Giải pháp phần mềm cho Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016

Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cho phép các trường có thể xét tuyển theo nhóm để làm giảm các trường hợp “ảo” trong điều kiện là thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, và phần mềm của Đại học Thăng Long có thể là một giải pháp hữu hiệu nhất.

Ngày 18/5, lãnh đạo đại học Thăng Long đã một lần nữa báo cáo về phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán chấp nhận trì hoãn với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Tại đây, lãnh đạo nhà trường khẳng định, phần mềm này dùng cho nhóm tuyển sinh có quy mô càng lớn thì tỷ lệ ảo sẽ được giảm ở mức thấp nhất.

Vậy đâu là cơ sở khoa học để cho phần mềm này có tính khả thi. Thực tế, phần mềm này đã được trường Đại học Thăng Long giới thiệu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT từ những năm 2014, cho tới năm 2015 không hiểu lí do gì phần mềm chưa được thử nghiệm trên diện rộng, mặc dù được đánh giá có tính ưu việt.

Vậy tính ưu việt ở đây được nhìn nhận như thế nào? Theo TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Đại học Thăng Long, tính ưu việt thể hiện ở chỗ: Thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác.
Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất  có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh.

Các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh 2016 cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo ĐHQG Hà Nội, có sơ tuyển…). Thời gian xét tuyển nhanh.

Nếu Bộ GD&ĐT cho phép (chẳng hạn từ năm sau), thí sinh có thể đăng ký nhiều hơn 4 nguyện vọng (ví dụ 10 nguyện vọng), chương trình vẫn xử lý tốt.

Giải pháp phần mềm cho Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016

Thực hiện như thế nào?

Theo TS. Phan Huy Phú, cách tổ chức xét tuyển thì các trường xác định các “Mã xét tuyển” của trường. Mỗi trường có một số Mã xét tuyển, mã xét tuyển gồm các yếu tố: các ngành, tiêu chí đánh giá thí sinh, điều kiện tối thiểu và chỉ tiêu.

Một Mã xét tuyển có thể gồm 1 hay nhiều ngành. Một ngành cũng có thể thuộc một số Mã xét tuyển.

VD: Trường A có các Mã xét tuyển như sau: Mã xét tuyển T1 chỉ có 1 ngành là Toán; tiêu chí đánh giá là tổng điểm thi 3 môn Toán (hệ số 2), Lý, Hóa; điểm tối thiểu là 25; chỉ tiêu là 50. Mã xét tuyển T2 cũng chỉ có một ngành Toán, tiêu chí đánh giá là Điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; điểm tối thiểu là 210; chỉ tiêu là 30.

Mã xét tuyển K1 gồm 3 ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh; tiêu chí đánh giá là max(Tổng điểm thi Toán, Văn, Tiếng Anh; Tổng điểm thi Toán, Lý, Hóa + 1); điểm tối thiểu là 16; chỉ tiêu là 150.

Mã xét tuyển K2 gồm 3 ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh; tiêu chí đánh giá là tổng điểm các môn Toán, Văn, Tiếng Anh trong Học bạ; điểm tối thiểu là 20; chỉ tiêu là 150.

Mã xét tuyển N1 gồm 1 ngành nghệ thuật; tiêu chí đánh giá là tổng điểm thi 3 môn Toán, Lý, Hoá; điều kiện là đã qua vòng sơ tuyển; chỉ tiêu là 100.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng như thế nào? TS Phan Huy Phú cho biết, sau khi tìm hiểu thông tin của các trường, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo cách thức và thời gian do Bộ qui định.

Điều cốt yếu là thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng trong nhóm của bản thân. Phần mềm xét tuyển sẽ lần lượt xét các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự thí sinh đã đăng ký. Khi một nguyện vọng đã trúng thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Thí sinh chỉ trúng tuyển không quá một nguyện vọng trong nhóm.

Xử lí dữ liệu; Dữ liệu về các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm: do các trường cung cấp; Kết quả học ở phổ thông (trường hợp xét học bạ): thí sinh nộp khi đăng ký; Kết quả sơ tuyển (nếu có yêu cầu): do trường cung cấp.

Dữ liệu trong bản đăng ký của thí sinh: Bộ chuyển giao; Kết quả kỳ thi Quốc gia: Bộ chuyển giao. Kết quả sau khi chạy chương trình xét tuyển là các Danh sách trúng tuyển của các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm.

