"Cần đưa trận đánh Gạc Ma vào sách giáo khoa"Thầy Trần Trung Hiếu (bên phải) - giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An).

Là giáo viên dạy Lịch sử trường phổ thông, ông có suy nghĩ, trăn trở gì khi nội dung giáo dục về cuộc chiến tranh Biên giới 1979 trong SGK hiện hành chỉ gói gọn trong 11 dòng, thậm chí có những cuộc chiến trên biển đảo còn không được nhắc tới?

Thầy Trần Trung Hiếu: Trước tiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, SGK Lịch sử phổ thông hiện hành đã có nhiều bất cập về cả hình thức trình bày, cấu trúc nội dung và kiến thức lịch sử. Do nhiều nguyên nhân mang tính lịch sử, dù các chuyên gia biên soạn đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn không trách được những thiếu sót mà ngay chính họ cũng không muốn như thế!

Sự thiếu sót những kiến thức cơ bản đó trong SGK hiện hành vì bất cứ lý do gì, đó là một điều không chấp nhận được. Sự thật lịch sử mãi là sự thật và nó diễn ra theo đúng quy luật khách quan, dù có không muốn thì nó vẫn xảy ra. Đừng vì những lý do theo kiểu “tế nhị”, “nhạy cảm” khi nhắc đến quan hệ Việt - Trung để làm SGK môn Sử trở nên phản ánh chưa đúng, chưa đủ, chưa khách quan.

Tại sao khi nói đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), chống đế quốc Mỹ (1954-1955), SGK lại trình bày rất chi tiết, đầy đủ, còn khi nói đến các cuộc kháng chiến chống các vương triều phong kiến Trung Quốc (trong SGK Lịch sử lớp 10), SGK khi đặt tên mục bài chỉ nói chung chung là “bắc thuộc”, “phương Bắc”.

SGK Lịch sử lớp 12 phần giai đoạn cuối của kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến nay đều nói quá sơ sài, phiến diện, không dám nói đến cụm từ “quân đội Trung Quốc xâm lược”, không chỉ âm mưu và ra bản chất của cuộc chiến tranh đó là “xâm lược”, là “bành trướng bá quyền”.

Thực ra, trong vòng khoảng 10 năm (trước khi Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố bình thường hóa quan hệ), nhiều sự kiện liên quan đến Trung Quốc và chiến tranh biên giới được nhắc đến trong SGK và các phương tiện truyền thông. Từ cuối năm 1990 đến nay, người ta đã cố tình “quên” và không muốn nhắc đến sự kiện này với lý do “gác lại quá khứ” vì “đại cục”!


"Cần đưa trận đánh Gạc Ma vào sách giáo khoa"Thầy Hiếu cho rằng: Phương châm của tôi khi dạy Sử cho học trò của mình là không phải dạy những gì mà mình có, mà dạy những gì học trò muốn nghe, muốn biết và cần thiết.

Hoc sinh phổ thông bây giờ không còn giống học sinh ngày xưa, không thể áp đặt thông tin một chiều theo kiểu lúc nào lặp đi lặp lại cái điệp khúc “ta thắng, địch thua”, “ta đúng, địch sai”. Chủ nghĩa tư bản thì xấu xa, chủ nghĩa xã hội luôn tốt đẹp và ưu việt.

SGK thì né tránh, còn internet thì không. Càng che đậy, giấu diếm càng khơi dậy sự tò mò và sự hoài nghi. Các em học sinh sẽ tin ai, khi SGK và các phương tiện truyền thông chính thống không đề cập, trong lúc các em có thể cập nhập từng phút trên điện thoại, máy tính trên nhiều nguồn thông tin khác...

Chúng ta cần nên phân biệt rạch ròi rằng: nhắc lại quá khứ dù bi thương hay oai hùng là không phải khơi dậy tư tưởng thù hằn dân tộc, khơi sâu vết thương lòng cho thế hệ trẻ. Học trò cần biết để rèn luyện tư duy khoa học tôn trọng sự thật lịch sử, biết giá trị về hòa bình, độc lập của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát. Biết để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, từ đó giúp các em có thái độ, cách hành xử đúng đắn hơn, nhân văn hơn về lịch sử trong học tập và cuộc sống.

