Đăng ký thi 8 môn nhưng không tham dự hết: Có vi phạm quy chế?

Với vấn đề này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác chính trị sinh viên ĐHQG TP.HCM) giải thích: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn thi tốt nghiệp 2016 bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ. Thí sinh sẽ phải chọn 1 trong 5 môn còn lại là lý, hóa, sinh, sử, địa để đăng ký thi và lấy kết quả xét tốt nghiệp. Đây là 4 môn thi bắt buộc để xét kết quả tốt nghiệp THPT nên nếu đăng ký môn nào thì các em phải thi môn đó. Những môn thi đăng ký nhưng không nằm trong 4 môn thi bắt buộc nếu không dự thi hết cũng không sao vì các em dự thi môn nào, giấy chứng nhận kết quả thi (dùng để xét tuyển ĐH) sẽ in kết quả của môn thi đó”.

Đăng ký thi 8 môn nhưng không tham dự hết: Có vi phạm quy chế?Học sinh Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh xem thông tin về ngành nghề

TS. Lê Thị Thanh Mai nhắc nhở: “Việc chọn môn thi sẽ ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào ĐH, CĐ sau này của thí sinh vì các ngành học của các trường ĐH, CĐ đều xét tuyển theo tổ hợp 3 môn thi. Nếu đăng ký thêm môn thi, các em sẽ có thêm cơ hội xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau trong cùng giai đoạn xét tuyển. Đặc biệt, các em có thể chọn 8 môn để thi, nhưng tôi khuyên không nên chọn hết cả 8 môn mà nên chọn những môn mình có thế mạnh, những môn nào thuộc tổ hợp bộ môn xét tuyển để tập trung ôn tập và làm bài cho tốt”.

Đặt câu hỏi về việc xét tuyển ĐH, CĐ, em Lâm Anh Hùng (học lớp 12A4) thắc mắc: “Nếu em tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhưng kết quả thấp thì có được xét tuyển bằng học bạ hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, ThS. Phan Hoàng Hải (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: Ngoài xét tuyển bằng điểm kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường còn sử dụng học bạ để làm căn cứ xét tuyển. Các em hoàn toàn có thể sử dụng học bạ thay cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào những trường có sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, dù xét tuyển theo phương thức nào thì điều kiện bắt buộc là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Vì vậy tất cả thí sinh muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đều phải dự thi kỳ thi THPT quốc gia và phải tốt nghiệp THPT.

Tổ hợp bộ môn mới không gây áp lực

Tại Trường THPT Bình Hưng Hòa, em Nguyễn Tuấn Anh (học lớp 12A2) hỏi: “Em nghe nói năm nay số trường sử dụng tổ hợp môn thi mới để xét tuyển nhiều hơn. Sự thay đổi này có ảnh hưởng tới kết quả kỳ thi hay không? Em muốn biết thông tin thì theo dõi ở đâu?”.

ThS. Trà Thanh Trung (Ban Tuyển sinh ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) cho hay: Bên cạnh các khối thi truyền thống đã được tổ chức thi và xét tuyển trước đây, bắt đầu từ năm 2015, một số trường ĐH có tổ chức xét tuyển nhiều tổ hợp môn mới như toán, văn, lý; toán, văn, sinh; văn, tiếng Anh, sử; toán, tiếng Anh, hóa… “Sự thay đổi này chủ yếu dựa theo yêu cầu, tính chất của từng ngành/chuyên ngành mà trường đó đào tạo, đã được Bộ GD-ĐT thông qua và thể hiện cụ thể đề án tuyển sinh của các trường. Về cơ bản, việc sử dụng các khối thi này cũng sẽ tương tự như các khối thi truyền thống khác nên các em hoàn toàn có thể yên tâm về việc xét tuyển. Nếu quan tâm trường nào, các em nên truy cập thông tin của trường đó để nắm rõ quy định xét tuyển từng ngành”, ThS. Trà Thanh Trung nhấn mạnh.

Em Lê Hải Hà (học lớp 12A5) thắc mắc: “Sự khác nhau giữa học văn bằng 2 và học 2 văn bằng là gì?”.

ThS. Nguyễn Anh Đức (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) giải thích: Học văn bằng 2 tức là khi em đã có một bằng ĐH rồi và muốn học thêm một bằng nữa sau khi tốt nghiệp. Còn học cùng lúc 2 chương trình nghĩa là sau khi trúng tuyển vào ĐH và học khoảng 2 học kỳ, em được đăng ký học thêm 1 ngành khác để khi ra trường sẽ có 2 bằng ĐH thuộc 2 ngành khác nhau. Điều kiện học cùng lúc 2 chương trình là ngành học và nguyện vọng thứ 2 khác ngành học thứ nhất và hoàn tất chương trình học kỳ đầu tiên với số điểm không dưới 2.0 (theo thang điểm 4.0 đào tạo tín chỉ). Tuy nhiên, nếu học 2 chương trình mà kết quả không đảm bảo theo quy định của từng trường thì sinh viên phải tạm dừng chương trình thứ 2. Lưu ý là tuy học cùng một thời gian nhưng các em vẫn phải đóng học phí chương trình học thứ 2 theo quy định của nhà trường.

Năm nay em làm hồ sơ vào Trường CĐ Công thương TP.HCM. Do đó em muốn biết về chỉ tiêu, và phương thức tuyển sinh của trường như thế nào? Có phải ngành tiếng Anh điểm trung bình được nhân đôi không? (Võ Thị Hoa, học sinh Trường THPT Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

- Ông Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM) trả lời: Năm 2016, Trường CĐ Công thương TP.HCM đăng ký tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc CĐ chính quy là 4.300 sinh viên. Trong đó 75% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức 1 và 25% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức 2. Điểm xét tuyển là tổng điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển, không nhân hệ số cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng theo quy chế tuyển sinh 2016 của Bộ GD-ĐT; môn miễn thi được ghi kết quả theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trường xét điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp của tổng điểm ba môn theo khối thi tương ứng với từng ngành. Riêng điểm trung bình ngành tiếng Anh được nhân đôi.

Trường xét tuyển thí sinh trong cả nước. Ví dụ, thí sinh đăng ký xét tuyển ngành học với ba môn thuộc khối A (toán, lý, hóa) thì phải thỏa mãn các điều kiện sau đây để được xét tuyển: Tốt nghiệp THPT; điểm trung bình (TB) môn toán =  (TB cả năm toán 10 + TB cả năm toán 11 + TB cả năm toán 12)/3. Môn lý và môn hóa cũng tương tự. Tổng điểm TB để xét tuyển = Điểm TB toán + điểm TB lý + điểm TB hóa. Hồ sơ đăng ký xét tuyển bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển; bản sao học bạ THPT; bản sao bằng tốt nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp  THPT tạm thời; 2 phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại liên hệ.

 


Theo Báo Giáo dục

(nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn/dang-ky-thi-8-mon-nhung-khong-tham-du-het-co-vi-pham-quy-che.htm, http://www.giaoduc.edu.vn/cau-hoi-tuyen-sinh-41.htm)