Theo TS Đàm Quang Minh, việc tăng học phí cần có lộ trình hợp lý, cân đối cho phù hợp giữa các khu vực, vùng miền, căn cứ tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, học phí bậc đại học tăng 12,5%, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5%, áp dụng ngay từ năm học tới.
Học sinh tiểu học công lập, trẻ học mầm non sẽ không đóng học phí và được miễn học phí. Ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù học phí của 2 đối tượng này.
Dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng quy định cụ thể các đối tượng được miễn, giảm học phí theo các quy định của Chính phủ. Trong đó, bậc tiểu học không phải đóng học phí.
Học phí mầm non, phổ thông đều tăng theo đề xuất mới của Bộ GD&ĐT.
Thời điểm không thích hợp
TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng dự thảo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là cần thiết. Nó sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP sắp hết hiệu lực.
Ông đánh giá một số điểm mới đã được đưa vào dự thảo như chia giáo dục đại học thành nhiều nhóm hơn trước, xác định cấp độ để thiết lập mức học phí.
Tuy nhiên, theo ông, dự thảo này cũng cho thấy tư duy tuyến tính trong lộ trình nâng học phí hướng đến "bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025".
“Từ năm 1991 đến nay, nước ta có nhiều thử nghiệm nhưng chưa ai tính được chi phí đào tạo. Vì vậy, người đọc có quyền nghi ngờ về kết quả của 'nhóm nghiên cứu của đại học quốc gia' đưa ra”, ông Phương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông cho rằng còn có tư duy dàn đều trong việc này. Các ngành có sức hút cao như kinh tế, quản trị kinh doanh nên để trường thu học phí cao thay vì dàn đều.
Một điều khiến ông Phương quan tâm là dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, kinh tế đang bị ảnh hưởng, việc tăng lương cũng bị hoãn lại tới sau 2021, vì thế, nên xem xét thời điểm tăng học phí cho phù hợp.
Cần xây dựng lộ trình tăng học phí hợp lý
TS Đàm Quang Minh nhận định Việt Nam là một trong những nước chi ngân sách cho giáo dục ở mức khá (20% ngân sách chi thường xuyên).
Mức học phí phổ thông hiện nay, theo TS Minh đánh giá là khá thấp đối với khu vực thành thị nhưng lại tương đối cao đối với khu vực nông thôn. Do đó, nếu tăng học phí, ông cho rằng nên có lộ trình hợp lý, cân đối phù hợp giữa các khu vực, vùng miền, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng tỉnh.
Với mức tăng học phí của đại học, TS Minh cho rằng các trường được tự chủ, do đó có thể tự đưa ra mức tăng phù hợp.
Tương tự, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), nêu quan điểm việc tăng học phí đại học không phải là vấn đề tiêu cực, nên xem học phí đại học là một khoản đầu tư cơ hội.
Theo ông, việc tăng học phí đại học cũng là cách để phân luồng học sinh. Ai có thể chi trả mức học phí thì học đại học. Nếu không, học sinh vẫn có cơ hội chọn giáo dục nghề nghiệp với nhiều ưu đãi và cơ hội việc làm mà xã hội đang cần.
Không bình luận về mức tăng học phí cấp phổ thông nhưng TS Vinh cho rằng Bộ GD&ĐT nên đề xuất lại thời điểm áp dụng lộ trình tăng học phí. Tình hình kinh tế khó khăn, các yếu tố như dịch Covid-19, thiên tai triền miên ở miền Trung ảnh hưởng đời sống người dân. Nếu áp dụng tăng học phí ngay từ năm sau, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn.
Theo Zing News