Các địa phương tăng tốc công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia

Các nhà trường đã chủ động lên kế hoạch tới từng giáo viên chủ nhiệm và các bộ môn để có kế hoạch triển khai ôn tập cho học sinh tốt nhất.

Về phía Sở GD&ĐT, công tác chuẩn bị cho kỳ thi vẫn đang được gấp rút triển khai với sự tham dự của nhiều lực lượng. Nhiều địa phương đã đặc biệt chú trọng đến tập huấn cho cán bộ làm thi.

Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến các vùng dân tộc ít người

Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tổ chức Tập huấn thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 cho nhiều lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục.

Tại buổi tập huấn, đại diện Phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục và Phòng Giáo dục chuyên nghiệp & Giáo dục thường xuyên triển khai hướng dẫn quy chế thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và quy trình đăng kí dự thi THPT quốc gia năm 2016 tới các đơn vị, đồng thời trao đổi kĩ các nội dung về những điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Kỳ thi có sự tham gia của nhiều lực lượng nên việc tập huấn để các đơn vị có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu kĩ tài liệu, các nội dung chỉ đạo, triển khai kế hoạch là cần thiết.

Với các nhà trường trong ngành Giáo dục, việc tập huấn còn là nhắc nhở để các trường hướng dẫn tới học sinh lớp 12, thí sinh tự do và phụ huynh các nội dung liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 phải nghiêm túc tuân thủ các chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, cũng như việc thực hiện đúng các Quy chế của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Nói về việc này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Liên Oanh nhấn mạnh: Quảng Ninh là một Việt Nam thu nhỏ, địa bàn tỉnh có vùng kinh tế xã hội phát triển nhưng cũng có núi cao, hải đảo, vùng dân tộc khó khăn, thế nên quan điểm chúng tôi là làm kỹ, tránh tuyệt đối không để phải sửa sai.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT ở các vùng miền, phải nắm rõ tâm tư tình cảm của học sinh, có phân tích tư vấn hướng nghiệp cho các em đầy đủ.

Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tư vấn hướng nghiệp cho những học sinh dân tộc ở các huyện miền Đông. Khu vực hải đảo và vùng núi cao, dân tộc ít người cần chủ động có những đề xuất, hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tham dự kỳ thi.

Hà Nội: Chi tiết đến từng nhà trường

Đến thời điểm này, các nhà trường ở Hà Nội cũng tích cực vào cuộc. Theo thầy Đặng Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), nhà trường xác định, do đầu vào của học sinh trường mình khá cao nên việc ôn tập khá nhẹ nhàng vì thực tế là lực học của các em tốt, đích hướng đến là các trường đại học chứ không chỉ là thi tốt nghiệp THPT.

Qua khảo sát, năm ngoái, trường này có 76,28% học sinh đỗ vào ĐH nguyện vọng 1, khoảng 91% học sinh trên điểm sàn. Năm nay, khảo sát ban đầu cho thấy, trường có 100% học sinh xét tuyển vào đại học.

Hiện nay, học sinh của trường được ôn tập theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa chứ chúng tôi không tổ chức lớp ôn tập trung ngoài giờ học.

Kết thúc chương trình chính khóa vào cuối học kỳ II này, chúng tôi dự kiến sẽ bàn với phụ huynh và học sinh để tổ chức ôn thi trong vòng 3 - 4 tuần cho các em theo cách thi môn nào, ôn môn đấy, không ôn đại trà.

Còn thầy Phạm Vương Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) - cho biết: Việc ôn tập và định hướng cho học sinh lớp 12 là việc làm thường niên, việc ôn thi được chia đều thành các dạng trong cả năm, không chỉ dồn vào trong 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, với học sinh kém, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập bắt buộc.

Thời điểm kết thúc chương trình học kỳ II và có kết quả học tập cuối năm, nhà trường sẽ tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh phối hợp về thời gian và động viên học sinh tham dự các lớp ôn tập này. Giáo viên được động viên tham gia các lớp ôn tập này cho học sinh, chúng tôi không yêu cầu các em đóng bất cứ khoản tiền gì.

Được biết, đến thời điểm này, chưa kết thúc học kì II nhưng nhiều trường THPT của Hà Nội đã tổ chức thăm dò nguyện vọng dự thi của học sinh lớp 12.

Số liệu thống kê học sinh lớp 12 đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 cho thấy, lượng thí sinh thi môn Lịch sử để xét tuyển đại học 2016 chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Trước đó, nhiều lãnh đạo trường THPT trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, qua khảo sát học sinh đăng ký môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016, có rất ít em lựa chọn môn Lịch sử.

Ở THPT Ứng Hòa A có 9 học sinh, THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có khoảng 70 em, THPT Ba Vì có 60 trong số 520 học sinh, THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) có 56 trên 595 học sinh... đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Đặc biệt, Trường Lương Thế Vinh, THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm), THPT Sóc Sơn, THPT Wellspring không có thí sinh nào chọn thi môn học này.

Sở GD&ĐT Hà Nội công bố thống kê học sinh lớp 12 đăng ký dự thi các môn và mục đích dự thi THPT quốc gia năm 2016. Năm nay thành phố có hơn 66.000 thí sinh lớp 12 dự thi. 23% trong số đó (14.710 em) sẽ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. 77% còn lại (51.290 em) đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Nhóm chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT, số lượng đăng ký dự thi ở từng môn lần lượt là: Ngữ văn 14.710 thí sinh; Lịch sử 2.540; Địa lý 12.250; Vật lý 1.560; Hóa học 1.560; Sinh học 1.550 và Ngoại ngữ 9.950.

Nhóm đăng ký tham dự Kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ có môn được lựa chọn ít nhất là Lịch sử, trong khi ở nhóm chỉ thi để xét tốt nghiệp, các môn này là Lý, Hóa, Sinh.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cac-dia-phuong-tang-toc-cong-tac-chuan-bi-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-1790224-b.html