trên cơ sở đề án cụ thể của các trường và ý kiến tại cuộc họp.

Ngày 21-4, Sở GD-ĐT HN sẽ có quyết định cuối cùng để thông báo công khai về phương án xét tuyển đối với các trường đặc thù.

Trước đó, các trường THCS, trường phổ thông có hệ THCS tại HN trong diện trên đã gửi đề án xét tuyển về Sở GD-ĐT. Hầu hết đều đưa ra phương án sàng lọc chủ chốt là cho học sinh làm các bài test để kiểm tra năng lực.

Cụ thể là đo chỉ số IQ, chỉ số thông minh (năng lực môn toán), chỉ số EQ, chỉ số cảm xúc (qua năng lực cảm thụ đối với một số lĩnh vực như ngôn ngữ, âm nhạc…), chỉ số vượt khó (qua năng lực hoạt động, khả năng hợp tác theo nhóm của học sinh).

Tuy nhiên, đề án của mỗi trường đề xuất cách sử dụng bài kiểm tra năng lực khác nhau. Theo PGS Văn Như Cương, đại diện Trường PTDL Lương Thế Vinh, hình thức kiểm tra năng lực học sinh sẽ tương tự chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV3.

Hệ thống câu hỏi sẽ sắp đặt theo mức khó dần lên nhưng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Số lượng câu hỏi 25-30 câu, học sinh có một giờ để hoàn thành bài khảo sát.

Trường Phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam sẽ tuyển sinh hệ THCS  với bài test trong thời gian 45 phút dưới dạng viết để phát hiện các mặt năng lực: ngôn ngữ, không gian, logic, sáng tạo, cơ thể và tri giác vận động, nội tâm…

Ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho biết phương án tuyển sinh trường vừa trình lên Sở GD-ĐT HN là học sinh thực hiện bài trắc nghiệm chỉ số IQ, EQ trong thời gian 60 phút.

Cụ thể sẽ có 60 câu đo chỉ số IQ, làm trong thời gian 45 phút; 30 câu đo chỉ số EQ trong thời gian 15 phút. Ngoài ra trường còn xét thêm kết quả học tập của học sinh trong ba năm cuối bậc GD tiểu học.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cũng dự kiến xây dựng bài kiểm tra năng lực đo chỉ số IQ, EQ. Trường THCS Nguyễn Siêu đưa ra mẫu dành cho GV tiểu học đánh giá học sinh theo chuẩn đầu ra.

Đồng thời tổ chức các trải nghiệm cho học sinh tham gia hoạt động tập thể, hoạt động cá nhân để thầy, cô quan sát đánh giá về hành vi, kỹ năng, thái độ, thực hiện bài test để đo chỉ số IQ, EQ, chỉ số vượt khó. Trường này sẽ ưu tiên nhận học sinh chuyển cấp trong cùng hệ thống quản lý.

Trường THCS Cầu Giấy dự kiến tuyển thẳng học sinh đoạt giải ba trở lên cấp thành phố, cấp quận các môn thi do ngành GD-ĐT tổ chức như Olympic tiếng Anh và toán qua mạng, thi tin học trẻ, đoạt huy chương cá nhân cấp thành phố các môn thể thao, văn nghệ, mỹ thuật do ngành GD-ĐT tổ chức.

Phần lớn chỉ tiêu còn lại (sau khi tuyển thẳng) sẽ xét học bạ theo tiêu chí điểm tổng kết năm học ở tiểu học, điểm môn toán, tiếng Việt, nhận xét cụ thể của giáo viên.

Những học sinh đoạt giải cấp trường, quận trong các cuộc thi kể trên sẽ được cộng điểm ưu tiên.

Bên lề cuộc họp trên tại Sở GD-ĐT HN, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ băn khoăn về các hình thức kiểm tra năng lực còn mới mẻ đối với học sinh, phụ huynh học sinh, dễ gây hoang mang lo lắng.

Trao đổi thêm về việc này, một lãnh đạo sở GD- ĐT cho biết hướng của Sở GD-ĐT HN sẽ quyết định phương án tuyển sinh 2015 phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, có tính khả thi trong việc sàng lọc xét tuyển của các trường.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường xây dựng nội dung khảo sát phù hợp với chương trình học tập, GD ở bậc tiểu học, không quá khó. Vì thế phụ huynh học sinh cũng không nên quá lo lắng và cho con chạy theo các lớp luyện thi.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150416/ha-noi-tuyen-sinh-lop-6-xet-tren-bai-kiem-tra-nang-luc/734813.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, tuyển sinh lớp 6