Giáo dục, đáp án đề thi đại học, điểm thi đại học 2013, điểm chuẩn đại học
254 thí sinh đình chỉ thi
Tại buổi họp báo tổng kết kỳ thi tuyển sinh đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, cả hai đợt thi, toàn quốc có 258 trường đại học tổ chức thi, tổng số thí sinh dự thi là 1.673.628, số thí sinh đến dự là 1.298.522, đạt tỷ lệ 77,60%, giảm 0,70% so với năm 2012 (78,3%).
Trong cả 2 đợt thi đại học năm 2013, cả nước 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ 254 em; có 6 thí sinh đến muộn không được dự thi. 10 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật trong đó khiển trách 7, đình chỉ 3.
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, ở hai đợt thi có hai trường hợp thi hộ tại Trường Học viện An ninh Nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa cháy.
“Hiện nay, PA83 đang vào cuộc điều tra, xác định rõ hai trường hợp này. Theo quy định, người thi hộ và người được thi hộ bị cấm thi 2 năm”, ông Khôi nói thêm.
Công bố điểm sàn trước ngày 10/08.
Trả lời báo giới về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, các trường sẽ hoàn tất việc chấm thi trước ngày 31/07 gửi lên Bộ. Dựa trên cơ sở kết quả các trường, hội đồng điểm sàn sẽ họp bàn phân tích, xây dựng phương án điểm sàn và sẽ công bố điểm sàn chính thức trước ngày 10/08.
Theo Thứ trưởng Ga thì tổng chỉ tiêu vào đại học cao đẳng năm 2013 về cơ bản là tương đương, khoảng 605.000 thí sinh trên tổng số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi. Và theo lộ trình của Bộ GD, phương án thi “ba chung” sẽ tiếp tục thực hiện đến năm 2015. Bởi theo Thứ trưởng Bộ GD thì thay đổi lớn về tuyển sinh sẽ sau năm 2015 để có sự chuẩn bị.
Tra cứu điểm thi đại học 2013 tại đây: https://kenhtuyensinh.vn/tra-cuu-diem-thi-thpt-quoc-gia
Đề thi không đánh đố thí sinh
Đánh giá chung về đề thi đại học năm nay, đại diện lãnh đạo Bộ GD nhận định: Đề thi không có sai sót, có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, bám sát kiến thức đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ học sinh, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.
Đặc biệt, đề thi Địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khát quát biển Đông, vấn đề an ninh tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo, sử dụng khai thác tài nguyên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá: “Yêu cầu của đề thi là không đánh đố thí sinh, nội dung nằm trong chương trình phổ thông, đề không quá dài, không quá khó mà phải có tính phân loại cao. Đề các môn xã hội được ra dưới dạng mở. Nhìn chung đề thi không sai sót về nội dung và hình thức, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu”.
Năm nay, sự thay đổi thứ tự môn thi khối D để tránh việc thí sinh phải thi hai môn tự luận trong cùng một ngày. Theo đánh giá của Bộ GD, việc đó giúp giảm bớt sự căng thẳng, tâm lý mệt mỏi, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh dự thi.
Theo Soha