Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học vừa cho biết tỷ lệ thí sinh ảo trong xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2022 sẽ thấp, không cao giống năm trước.
Ông Nghệ đưa ra nhận xét trên trong hội nghị tập huấn nghiệp vụ xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2022 do Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) tổ chức tại Đà Nẵng (ngày 25-29.8). Hơn 350 đại biểu của gần 80 trường ĐH, CĐ trên cả nước tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được tập huấn, giới thiệu hệ thống cơ sở dữ liệu thí sinh, hướng dẫn tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống lọc ảo và thảo luận các nội dung liên quan đến phần mềm xét tuyển, lọc ảo, kinh nghiệm triển khai tại các đơn vị trường học.
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết trong quá trình “chạy” thực tế, một số vấn đề liên quan đến phần mềm tuyển sinh sẽ được Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tiếp tục hoàn thiện yếu tố kỹ thuật ở mức “tốt nhất có thể”.
“Năm nay, để chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh thì quy chế xét tuyển có nhiều điểm thay đổi về kỹ thuật với nhiều điểm được điều chỉnh tích cực. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho các đơn vị đào tạo, tạo công bằng cho các thí sinh, ở các bước đăng ký xét tuyển vào ĐH, đăng ký các nguyện vọng, các phương thức, tổ hợp...”, ông Nghệ nói.
Bộ GD-ĐT cho biết tỷ lệ thí sinh ảo năm 2022 sẽ thấp
Về con số hơn 600.000 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số gần 950.000 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT, ông Nghệ cho biết hệ thống đăng nhập không có bất kỳ điểm ách tắc nào và dù Bộ GD-ĐT đã linh động mở chức năng đăng ký xét tuyển đến hết 17 giờ ngày 23.8 nhưng con số đăng nhập không tăng thêm là bao.
“Như vậy, có hơn 300.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Nhiều ý kiến cho rằng con số thí sinh đăng ký xét tuyển không nhập nguyện vọng là điều bất thường. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là nhóm thí sinh chủ động không đăng ký với nhiều lý do như không đủ điều kiện, hoặc thí sinh còn có lựa chọn khác, có nguyện vọng khác ở ngoài nước, tham gia vào thị trường lao động, chọn giáo dục hướng nghiệp… Vì vậy, tỷ lệ thí sinh ảo sẽ thấp chứ không như năm ngoái”, ông Nghệ nói.
Từ ngày mai 27.8, các đại biểu tham gia hội nghị sẽ tiếp tục thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc với cơ sở dữ liệu giả lập, thực hành chức năng phần mềm trên hệ thống thi tuyển sinh.
Các thông tin được giả lập gồm ngưỡng đảm bảo chất lượng, bổ sung tiêu chí phụ, nhập điểm năng khiếu, điểm khuyến khích, điểm chứng chỉ ngoại ngữ, điểm tiêu chí phụ ngoại ngữ (nếu có), thí sinh tuyển thẳng, thí sinh trúng tuyển xét kết quả học tập trung học phổ thông đã xác nhận nhập học...
Bộ GD-ĐT cũng giả lập ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo sư phạm trình độ ĐH, trình độ CĐ và các ngành đào tạo trình độ ĐH thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các góp ý, vướng mắc trong quá trình thực hành xét tuyển sẽ được đề xuất để đại diện kỹ thuật của Tập đoàn Viettel kịp thời xử lý, giải quyết.
> Bộ Giáo dục lên tiếng về lỗi nộp lệ phí xét tuyển đại học
> Bộ GD-ĐT thông báo điều chỉnh lịch và phân luồng tỉnh thành nộp lệ phí xét tuyển đại học 2022
Theo Báo Thanh Niên