Mùa tuyển sinh 2015, hàng nghìn thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp

Kết thúc đợt đăng ký hồ sơ kỳ thi THPT quốc gia 2015, theo thống kê từ Sở GD&ĐT phía Nam, hàng ngàn thí sinh chọn đăng ký thi xét tốt nghiệp thay vì đua vào ĐH.

Cụ thể, tại Bà Rịa- Vũng Tàu có khoảng 13.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia, trong đó có gần 4.000 thí sinh đăng ký thi tại cụm thi địa phương và 9.000 thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi đại học tại TPHCM.

Phú Yên có hơn 12.000 hồ sơ đăng ký dự thi, bao gồm cả thí sinh tự do, trong đó, trên 2.000 thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, gần 10.000 thí sinh còn lại đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ lẫn tốt nghiệp THPT.

Trong khi Khánh Hòa có 14.420 hồ sơ đăng ký dự thi (trong đó, có 3.243 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, 11.177 thí sinh còn lại vừa xét tuyển sinh ĐH-CĐ vừa xét tốt nghiệp THPT).

Bình Thuận có 13.215 hồ sơ dự thi, trong đó số thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp là 2.781.

Tương tự Kon Tum có 4.880 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia, trong đó có 1.753 thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương và 3.135 thí sinh dự thi ở cụm thi đại học.

Tây Ninh có 9.315 thí sinh dự thi, trong đó có 2.210 thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương, 7.105 thí sinh dự thi cụm thi ĐH-CĐ tại TPHCM.

Điểm tin tuyển sinh 2015 ngày 20.5

200 chỉ tiêu tuyển thẳng của ĐH Đà Nẵng

Đại học Đà Nẵng vừa công bố có 200 chỉ tiêu tuyển thẳng vào các ngành ở cả bậc đại học, cao đẳng của các trường thành viên năm 2015.

Số thí sinh được tuyển thẳng không quá 10% chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành.

Theo đó, đối tượng tuyển thẳng vào các đơn vị thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng được quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

Đối với thí sinh là học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, các ngành có chỉ tiêu tuyển thẳng theo từng môn thi của học sinh ở bậc Đại học, CĐ.

Thí sinh đoạt giải kỳ thi quốc gia các môn Toán, Vật lý, Hóa học,... sẽ được tuyển thẳng vào các ngành sư phạm với môn tương ứng.

Hồ sơ đăng ký tuyển thẳng về các Sở GD&ĐT địa phương trước ngày 25/5; Các Sở GD&ĐT chuyển về Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng trước ngày 30/5.

Đối tượng thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng nộp hồ sơ đăng ký tuyển thẳng trực tiếp tại Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng cũng có quy định về đối tượng ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ được quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức và đã tốt nghiệp trung học nhưng không đăng ký xét tuyển thẳng, sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không có môn nào bị điểm 1, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng sẽ xem xết, quyết định cho vào học đại học hoặc cao đẳng (nếu có nguyện vọng) theo ngành hoặc chuyên ngành thí sinh đăng ký dự thi,...

Về đối tượng xét tuyển thẳng, các thí sinh tốt nghiệp THPT loại khá trở lên được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ hoặc khoa trực thuộc ĐH Đà Nẵng.

Nếu số thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thì ĐH Đà Nẵng sẽ căn cứ vào kết quả học tập bậc THPT để xét từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh 2015, những thí sinh còn lại nếu có nguyện vọng thì được xét về học tại Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum,...

Thanh Hóa chọn Tiếng Anh là môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT

Ngày 18/5, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chọn môn Tiếng Anh là môn thi thứ 3 để tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016.

Theo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, ngoài 2 môn thi Ngữ Văn, Toán (tính điểm hệ số 2), thí sinh sẽ thi môn Tiếng Anh (tính điểm hệ số 1).

Các môn thi đều thi theo hình thức tự luận. Thời gian thi vào các ngày 21, 22/7/2015. Cụ thể: Ngày 21/7, buổi sáng thi môn Toán, buổi chiều thi môn Tiếng Anh; sáng ngày 22/7 thi môn Ngữ văn. Thí sinh đăng ký dự thi tại một trường công lập trên địa bàn huyện, thị, thành phố nơi học sinh có hộ khẩu thường trú.

Được biết, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đưa ra phương án xét trúng tuyển, cụ thể: Đối với các trường THPT công lập, điểm xét tuyển là điểm các bài thi (đã nhân hệ số) cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Thí sinh xét tuyển vào trường dự thi phải thi đủ 3 môn, không vi phạm quy chế thi và không có bài thi nào bị điểm 0.

Xét tuyển theo thứ tự điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu (đã trừ số thí sinh được xét tuyển thẳng theo quy chế). Không dựa vào danh sách xét tuyển những thí sinh đã trúng tuyển vào trường THPT chuyên Lam Sơn hoặc THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Thời gian hoàn thành xét tuyển trước ngày 5/8.

Đối với trường THPT ngoài công lập, tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kết quả học tập cấp THCS và nguyện vọng của học sinh trên địa bàn tỉnh.

Chậm nhất là 20/8, các trường THPT dân lập, tư thục phải hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016.

Thi tốt nghiệp THPT: 3/4 số thí sinh đăng ký thi tuyển vào đại học

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT đến đầu tháng 5.2015, cả nước có 3/4 số thí sinh đăng ký thi tuyển vào Đại học.

PGS. TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay, cả nước có gần 1 triệu thí sinh dự thi trong đó tỷ lệ các thí sinh dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét chứng nhận tốt nghiệp chiếm xấp xỉ 28%.

Ngoài ra, tỷ lệ các thí sinh lấy kết quả vừa để xét kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 60%. Tỷ lệ những thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm 12%.

Ông Trinh cho biết, tất cả các cụm thi trong cả nước, kể cả các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ. Các cụm thi sẽ thực hiện cùng một quy chế và cùng một quy trình kỹ thuật giống nhau. Các cụm thi đều có sự tham gia của các trường ĐH, các sở GD-ĐT.

Ông Trinh khẳng định, những giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các thí sinh ở tất cả các cụm thi.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có một điểm tiến bộ so với việc tuyển sinh trước đây, đó là thi trước và tuyển sinh sau.

Đặc biệt, sau khi có kết quả thi, thí sinh sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng có một số giải pháp đồng bộ hỗ trợ học sinh như: Cập nhật phần mềm quản lý thi nhằm cung cấp cho thí sinh biết các số liệu thống kê liên quan đến kỳ thi này.

Bên cạnh đó, trong quá trình xét tuyển sinh, theo quy định của quy chế cứ 3 ngày 1 lần các trường đại học, cao đẳng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên website của trường tình hình đăng ký xét tuyển cho đến thời điểm đó.

Các trường sẽ phải đưa ra danh sách đăng ký xét tuyển theo danh sách học sinh đã xếp điểm từ cao xuống thấp. Học sinh căn cứ vào điểm, chỉ tiêu xét tuyển của trường, các em hoàn toàn có thể dự báo được khá chính xác khả năng đỗ hay trượt của mình để có phương án tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho mình.

Thí sinh lưu ý, trong đợt xét tuyển đầu tiên, trong thời gian đăng ký xét tuyển. Các em có thể được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển nếu thấy rằng khả năng đỗ của mình không cao. Đây cũng là điểm điều chỉnh tiến bộ hướng tới bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Tổng hợp

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia