Sự ra đời và phát triển của Trường Cán bộ Kiểm sát - tiền thân của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát
Vào thời điểm VKSND được thành lập (năm 1960), phần lớn đội ngũ cán bộ kiểm sát chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát. Nguồn tuyển dụng cán bộ vào ngành Kiểm sát thời gian này chủ yếu là các cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể quần chúng, bộ đội chuyển ngành, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những người đã qua rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, công tác nhưng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật.
Cuối năm 1960, được sự đồng ý của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, VKSND tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp mời chuyên gia Liên Xô mở lớp pháp lý dài hạn 02 năm cho cán bộ trung, cao cấp của 03 ngành. Sau khi kết thúc lớp học, 04 đồng chí đã được tuyển chọn làm giảng viên chuyên trách cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành Kiểm sát là các đồng chí Nguyễn Văn Tốt, Nghiêm Quý Chẩn, Nguyễn Huy Thuân và Vũ Quang Chính. Việc đầu tư mở lớp do chuyên gia Liên Xô giảng dạy và từ đó tuyển chọn được những giảng viên chuyên trách có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để chuyên môn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành những năm sau này.
Năm 1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh (không số, ngày 16/4/1962) "Quy định cụ thể về Tổ chức của VKSND tối cao". Pháp lệnh quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao là: "Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát". Thực hiện nhiệm vụ này, từ cuối năm 1963, VKSND tối cao đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn nhằm trang bị những kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ kiểm sát cơ bản cho cán bộ trong ngành theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị thời kỳ đó.
Sau một năm mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, ngày 12/10/1964 đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát trực thuộc VKSND tối cao. Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao được cử trực tiếp phụ trách nhà trường. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, nguyên Xứ ủy Trung kỳ, được cử làm Phó Hiệu trưởng.
Sau khi được thành lập, Trường Cán bộ kiểm sát đã liên tục khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ 03 tháng, 06 tháng để bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, về Hiến pháp, pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong ngành. Sự ra đời của Trường Cán bộ kiểm sát năm 1964 theo quyết định của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng của ngành Kiểm sát, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ đầu tiên của ngành, đồng thời là cơ sở để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống bài giảng, giáo trình cho những năm sau này.
Vào năm 1970, trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, ngày 21/4/1970 đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 62/QĐ-TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 900/NQ- UBTVQH ngày 25/4/1970, từ đây ngày 25/4 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Trường
Cho đến nay, có thể chia quá trình xây dựng và phát triển của Trường thành các giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: Tổ chức và hoạt động của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (1970-1981)
- Giai đoạn thứ hai: Tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (1981-2005)
- Giai đoạn thứ ba: Tổ chức và hoạt động của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (2005-2013)
- Giai đoạn thứ tư: Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013 đến nay)
Tổ chức và hoạt động của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát giai đoạn 1970-1981
Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập trong bối cảnh nước ta chưa có một cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật. Sau khi Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập, ngày 04/10/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 116/QĐ-V9 giao cho Trường nhiệm vụ “mở các khóa bổ túc cho cán bộ trong ngành và mở các khóa đào tạo mới để bổ sung cán bộ cho ngành”. Đồng thời, xác định bộ máy làm việc của nhà trường được biên chế 30 cán bộ, giáo viên, trong đó, đội ngũ giáo viên gồm 12 đồng chí. Đồng chí Bạch Thành Phong được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Tôn và đồng chí Việt Hùng được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng.
Thời kỳ đầu, nhà trường tổ chức hoạt động trong điều kiện chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, việc tổ chức lớp học phải sơ tán về xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ). Sau chiến tranh phá hoại, Hiệp định Paris được ký kết, nhà trường chuyển về Hà Nội nhưng chưa có trụ sở làm việc nên phải nhờ địa điểm của Trường Hành chính Trung ương để tổ chức lớp học. Do không đủ phòng học, các lớp học phải tổ chức gối nhau, một số lớp phải chuyển về Phú Thụy - Gia Lâm để nhờ địa điểm.
Mặc dù trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trường lớp chưa ổn định nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo chặt chẽ của các đồng chí Lãnh đạo VKSND tối cao, tháng 5/1971, chỉ một năm sau ngày được chính thức thành lập, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đã khai giảng khóa đào tạo Trung cấp Kiểm sát đau tiên, gồm 172 học viên. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ pháp lý của ngành Kiểm sát nhân dân, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ từng bước chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cách mạng.
Cùng với việc triển khai đào tạo khóa trung cấp 1, Viện trưởng VKSND tối cao đã giao nhiệm vụ cho nhà trường: “Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, gấp rút nâng cao trình độ nghiệp vụ” cho cán bộ trong ngành. Trong hai năm, 1972-1973, nhà trường đã tổ chức được hai lớp bồi dưỡng: Một lớp dành riêng cho cán bộ làm công tác kiểm sát điều tra và một lớp dành cho cán bộ Viện Kiểm sát các tỉnh miền núi, thời gian 04 tháng với tổng số 150 học viên.
Trong các năm 1973 - 1975, Trường tiếp tục triển khai mở các lớp trung cấp kiểm sát khóa 2, khóa 3 và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian từ 02 tháng đến 06 tháng cho cán bộ trong ngành. Trong điều kiện đất nước ta bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, việc đào tạo các khóa trung cấp kiểm sát thể hiện quan điểm đúng đắn và tầm nhìn xa của lãnh đạo VKSND tối cao trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Đây là chương trình đào tạo pháp lý trình độ cao nhất ở nước ta lúc bấy giờ. Nhiều học viên tốt nghiệp các khóa Trung cấp kiểm sát thời kỳ này đã trưởng thành và đang giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát như: đồng chí Tòng Thị Phóng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng...
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH, lãnh đạo VKSND tối cao đã chủ trương cho Trường khẩn trương mở rộng phạm vi, quy mô, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về cán bộ cho các tỉnh phía Nam, Lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định cử đồng chí Đoàn Văn Chương - Phó Hiệu trưởng cùng một số cán bộ, giảng viên của Trường vào nghiên cứu công tác đào tạo cán bộ cho các Viện kiểm sát tại các tỉnh phía Nam và phối hợp với Bộ Tư pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hơn 500 cán bộ kiểm sát, cán bộ tòa án mới được cấp ủy cử sang. Do có chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo VKSND tối cao, chỉ 2 năm sau khi đất nước thống nhất, số cán bộ được bồi dưỡng tại chỗ cùng với những học viên tốt nghiệp khóa trung cấp 3 được phân công công tác trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ nhu cầu cấp bách về cán bộ của Ngành.
Về việc biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo, sau khi hoàn thành việc in ti-pô giáo trình trung cấp kiểm sát phục vụ giảng dạy, học tập và tạo điều kiện để phổ cập kiến thức cho cán bộ trong ngành, nhà trường đã tập trung vào việc biên soạn giáo trình ở bậc cao đẳng. Những giảng viên lâu năm có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn được Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ chuyên lo việc biên soạn giáo trình. Cùng với việc biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo của Trường, một số đồng chí Lãnh đạo, giảng viên của Trường còn được Ban Bí thư lựa chọn tham gia biên soạn giáo trình và giảng dạy cho khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1, khai giảng năm 1976), trong đó có các đồng chí: đồng chí Vũ Quang Chính, đồng chí Nguyễn Huy Thuân, đồng chí Nghiêm Quý Chẩn và đồng chí Vũ Đức Khiển. Sự kiện này chứng tỏ uy tín của đội ngũ giảng viên nhà trường lúc bấy giờ và là điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác của nhà trường với các cơ sở đào tạo pháp lý khác trong cả nước.
Để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho toàn ngành thì cần phải có một trụ sở làm việc ổn định. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 01/10/1976 Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười đã ký Quyết định “Giao cơ sở Trường Đảng miền Tây cho Trường Kiểm sát”. Thực hiện Quyết định này, tháng 01 năm 1977 nhà trường đã tiếp nhận xong cơ sở mới. Việc quyết định cho Trường có một trụ sở ổn định trong điều kiện lúc bấy giờ có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường có trụ sở ổn định để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát.
Năm 1977, Viện trưởng VKSND tối cao đã ra Quyết định số 04/QĐ-TC giao cho Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đào tạo cán bộ ngành Kiểm sát có trình độ Cao đẳng. Tháng 8 năm 1977 hệ chuyên tu Cao đẳng Kiểm sát (khoá I) và tháng 10/1979 hệ tại chức Cao đẳng Kiểm sát (khoá I) được khai giảng tại Trường. Học viên được chọn cử đi đào tạo các lớp chuyên tu, tại chức cao đẳng kiểm sát đầu tiên là những Kiểm sát viên, cán bộ đã được rèn luyện, thử thách trong các lực lượng vũ trang cách mạng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển ngành sang VKSND; phần lớn đã được đào tạo trung cấp kiểm sát hoặc các lớp bổ túc ngắn hạn 6 tháng, 9 tháng. Trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ chưa có trường đại học luật thì việc mở các lớp chuyên tu và tại chức hệ cao đẳng kiểm sát là một cố gắng rất lớn trong công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát. Đây là mô hình đào tạo phù hợp với điều kiện khách quan của đất nước và của ngành Kiểm sát cả về quy mô, hình thức, đối tượng và thời gian đào tạo.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh miền Nam, ngày 07/01/1978 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-V9 thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, theo yêu cầu của nước bạn, Ban Bí thư đã chỉ đạo các bộ, ngành cử cán bộ sang giúp nước bạn xây dựng và củng cố chính quyền. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, trong năm 1981 và năm 1982, Viện trưởng VKSND tối cao đã cử đồng chí Nguyễn Huy Thuân và đồng chí Vũ Quang Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường tham gia cùng đoàn cán bộ của VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sang giúp nước bạn xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Hành chính - Pháp lý và trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề về pháp luật. Đây chưa phải là hình thức hợp tác chính thức nhưng hoạt động này đã đặt cơ sở cho việc thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học cho các giai đoạn tiếp theo.
Sau 10 năm đào tạo cán bộ có trình độ Trung cấp Kiểm sát (1970 - 1980) và sau 4 năm đào tạo hệ chuyên tu, tại chức Cao đẳng Kiểm sát (1977 - 1980); tháng 5/1981 khoá I đào tạo Cao đẳng Kiểm sát hệ chính quy đã được chiêu sinh và đào tạo trong phạm vi cả nước với thời gian đào tạo 4 năm. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự phát triển đi lên trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành.
Tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội giai đoạn 1981-2005
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức VKSND năm 1981, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-V9 ngày 23/10/1981 về bộ máy làm việc của VKSND tối cao, trong đó có Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội và Trường Trung cấp Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn tại Nghị quyết số 138/NQ-HĐNN7 ngày 17/02/1982, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng ghi nhận sự chuyển tiếp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân từ hệ trung cấp Kiểm sát nâng lên hệ cao đẳng Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ theo quy định mới của Quy chế ngạch Kiểm sát viên năm 1982. Từ đó, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội được chính thức đưa vào danh mục các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.
Sau khi được chuyển lên đào tạo ở bậc cao đẳng kiểm sát, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội liên tục tuyển sinh, đào tạo các khóa cao đẳng chính quy hệ 4 năm, đồng thời, tiếp tục mở các lớp chuyên tu và tại chức cao đẳng.
Trong năm 1982, thực hiện chủ trương của lãnh đạo VKSND tối cao, Trường đã triển khai mở Lớp Nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát (khóa 1982 - 1985) cho số học viên lấy từ những sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học vào Ngành. Chủ trương lấy sinh viên tốt nghiệp các đại học khác không phải là đại học luật vào ngành rồi cử đi đào tạo pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát vào thời điểm đó là một chủ trương đúng đắn của Ban Cán sự, Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiều học viên của Lớp nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại Trường làm giảng viên. Một số học viên của lớp sau này đã giữ những cương vị trọng trách, như Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Ban Nội chính Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Đại biểu chuyên trách của ủy ban Tư pháp của Quốc hội, 15 học viên của Lớp đã được giữ cương vị Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng của các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, để tăng cường đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, lãnh đạo VKSND tối cao đã chủ trương mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, vừa tuyển sinh đào tạo cao đẳng chính quy vừa tổ chức các lớp đào tạo mở rộng và các lớp cử tuyển (KVO) theo kế hoạch của Ngành. Đồng thời, Trường tiếp tục mở các lớp đào tạo cao đẳng hệ chuyên tu và tại chức cho cán bộ đã công tác trong ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên ngành; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, bồi dưỡng về khoa học điều tra hình sự cho cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các cấp.
Thời kỳ này, Trường cũng đã mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho số cán bộ đã tốt nghiệp đại học luật vào ngành nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (3 khóa vào các năm 1994, 1997 và 2003); phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên luôn được coi trọng. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi việc tuyển sinh đi nghiên cứu sinh chuyên ngành luật còn rất mới mẻ ở Việt Nam thì Trường đã cử một số giảng viên đi nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Khi các cơ sở đào tạo luật trong nước bắt đầu tuyển sinh sau đại học ngành luật thì Trường cũng đã cử giảng viên tham gia các lớp cao học luật và nghiên cứu sinh.
Năm 1987, Trường đã thành lập “Ban Cải cách chương trình ” để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các môn học nghiệp vụ vào chương trình đào tạo cao đẳng kiểm sát. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tập bài giảng, các bộ giáo trình, như giáo trình Lý luận về Nhà nước và pháp luật, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và hệ thống giáo trình các môn về nghiệp vụ kiểm sát.
Cùng với việc đào tạo cán bộ kiểm sát trong nước, để tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, trên cơ sở biên bản hợp tác giữa VkSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam và VKSND tối cao nước CHDCND Lào do đồng chí Hà Mạnh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Ủn Lạ Xay Nha Xán - Viện trưởng VKSND tối cao nước CHDCND Lào ký ngày 06/7/1997 tại Viên Chăn, Trường Cao đẳng Kiểm sát được giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các cấp của nước CHDCND Lào. Với nhiệm vụ được giao, từ năm 1998, nhà trường đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các khóa nghiệp vụ kiểm sát cho học viên là lãnh đạo và Kiểm sát viên VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp của nước bạn Lào với thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng.
Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thòi gian tới. Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết nhấn mạnh: "Đổi mới công tác cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ đại học luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh....” Thể chế hóa quan điểm trên đây, Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 đã quy định những tiêu chuẩn mới để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên là "có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiếm sát".
Để đào tạo cán bộ tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên theo Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002, từ năm 2002 trở đi, Trường được giao nhiệm vụ vừa đào tạo số học viên cao đẳng kiểm sát tuyển sinh từ những năm trước, vừa phối hợp với các cơ sở đào tạo khác để mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp đại học luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát.
Theo thống kê, từ khi thành lập Trường đến khi kết thúc đào tạo cao đẳng kiểm sát, Trường đã đào tạo được 9 khóa trung cấp kiểm sát với 1.366 sinh viên, 17 khóa cao đẳng hệ chính quy với 2.828 sinh viên, 17 khóa cao đẳng hệ chuyên tu với 1.079 học viên, 19 khóa cao đẳng hệ tại chức với 3.263 học viên. Đào tạo 12 khóa Cao đẳng tập trung hệ cử tuyển với 431 sinh viên, 03 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên cho 273 học viên là những cán bộ đã có bằng cử nhân luật. Ngoài ra, Trường còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng vạn lượt cán bộ trong Ngành.
Tổ chức và hoạt động của Trường Đào tạo, bồỉ dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giai đoạn 2005 - 2013
Ngày 25/11/2005, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 76/2005/QĐ-TCCB về việc chuyển Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát để làm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong Ngành.
Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, nhà trường tạm dừng việc mở các khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đối tượng là cán bộ trong ngành Kiểm sát đã tốt nghiệp đại học luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; số đối tượng này được chuyển sang đào tạo tại Học viện Tư pháp. Nhà trường chỉ còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ đang công tác trong ngành.
Sau hai năm dừng việc đào tạo nghiệp vụ kiểm sát và chuyển nhiệm vụ này cho Học viện Tư pháp đã cho thấy những bất cập trong việc đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát. Cuối năm 2007, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, Ban cán sự và Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định giao cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát khôi phục lại việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho những cán bộ tốt nghiệp cử nhân luật; đồng thời mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho những người được tuyển chọn từ những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào ngành Kiểm sát rồi cử đi học. Đây là quyết định quan trọng tạo tiền đề mới để phát triển trường trong những năm kế tiếp.
Để bổ sung và tăng cường cán bộ lãnh đạo nhà trường, tháng 5/2008, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, được điều động về Trường và bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thay đồng chí Ngô Văn Đọn về nghỉ hưu theo chế độ.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường được Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2009, tập thể Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã họp bàn và quyết định cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát được đầu tư cải tạo, mở rộng trụ sở Trường. Theo đó, các hạng mục xây dựng mới tại Trường gồm: Nhà Giảng đường 4 tầng, Nhà Hành chính 9 tầng, Nhà Ký túc xá 11 tầng và Nhà Thư viện 5 tầng. Đây là chủ trương đúng đắn, của Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tạo động lực mới để phát triển nhà trường.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát, Trường còn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học luật khác để mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trường đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học trực thuộc Đại học Huế, triển khai mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật.
Những kết quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cán bộ và chuẩn hóa trình độ các chức danh cán bộ ngành Kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trong Báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát của Ban Cán sự đảng VKSND tối cao gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày 24/4/2008 đã khẳng định, "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, vào tiêu chuẩn cán bộ của thời kỳ mới để hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ chuẩn hoá và nâng cao trình độ về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế... cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc VKSND các cấp... ”
Để đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp, năm 2008, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã phối hợp với Dự án JICA - Nhật Bản tổ chức Hội thảo về chương trình khung đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát. Tháng 12/2009, Đoàn đại biểu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã sang thăm và làm việc với Học viện Kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc. Hai bên đã hội đàm, thống nhất thỏa thuận hợp tác lâu dài trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Học viện Kiểm sát viên quốc gia Trung Quốc với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Ngày 08/3/2010, tại Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và Học viện Kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Sự kiện này mở ra một giai đoạn phát triển mới trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi ngành Kiểm sát phải nhanh chóng có sự đổi mới toàn diện cả quy mô và chất lượng hoạt động của cơ sở đào tạo của ngành để mở rộng nhiều chương trình, cấp độ đào tạo theo hướng đa ngành, đa cấp, đặc biệt là phải chủ động đào tạo trình độ đại học, sau đại học mang tính chuyên ngành để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành. Chính vì vậy, việc phát triển Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trực thuộc VKSND tối cao là một yêu cầu cấp thiết.
Chủ trương nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao rất quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện. Ngày 05 tháng 5 năm 2009, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Quyết định số 05/QĐ-VKSTC-V9 về việc giao Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát chủ trì phối hợp cùng các đơn vị: Phân hiệu Trường tại Tp. Hồ Chí Minh, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Khoa học kiểm sát, Vụ kế hoạch - Tài chính VKSNDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Học viện Kiểm sát. Ngày 19/5/2009, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCSĐ trong đó đề ra một số các chủ trương và nhiệm vụ cụ thể trong đó có nội dung: "... Xúc tiến việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành Học viện Kiểm sát ..”
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo VKSNDTC, từ năm 2009, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Học viện Kiểm sát và báo cáo Lãnh đạo VKSNDTC. Việc nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Học viện Kiểm sát của Nhà trường đã cung cấp những luận cứ khoa học, những thông tin cần thiết để Lãnh đạo VKSNDTC có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cho phép về chủ trương ngành Kiểm sát được thành lập trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành.
Cuối năm 2011, Tòa nhà giảng đường 4 tầng, hạng mục đầu tiên trong Dự án cải tạo, mở rộng trụ sở Trường đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
Để kiểm tra công tác đào tạo cán bộ kiểm sát của ngành Kiểm sát, ngày 10 tháng 10 năm 2011, đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị với Chủ tịch nước cho phép nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát thành Học viện Kiểm sát để đào tạo ở trình độ đại học cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát, đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong Ngành.
Đề nghị của VKSND tối cao sau đó đã nhận được sự chấp thuận về chủ trương của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được thể hiện ở các văn bản:
- Thông báo Kết luận số 03-TB/CCTP ngày 29/12/2011 của đồng chí Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với việc đào tạo trình độ cử nhân. Trong đó nêu rõ: “Cần phải căn cứ vào tiêu chỉ do Nhà nước quy định. Nếu đủ điều kiện thì xây dựng đề án trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.
- Văn bản số 666/VPCP-KGVX ngày 07/02/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chỉ rõ: “Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lập Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo đại học, có tờ trình Thủ tướng Chỉnh phủ về việc này”
- Văn bản số 729/BGDĐT-KHTC ngày 20/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất và ủng hộ chủ trương thành lập Học viện Kiểm sát trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để đào tạo tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát và góp phần thực hiện công cuộc cải cách tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
- Văn bản số 1786/UBND-SNV ngày 15/3/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương thành lập cơ sở đào tạo Trường Đại học Kiểm sát (Học viện Kiểm sát) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau khi chính thức trình Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đề xuất của Nhà trường, lãnh đạo VKSND tối cao đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu đề nghị thành lập cơ sở đào tạo của ngành với tên gọi là "Trường Đại học" để thay tên gọi "Học viện" trong Đề án cho phù hợp với hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học, sau đại học sau này. Tiếp thu ý kiến góp ý của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trường đã được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Sau khi khẩn trương thẩm định nội bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thành lập Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ngày 22/5/2012, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 676/TTg- KGVX về việc đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trực thuộc VKSND tối cao và đề nghị VKSND tối cao triển khai dự án đầu tư thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu, đội ngũ giảng viên, đồng thời hoàn thiện Đề án khả thi “Thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội” trên cơ sở Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát Hà Nội trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thẩm định. Viện trưởng VKSNDTC đã phân công đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động chuẩn bị thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và chỉ đạo việc tăng cường biên chế, bổ sung cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho Trường; tăng cường đầu tư kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tài liệu, giáo trình phục vụ học tập và giảng dạy.
Tháng 6/2012, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã hoàn thiện Đề án khả thi thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trình lãnh đạo VKSND tối cao. Ngày 23/8/2012 VKSND tối cao đã có văn bản trình Bộ Giáo dục và Đào tạo Đề án khả thi thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đầu năm 2013, quá trình triển khai thực hiện để đáp ứng được các điều kiện cho việc thành lập trường đại học đã thu được những kết quả tích cực. Để đáp ứng điều kiện thành lập một trường đại học thì cần một diện tích tương đối lớn. Trong khi đó, cơ sở chính là trụ sở của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát Hà Nội tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội chỉ có diện tích khoảng 1,3 ha. Để đáp ứng yêu cầu về diện tích của một trường đại học, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, chỉ trong 21 ngày Trường đã thực hiện xong các thủ tục xin cấp đất tại cơ sở. Ngày 23/8/2012, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản số 6556/UBND-QHXDGT đồng ý về địa điểm quy hoạch xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội với tổng diện tích 12,2 ha.
Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là một sự kiện lớn, quan trọng nên đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhưng trong điều kiện nước ta đã có các cơ sở đào tạo đại học luật, như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội... và đã có Học viện Tư pháp để đào tạo các chức danh tư pháp nên đã có những ý kiến phản biện trái chiều của một số Bộ, Ban, Ngành. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 116/TB-TW đồng ý chủ trương cho ngành Kiểm sát nhân dân được đào tạo tình độ đại học, sau đại học chuyên ngành và đào tạo Kiểm sát viên để chủ động tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề án tiền khả thi thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, ngày 03/02/2013, trải qua các thủ tục thẩm định theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành và trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập.
