Ghi nhớ hướng dẫn, cân nhắc nguyện vọngThí sinh trao đổi cách khai hồ sơ đăng ký dự thi để tránh sai sót. Ảnh: Nhật Nam

Việc ghi nhớ hướng dẫn, quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT để tránh nhầm lẫn, sai sót không đáng có trong khâu ĐKDT là điều cần thiết.

Cân nhắc nguyện vọng

Tại Hà Nội, hiện tại, hầu hết các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đang tập trung phát hồ sơ đăng ký dự thi và tổ chức hướng dẫn, tư vấn cho học sinh. Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, do thời gian thu nhận hồ sơ ĐKDT kéo dài trong 30 ngày nên nhà trường luôn lưu ý các em nắm vững quy định liên quan, cân nhắc kỹ nguyện vọng trước khi khai hồ sơ. Giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 được phân công phổ biến cụ thể các quy định về kỳ thi, hướng dẫn cách ghi hồ sơ ĐKDT tới học sinh của lớp mình.

Một trong những điểm đầu tiên mà TS cần lưu ý trong quá trình làm hồ sơ ĐKDT là khai số điện thoại (mục 7) và địa chỉ liên hệ của TS (mục 8) tại Phiếu ĐKDT. Theo ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội thì khi phổ biến cho TS, các nhà trường cần lưu ý các em phải nhập chính xác số điện thoại để được cấp mật khẩu chính xác và được bảo mật thông tin tuyệt đối. Trong suốt thời gian tuyển sinh, các em chỉ sử dụng một số điện thoại để đăng ký, tránh tình trạng sử dụng "sim rác" để ĐKDT. Tại mục 8 về địa chỉ liên hệ, theo hướng dẫn chung thì các em có thể ghi địa chỉ xóm, thôn nơi cư trú, song theo ông Bùi Quang Thái, do trên địa bàn Hà Nội có những địa chỉ rất khó tìm nên TS cần sử dụng địa chỉ liên hệ là chính đơn vị ĐKDT để bảo đảm tính thống nhất, tránh thất lạc hoặc bị chậm thông tin như đã từng xảy ra. Theo quy định của Hà Nội thì đơn vị ĐKDT chính là trường THPT nơi TS đang học hoặc phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã nơi TS cư trú.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố danh sách 280 điểm thu nhận hồ sơ, trong đó có 250 điểm thu nhận tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và 30 điểm thu nhận tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã. Em Lê Quang Thái (lớp 12, Trường THPT Thạch Bàn) cho rằng cách phân chia khu vực thu nhận hồ sơ ĐKDT như vậy sẽ tạo nhiều thuận lợi cho TS trong quá trình nộp hồ sơ ĐKDT, giúp tránh được tình trạng lộn xộn, nhất là vào thời điểm sắp hết hạn thu nhận. Học sinh học lớp 12 (cả trường công lập và ngoài công lập) nộp hồ sơ ngay tại nơi mình đang học. Những TS đã có bằng tốt nghiệp THPT, nay ĐKDT để xét tuyển ĐH, CĐ thì nộp hồ sơ tại các phòng GD-ĐT nơi mình cư trú.

Không được đổi môn thi sau ngày 30-4

Việc lựa chọn môn thi để ĐKDT là khâu quan trọng nhất bởi ngoài mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả thi còn được dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Ngoài ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, để đạt kết quả cao, TS cần xác định đâu là môn thi thuộc thế mạnh của mình để ĐKDT. TS nên cân nhắc kỹ, không nên đăng ký quá nhiều môn bởi nếu "ôm đồm" thì các em sẽ khó bố trí thời gian để học tốt tất cả. Trước tiên, các em hãy xác định xem mình có nguyện vọng học trường/ngành nào, xem trường/ngành đó xét tuyển tổ hợp môn nào, rồi cân nhắc để chọn môn tương ứng, phù hợp với năng lực.

Điểm mới mà TS cần lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là với môn ngoại ngữ, TS được tự chọn một trong các thứ tiếng như Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật và được phép đăng ký thi môn ngoại ngữ không được học trong trường phổ thông. Quy định này của Bộ GD-ĐT nhằm tạo điều kiện để TS phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình. Thực tế, có nhiều TS học tiếng Anh ở trường phổ thông nhưng lại học thêm ở bên ngoài và rất giỏi tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp... TS học hệ giáo dục thường xuyên cũng có thể ĐKDT môn ngoại ngữ. Cũng liên quan đến môn này, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, TS được sử dụng chứng chỉ môn ngoại ngữ khác với môn đang học tại trường phổ thông để được miễn thi môn ngoại ngữ trong quá trình xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chứng chỉ này phải còn thời hạn công nhận đến tháng 7-2016.

Ngoài thông tin về môn thi, việc xác định cụm thi là bước quan trọng nhằm bảo đảm cho TS được dự thi theo đúng nguyện vọng đã đăng ký. Nếu TS xác định sai thông tin cụm thi mà không phát hiện, điều chỉnh kịp thời, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Theo kế hoạch đã công bố, Hà Nội sẽ tổ chức hai loại cụm thi: cụm thi ĐH (dành cho TS thi với mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ) và cụm thi địa phương (dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT). TS có nguyện vọng dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT có thể ĐKDT tại cụm thi ĐH, song TS ĐKDT với hai mục đích thì không được ĐKDT tại cụm thi địa phương.

Ông Bùi Quang Thái nhấn mạnh: Việc lựa chọn môn thi như thế nào để phù hợp với năng lực, nguyện vọng của TS là điều các em cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút khai hồ sơ. Từ nay tới ngày hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT còn hơn hai mươi ngày nữa, TS không nên quá vội vàng. Song, các em cũng cần nhớ rằng, theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau ngày 30-4 thì TS không được phép thay đổi thông tin về môn thi và cụm thi đã đăng ký.


- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 1 đến ngày 4-7. Thời gian thi từng môn như sau:
+ Ngày 1-7: Buổi sáng thi toán, buổi chiều thi ngoại ngữ
+ Ngày 2-7: Ngữ văn, vật lý
+ Ngày 3-7: Địa lý, hóa học
+ Ngày 4-7: Lịch sử, sinh học
- Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn.
- Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài dự thi 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải ĐKDT thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.


Theo Hà Nội mới, nguồn: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/830493/ghi-nho-huong-dan-can-nhac-nguyen-vong


Đọc thêm các tin tức về tuyển sinh năm 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn