Đại học Harvard thay đổi tiêu chí tuyển sinh

Bản báo cáo vừa được công bố tuần qua của ĐH Harvard đã chỉ rõ gia đình, nhà trường và xã hội nên khuyến khích và giáo dục thế hệ trẻ trở thành người có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Có thể thấy điều này là vì mục tiêu chung tạo nên một xã hội tốt đẹp và mọi người biết tôn trọng nhau hơn thay vì chỉ biết tập trung vào bản thân mình.

Để thực hiện điều này, Harvard cũng đã thể hiện sự quan tâm đến số lượng học sinh đủ tiêu chuẩn để tham dự khóa học AP trong bản báo cáo (AP classes - advanced placement classes - các lớp có trình độ đại học trong hơn 30 môn học mà các học sinh có thể tham dự trong khi còn đang học trung học phổ thông.)

Theo trang The Washing Post, báo cáo mới đây của trường Harvard đã thể hiện một bước tiến lớn trong nỗ lực thay đổi những vấn đề còn tồn tại để quy trình tuyển sinh đại học trở nên bình đẳng cho tất cả sinh viên có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau.

Tác giả chính của bản báo cáo – Richard Weissbourd, cho biết mục tiêu của dự án này cũng nhận được sự đồng tình từ hơn 80 đại diện của các trường đại học khác, bao gồm cán bộ tuyển sinh, các hiệu trưởng, giáo sư và cố vấn của các trường trung học.

“Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua, các trường đại học cùng nhau bàn luận về tiêu chí nào là cần thiết trong quá trình tuyển sinh”, ông cho biết thêm.

Giám đốc tuyển sinh trường đai học Yale, Jeremiah Quinlan đồng ý với quan điểm của Harvard trong bài phỏng vấn “Chúng tôi muốn sinh viên của mình có thành tích tốt cả khi học tại trường và ở bên ngoài. Nhưng chúng tôi muốn tìm kiếm những thứ khó định lượng hơn, như sự quan tâm tới người khác và những đóng góp của cá nhân đó cho cộng đồng.”

Để làm được điều này, Đại học Yale sẽ đưa ra thêm một câu hỏi tiểu luận cho các thí sinh trong năm tới, ví dụ như “Bạn đã và sẽ làm gì để đóng góp cho gia đình và cộng đồng.” – Ông Quinland nói thêm. Bên cạnh đó, Đại học Virginia cũng rất đồng tình với những quan điểm trên.

Nhưng khi không tập trung vào điểm ACT/ SAT hoặc thành tích trong học tập và thay vào đó là sự đóng góp đối với cộng động thì liệu có những trường hợp học sinh trung học tham gia hoạt động xã hội chỉ vì mục đích “đẹp CV” hay không? Câu trả lời là có. Nhưng theo những gì ông Weissbourd nói với báo chí, điều này không phải là vấn đề đáng lo ngại:

“Có những trường hợp thí sinh tham gia hoạt động cộng đồng mà không hề cảm thấy hứng thú mà chỉ vì mục đích ghi vào hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên, ông Weissbourd nhấn mạnh, cho dù thí sinh không hề hào hứng tham gia nhưng họ cũng có thể học được những bài học kinh nghiệm đáng quý. Nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều hoạt động xã hội đã giúp sinh viên trưởng thành hơn trong nhận thức, kể cả khi bị bắt buộc phải tham gia.

Đây bước đi đầu tiên trong chiến dịch kéo dài hai năm nhằm thay đổi hiện trạng tuyển sinh đại học Harvard hiện nay. Trong sự thay đổi này, Harvard cho rằng “Đã đến lúc để nói “đã quá đủ rồi!’”

Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-harvard-thay-doi-tieu-chi-tuyen-sinh-2016012410060853.htm