Quyết định số 614/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ngày 25/5/2013, VKSND tối cao tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Quyết định bổ nhiệm các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường. Buổi lễ vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan và tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao.
Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là một sự kiện quan trọng, là sự mong mỏi của các thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đây là một sự kiện trọng đại, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển Nhà trường, là giai đoạn Nhà trường được tổ chức đào tạo đại học, sau đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, đây cũng là một giai đoạn với nhiều thách thức trong việc tổ chức, triển khai công tác đào tạo đại học, một nhiệm vụ mới và lần đầu tiên thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường.
5. Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội từ năm 2013 đến nay
Ngay sau khi Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập, ngày 25/5/2013, VKSND tối cao đã phê duyệt tổ chức bộ máy của Nhà trường, quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng của Nhà trường. Đồng chí Phạm Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng; các đồng chí Nguyễn Quốc Việt và đồng chí Vũ Thị Hồng Vân được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường gồm 13 đơn vị (7 khoa, 5 phòng và 01 trung tâm).
Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà trường, ngày 14/6/2013, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết đinh số 246/QĐ-VKSTC-ĐHKS ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ngày 01/7/2013, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký các quyết định bổ nhiệm các đồng chí giữ các chức vụ Trưởng, Phó các phòng, khoa; Giám đốc, Phó Giám đốc trung tâm của Nhà trường.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã khẩn trương thực hiện các thủ tục xin mở mã ngành đào tạo chuyên ngành luật, xin phép đào tạo đại học cũng như xin chỉ tiêu để thực hiện đào tạo bậc đại học ngay trong năm 2013.
Năm 2013, Trường tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển được 220 sinh viên. Năm 2014, Trường tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng và đã tuyển được hơn 300 sinh viên có chất lượng cao.
Sau 02 năm tổ chức đào tạo đại học, đến nay công tác đào tạo, quản lý đào tạo và quản lý sinh viên đã dần đi vào ổn định. Việc giảng dạy bảo đảm đúng kế hoạch; công tác kiểm tra, đánh giá, thi được tổ chức chặt chẽ, khách quan và nghiêm túc theo quy định của pháp luật; việc học tập của sinh viên ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả; công tác quản lý sinh viên được được chú trọng đã tạo ra môi trường thân thiện, lành mạnh trong học tập và sinh hoạt của sinh viên. Trong năm học 2013 - 2014, Trường có 200/500 sinh viên (40% sinh viên) đạt kết quả học tập khá, giỏi.
Cùng với việc đào tạo trình độ đại học cho sinh viên kiểm sát hệ chính quy, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát.
Năm 2013, Trường đã triển khai 18 khóa đào tạo, bồi dưỡng với 1.750 học viên; trong đó có 03 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát với 400 học viên, 15 khóa bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động... với 1.350 học viên.
Năm 2014, Trường đã mở 20 khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.720 học viên; trong đó có 3 khóa Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho 234 học viên; 02 khóa đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự cho 78 học viên (chủ yếu là cán bộ của Cục điều ta VKSND tối cao); 16 khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho 1.408 học viên.
Ngoài việc tổ chức các khóa học tại trường, theo đề nghị của VKSND một số tỉnh, Trường đã phối hợp mở một số khóa bồi dưỡng chuyên sâu tại các VKSND tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc; đây là mô hình bồi dưỡng mới được đánh giá là thành công và hiệu quả. Đặc biệt, cuối năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Trường đã phối hợp với các đơn vị VKSND tối cao mở lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý chỉ đạo điều hành cho các Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong cả nước. Lớp học đã thu được kết quả tốt đẹp.
Cùng với công tác xây dựng chương trình đào tạo, công tác biên soạn giáo trình được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2013 và 2014, Trường đã tổ chức biên soạn 27 đầu giáo trình, đã nghiệm thu, xuất bản được 07 đầu giáo trình; các giáo trình còn lại đang trong quá trình thẩm định. Như vậy, cơ bản công tác giáo trình đào tạo đại học ngành Luật đã hoàn chỉnh ở những môn học bản lề, bắt buộc.