Độ tin cậy của phần mềm tới đâu?

TS. Phan Huy Phú cho biết, dư luận vẫn còn nhiều hoài nghi hoặc chưa hiểu hết được tính ưu việt của phần mềm này, và còn nhiều câu hỏi đặt ra.

Ví như về độ tin cậy và thời gian chạy của chương trình xét tuyển. Theo TS. Phan Huy Phú, từ cuối năm 2014, Trường Đại học Thăng Long đã chạy thử chương trình xét tuyển với một dữ liệu giả lập gồm khoảng 1 triệu thí sinh (mỗi thí sinh có thể có 6 nguyện vọng) và khoảng 1.000 “Mã xét tuyển”. Chương trình kết thúc sau khoảng 120 phút với kết quả phù hợp với lý thuyết.

Bộ Giáo dục đã mời một đơn vị xây dựng một chương trình xét tuyển mà cốt lõi chính là thuật toán nêu trên. Bộ đã chuyển cho các trường phần mềm này để sử dụng (trong phạm vi từng trường) trong kỳ tuyển sinh năm 2015 và được các trường đánh giá tốt.

Sau kỳ tuyển sinh 2015, Bộ đã dùng chính dữ liệu của kỳ tuyển sinh để chạy thử lại chương trình và thu được kết quả tốt.

Thắc mắc về quyền tự chủ của các trường khi tham gia xét tuyển chung. Theo TS. Phan Huy Phú, các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo Đại học Quốc gia Hà Nội, có sơ tuyển…). Mỗi trường có thể cử đại diện theo dõi và kiểm tra mọi khâu trong quá trình xét tuyển.

Biện pháp chống ảo của phần mềm này như thế nào? TS. Phan Huy Phú cho rằng, các trường thường đối phó với “ảo” bằng cách gọi lượng thí sinh dôi ra để “trừ hao”, có khi gọi quá đến 50%, thậm chí còn nhiều hơn.

Hậu quả là có trường tuyển vượt quá chỉ tiêu đăng ký rất nhiều (mà Bộ cũng khó phạt), gây khó khăn cho bản thân trường trong tổ chức đào tạo và đặc biệt là góp phần làm cho một số trường tuyển được rất ít so với chỉ tiêu đăng ký.

Nếu xét tuyển theo nhóm thì tỉ lệ “ảo” sẽ giảm vì thí sinh chỉ trúng tuyển nhiều nhất một nguyện vọng trong nhóm, dù đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường trong nhóm. Càng nhiều trường tham gia vào các nhóm thì càng bớt được “ảo”.

Trường hợp tối ưu là tất cả các trường đều thuộc một nhóm, khi đó hiện tượng “ảo” bị triệt tiêu hoàn toàn. Tuy nhiên, không thể bắt buộc các trường vào một nhóm vì điều đó làm mất quyền tự chủ của các trường. Mỗi trường phải tự quyết định  có tham gia nhóm hay không và tham gia nhóm nào.

Khi gặp trường hợp có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì phần mềm xử lí thế nào? TS. Phan Huy Phú cho biết, mỗi trường có thể đưa thêm tiêu chí phụ cho từng Mã xét tuyển.

Cách xử lý trường hợp tuyển không đủ chỉ tiêu thì các trường kết thúc mỗi đợt xét tuyển, tổng kết và xác định số chỉ tiêu cần tuyển tiếp đối với mỗi Mã xét tuyển, công bố để thí sinh đăng ký, sau đó chương trình xét tuyển lại được thực hiện.

Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, ngày 18/5 Bộ GD&ĐT có đề nghị Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng phối hợp, chỉ đạo tuyển sinh.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị hai bên cùng thông tin kịp thời, đầy đủ các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của trường theo đúng quy định tại Quy chế tuyển sinh.

Tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập của thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh. Nắm bắt được các vướng mắc phát sinh trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng, cùng tư vấn đưa ra các biện pháp hữu hiệu để xử lí kịp thời các tình huống…


Theo GDVN, nguồn: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giai-phap-phan-mem-cho-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2016-post167970.gd


Tra cứu điểm thi tốt nghiệp năm 2016 nhanh và chính xác nhất tại kenhtuyensinh.vn