Kon Tum: Thí sinh tự tin ra khỏi phòng thi sớm
Sau hơn 2/3 thời gian làm bài môn thi Lịch sử sáng nay, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum – Hội đồng thi THPT quốc gia 2015 Sở GD&ĐT Kon Tum - đã rời phòng thi. Đây cũng là môn thi cuối cùng của nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 nên hầu hết các thí sinh tỏ ra nhẹ nhàng, thoải mái. xem gợi ý đáp án đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm 2015
Chia sẻ về kết quả làm bài, các thí sinh đều tỏ ra phấn khởi, mặc dù kết quả làm bài chỉ đạt khoảng 40 đến 80%. Thí sinh Huỳnh Thị Thu Thảo (số báo danh 036001334, quê xã Đắc Long, huyện Konplong) – một trong những thí sinh ra sớm nhất điểm thi Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum - cho hay: Đề thì môn Lịch sử có 4 câu, trong đó có 2 câu lý thuyết, 2 câu vận dụng kiến thức. Với học lực trung bình nên kết quả bài làm em chỉ đạt khoảng 50% bài thi.
Thí sinh Huỳnh Thị Thu Thảo chia sẻ thêm: Kết thúc kỳ thi năm nay, em tự tin nhất với kết quả làm bài môn Ngữ văn, còn 3 môn Toán, Sử, Địa thì không tự tin lắm.
Cùng tâm trạng, thí sinh Nguyễn Hoàng Sơn (số báo danh 036001266, quê ở Hà Nam, sinh sống tại huyện Đăk Hà, Kon Tum) cho biết: Đề thi có 4 câu nhưng em không làm được câu 1 do ôn tập không kỹ. Còn 3 câu còn lại em làm bài cũng tạm ổn. Hy vọng sẽ đạt điểm cao để kéo điểm thi các môn còn lại.
TP.HCM đề thi Lịch sử hay
Dù chưa hết thời gian, nhưng có khá nhiều thí sinh rời phòng thi thúc với tâm trạng rất vui. Khi được hỏi các em tỏ ra rất vui vẻ vì cho rằng đề Lịch sử không quá khó, dễ dàng lấy điểm 6 với những bạn có học lực trung bình.
Với nhiều em theo ban C, đây là môn thi cuối cùng nên các sau khi hoàn thành các em rất vui.
Nguyễn Hoàng Kim Vy - TTGDTX quận 12 - chia sẻ: Đề thi có 4 câu, em thấy hay, có câu hỏi vận dụng tức là thanh niên thời nay làm những điều gì để góp phần phát triển đất nước. Đề vận dụng tư duy nhiều. Cũng có những câu đòi hỏi chúng em vừa phải nắm được kiến thức vừa biết liên hệ thực tiễn. Em làm được khoảng 6-7 điểm.
Em Trâm Anh - HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TPHCM) - là một thí sinh theo ban D, nhưng vì yêu thích nên em chọn môn Lịch sử để thi xét tốt nghiệp.
Trâm Anh chia sẻ: Đề Sử theo em rất hay, để cho thí sinh trình bày những kiến thức, quan điểm của thí sinh hơn là làm bài một cách thuộc lòng, học tủ. Tuy nhiên, cũng phải nắm vững những kiến thức trong sách giáo khoa. Em làm hết và em nghĩ mình đạt khoảng 7-8 điểm môn Sử. Em thấy đề thi năm nay rất hay và cũng không quá khó, chúng em rất thoải mái. Các bạn học lực trung bình cũng có thể lấy 6 điểm dễ dàng.
Phía bên ngoài cổng trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM, anh Văn Dũng (quê ở TX Long Khánh, Đồng Nai) cùng con gái sau khi kết thúc môn thi Lịch sử đã ra ngã tư Thủ Đức để đón xe về nhà.
Anh kể: VVé xe hôm hai bố con đi lên là 50 ngàn đồng/người. Hôm nay về vé xe không tăng, tôi gọi điện cho nhà xe Cúc Phương rồi, họ sẽ đón bố con vào lúc 11h40 trưa. Năm nay coi vậy chứ xe cộ đi lại thuận tiện hơn, các cháu về cũng nhiều rồi nên không có tình trạng nhồi nhét như năm trước nữa đâu”.
Cũng như anh Dũng, rất nhiều phụ huynh và thí sinh ở các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… kết thúc môn thi Lịch sử đã lên xe về nhà. Cũng có nhiều phụ huynh chạy xe máy từ nhà từ sớm đến địa điểm thi để đón con.
Anh Văn (quê ở Bình Phước) cho biết, cũng nhờ các bạn tiếp sức mùa thi tìm nhà trọ giúp nên hai bố con thoải mái lắm, giờ ra chạy xe máy về nhà. Hỏi cháu thấy làm bài tốt là vui rồi.
Ngọc Anh – học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) – xét tuyển đại học khối D nhưng chọn Lịch sử là môn thi tốt nghiệp. Ngọc Anh cho biết mình yêu Lịch sử, đặc biệt có ý định du học nên quyết tâm học, tìm hiểu Lịch sử đất nước để làm hành trang khi sang xứ người.
Hoàn thành bài thi Lịch sử khá sớm, Ngọc Anh chia sẻ tâm trạng bất ngờ và thú vị khi đọc đề.
“Đề thi rất hay, không hề yêu cầu thí sinh học thuộc, ghi nhớ các sự kiện Lịch sử. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là nền tảng, là cơ sở để từ đó chúng em phát triển bài làm. Do đó, đề thi khá dài nhưng khi làm lại nhẹ nhàng vì chủ yếu những kiến thức viết ra là hiểu biết của bản thân.” – Ngọc Anh nói.
Cũng bày tỏ sự thích thú trước đề thi Lịch sử, Nguyễn Nhật Hoàng – học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), dự thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mình làm hết 6 mặt giấy.
“Rõ ràng là với đề thi này, học sinh chúng em không phải lo lắng về việc môn Lịch sử cần ghi nhớ quá nhiều sự kiện và con số nữa. Đề thi chủ yếu yêu cầu liên hệ thực tế và học sinh chịu khó nghe, chịu khó đọc thời sự, tin tức chắc chắc sẽ làm tốt” – Hoàng cho hay.
Được biết, Hoàng cũng là học sinh khối D và em chỉ chọn thi Lịch sử để lấy điểm xét tốt nghiệp.
Là một trong những thí sinh sớm ra khỏi phòng thi, Lê Đức Tuấn – học sinh Trường THPT Trương Định – lại nhận định đề thi có tính phân loại và đặc biệt có lợi cho những thí sinh yêu Lịch sử.
Theo chia sẻ của các thí sinh, đề thi Lịch sử năm nay có 4 câu. Theo đó, câu 1 hỏi về sự phát triển của kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân.
Câu 2: Yêu cầu nêu những công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam và đưa ra sự kiện quan trọng trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, dựa trên bảng mốc thời gian, sự kiện cho sẵn.
Câu 3 có 2 ý. Ý 1 yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ về một câu nói trong bản Tuyên ngôn độc lập; ý 2 yêu cầu nêu sự kiện quan trọng của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền trong các giai đoạn: 1945 – 1954, 1954 – 1975 …
Câu 4 cũng có 2 phần. Phần 1 liên quan đến Hiệp định Giơnevơ; phần 2 yêu cầu học sinh đưa ra chủ kiến về nguyên nhân quan trọng dẫn tới chiến thắng của quân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và biện pháp phát huy, phát triển nhằm bảo vệ, xây dựng đất nước
Đắk Lắk: Cần kỹ năng tổng hợp sự kiện
Với đề này, bên cạnh việc thí sinh phải học thuộc sự kiện, thì còn phải hiểu và xâu chuỗi, liên hệ các sự kiện lại với nhau.
“Đặc biệt có một câu liên hệ từ chiến thắng của nhân dân ta trong lịch sử đến trách nhiệm của thanh niên thời nay, đây là cấu trúc mới của đề, kích thích sự hứng thú của tụi mình” - Phan Văn Ái (huyện Ea Kar) cho biết.
Bạn Huỳnh Huy Hiển (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) nhận định: “Theo em, đề thi môn lịch sử năm nay rất hay, không đi vào phân tích sự kiện, học thuộc sự kiện mà phải nêu được tầm vóc và ý nghĩa của vấn đề đặt ra”.
Đề thi đáp ứng được sự phân hóa năng lực, tư duy của thí sinh, phải có kiến thức thì mới mong đạt được điểm 8 trở lên, đó là ý kiến của em Ngô Thị Như Quỳnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). “Nếu chỉ học thuộc lòng máy móc thì em nghĩ chỉ làm được 4 điểm thôi, mình phải thật sự hiểu thì mới mong đạt điểm cao” Quỳnh cười
Lúc 10g10, lác đác thí sinh ra khỏi phòng thi trường ĐH Tây Nguyên.
Nhận định về đề thi, thí sinh Đinh Văn Tới (Thị xã Buôn Hồ) cho biết đề thi năm nay khá khá. "Đề thi năm nay không chỉ đòi hỏi nhớ các dữ kiện lịch sử mà còn đòi hỏi thí sinh phải tư duy, phân tích và tổng hợp vấn đề" - Tới nói.
Thí sinh Trần Thị Mai Phương (TP.Buôn Ma Thuột) cũng cho rằng đề thi năm nay có nhiều phần mở rộng và khá dài.
Được biết trong ngày thi cuối cùng, tại cụm thi ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk) chỉ có 6/25 điểm thi có thí sinh dự thi môn Lịch sử.
* Tiền Giang: Đề sử dễ làm.
Đúng 10g, mới chỉ hai phần ba thời gian nhưng hàng trăm thí sinh đã cùng rời phòng thi, ra khỏi điểm thi trường Đại học Tiền Giang. Đa số thí sinh đều cho biết đề sử không khó, đều làm được hết bài thi nhưng ...không biết được bao nhiêu phần trăm đúng.
Thí sinh Cẩm Giang, đến từ trường THPT Phan Văn Trị, Giồng Trôm, Bến Tre, cho biết hai câu đầu kiến thức sát chương trình và em có thể làm được. Nhưng hai câu còn lại dạng đề mở, Cẩm Giang làm hết nhưng không tự tin lắm. "Phải chờ đáp án mới biết được", Cẩm Giang nói.
Tương tự, thí sinh Bùi Trường Khánh Băng, học sinh tường THPT Dưỡng Điềm, Tiền Giang, cũng cho biết: "theo em thì đề tương đối dễ, em làm được toàn bộ và làm rất tốt hai câu đầu, hy vọng sẽ em sẽ được trên 7 điểm".
*TP.HCM: đề sử hơi dài:
Tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hầu hết các bạn đều tươi cười vì đã kết thúc các môn khối C và kết thúc luôn kỳ thi năm nay (những thí sinh này không dự thi môn Sinh học).
Đề thi Lịch sử năm nay gồm bốn phần, đặc biệt có câu liên hệ thực tế thế hệ trẻ hiện nay với các nhân tố làm nên chiến thắng kháng chiến chống Pháp. Bạn Lê Thị Hoài Thu (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) nhận định, do em thi khối C nên đề thi này tương đối vừa sức.
Cũng có phần câu lý thuyết dành cho thí sinh dự thi xét tốt nghiệp, cũng có phần cần phải dùng kiến thức tổng hợp, vận dụng sâu chuỗi sự kiện lịch sử, và đặc biệt là rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng cho giới trẻ ngày hôm nay.
Tuy là đề hơi dài, nhưng cơ bản có sự phân loại thí sinh để xét tuyển sinh đại học. Các thí sinh khác cũng đồng ý kiến, đề thi hơi dài, nhưng nhìn chung phù hợp với kỳ thi “hai trong một” khi vẫn có câu dễ, câu khó.
Theo
- Giáo dục thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thi-sinh-bat-ngo-vi-de-thi-lich-su-qua-hay-1085271-c.html
- Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150704/nhan-dinh-de-su-hay-va-hoc-bua/772155.html