Bên cạnh chú trọng xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình phục vụ đào tạo đại học, Nhà trường còn đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chương trình khung, tài liệu phục vụ các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Trong hai năm 2013 -2014, nhà trường đã xây dựng được 01 chương trình đào tạo về nghiệp vụ điều tra hình sự, 15 chương trình khung và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu.
Về công tác nghiên cứu khoa học, Trong năm 2013 và 2004 Trường đã triển khai nghiên cứu 65 đề tài khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Thực hiện quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 về việc cho phép cơ sở giáo dục đại học được đăng ký và trở thành một tổ chức khoa học và công nghệ, ngày 06/4/2014, trên cơ sở đề nghị của VKSND tối cao, Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ đối với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Kể từ đây, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có tư cách độc lập khi hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Để giới thiệu các kết quả nghiên cứu về khoa học pháp lý, khoa học kiểm sát phục vụ bạn đọc trong và ngoài ngành Kiểm sát, năm 2013, Trường đã chủ động xây dựng hồ sơ xin phép được xuất bản tạp chí khoa học riêng của Trường. Ngày 30/9/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động báo chí in cho Tạp chí Khoa học Kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trường đã hoàn thành thủ tục xin cấp phép con dấu, xây dựng mã số chuẩn quốc tế (ISSN) cho Tạp chí Khoa học Kiểm sát và xuất bản được 05 số Tạp chí. Ngày 07/4/2015, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã họp và đánh giá, quyết định đưa Tạp chí Khoa học Kiểm sát vào danh sách các tạp chí khoa học được tính điểm công trình nghiên cứu khoa học ngành Luật.
Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của nhà trường, Ban truyền thông thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập. Hoạt động của Ban truyền thông đã góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Trường trong hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát và của các bộ, ngành liên quan, năm 2013, Trường đã tổ chức 6 cuộc Hội thảo khoa học quốc tế, năm 2014 tổ chức được 10 cuộc hội thảo khoa học với các đối tác của các nước Pháp, Nhật Bản (JICA), Đức, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sỹ, Liên minh Châu Âu, Chương trình đối tác tư pháp của Liên minh Châu Âu (JPP). Đồng thời, theo kế hoạch của VKSND tối cao, Trường cũng đã cử nhiều cán bộ, giảng viên tham gia các chuyến công tác, hội thảo, hội nghị quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến cải cách tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất của Trường được đẩy mạnh, hệ thống phòng học của Nhà giảng đường 4 tầng đã được đầu tư trang bị những thiết bị hiện đại, như máy chiếu, máy tính, máy điều hòa phục vụ giảng viên và sinh viên. Năm 2012, Trường đã khởi công xây dựng tòa nhà Ký túc xá 11 tầng và năm 2014, khởi công xây dựng tòa nhà Hành chính 9 tầng. Hệ thống giảng đường, nhà hành chính, nhà ký túc xá mới được xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho khoảng hơn 2.000 học viên, sinh viên.
Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, phải thực hiện những nhiệm vụ mới và khối lượng công việc lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Ban Cán sự, Lãnh đạo VKSND tối cao, sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị VKSND tối cao, của các VKSND địa phương và của các đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan, sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ban Giám hiệu luôn đề cao tính chủ động, sáng tạo của các khoa chuyên môn, của đội ngũ giảng viên; ban hành những chế độ chính sách ưu tiên đối với đội ngũ giảng viên; tạo mọi điều kiện để giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức thực tiễn. Chính vì vậy, sau một năm tổ chức đào tạo đại học, các môn học hầu hết đã được các khoa chuyên môn phân công giảng viên đảm nhận, tạo ra sự chủ động trong quá trình tổ chức giảng dạy.
Tóm lại, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Tuyệt đại đa số cán bộ ngành Kiểm sát được đào tạo từ mái trường này. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần đào tạo được một đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đông đảo, có năng lực và trình độ, từng bước đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng, yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Sự lớn mạnh, uy tín, vị thế và những kết quả to lớn trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm qua có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành, năm 1984, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 1990, Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2010, Trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là những phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Trường trong 45 năm qua.