Bản thân thầy khi dạy đến kiến thức này có tư tưởng né tránh hoặc chỉ dạy lướt qua, đảm bảo đủ nội dung, chương trình mà SGK đã cung cấp hay không?

Hơn 20 năm công tác, tôi đã từng được dạy qua 2 bộ chương trình và nội dung SGK. Dù có những đổi mới, bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tái bản, nhưng chương trình và SGK hiện hành vẫn luôn né tránh nhiều sự kiện liên quan đến Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam (hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974; chiến tranh biên giới Tây-Nam 1975-1978; chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1989; sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988...).

Nhắc đến các sự kiện và kiến thức như thế, tôi không hề né tránh mà cần nói rõ bản chất các sự kiện đó cho học trò của mình. Tôi cho rằng, nếu né tránh những sự thật đó, tức là mình đã không hoàn thành trách nhiệm của một giáo viên Sử và cao hơn nữa, đó là như cảm thấy mình có tội trước lịch sử, trước các bậc tiền nhân và hậu thế!

Phương châm của tôi khi dạy Sử cho học trò của mình là không phải dạy những gì mà mình có, mà dạy những gì học trò muốn nghe, muốn biết và cần thiết.

Nếu không thầy và các đồng nghiệp có cách nào để học sinh hiểu về lịch sử nói chung? Cuộc chiến tranh biên giới 1979 nói riêng ở cái nhìn khách quan, trung thực nhất?

Khi nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, thực chất nó không nằm vỏn vẹn trong thời gian 1 tháng trong năm 1979, mà sau khi quân đội xâm lược Trung Quốc rút về nước, diễn biến của cuộc chiến tranh này còn kéo dài dai dẳng đến hết năm 1989.

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là một cuộc chiến tranh xâm lược năm mưu đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc là bành trướng Đại hán và bá quyền nước lớn. Song hành với các hành động bằng vũ lực xâm lược, bắn phá, tàn phá, chúng còn gây nên nhiều vụ thảm sát bộ đội và đồng bào ta ở nhiều tỉnh biên giới Việt - Trung. Chúng ta cần có một cách nhìn nhận lại, đáng giá lại một số sự thật làm cho sự kiện đó khách quan, trung thực và tôn trọng sự thật lịch sử, hãy sòng phẳng với lịch sử.

Và sự đón nhận của học sinh với các phương pháp đó của người thầy ra sao, thưa ông?

Tôi xin khẳng định rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà học sinh bây giờ không chán Sử. Học sinh có thể không chọn Sử là môn thi nhưng có nghĩa là không thích học Sử và tìm hiểu những bí ẩn của lịch sử. Xét về trách nhiệm, mỗi giáo viên dạy Lịch sử cứ đến tiết học lịch sử mà để để học trò chán Sử, không tập trung chú ý nghe lời giảng của thầy, lỗi đó và trách nhiệm đó đầu tiên thuộc về giáo viên.

Kiến thức trong SGK có thể còn khô cứng, thiếu sót và thường bị áp đặt bởi “chính trị hóa Lịch sử”, nhưng giáo viên chủ động hoàn toàn bài giảng, có vốn kiến thức phong phú và đặc biệt là kỹ năng, phương pháp truyền thụ nhuần nhuyễn, sinh động. Giáo viên Sử hãy tôn trọng kiến thức và nhận thức của học sinh, và các em sẽ vô cùng hứng thú, tập trung học với những tiết học như thế.

Khi quyết định phải nói cho rõ Lịch sử với học sinh, thầy có lo ngại rằng mình đã đi quá giới hạn được phép dạy ở trường phổ thông?

“Nguyên tắc vàng” của khoa lịch sử là tái hiện lại quá khứ của nó. Tôi không bao giờ xuyên tạc, bôi đen và bóp méo lịch sử. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, tôi luôn cố gắng đọc, xem, nghe và cập nhật những kiến thức có thể không mới nhưng cách tiếp cận mới và phương pháp giáo dục mới phù hợp với các đối tượng học sinh phổ thông.

Ngành GD&ĐT đang triển khai “đổi mới toàn diện và đồng bộ” từ nội dung, chương trình SGK, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... Theo quan điểm của cá nhân tôi, dù chương trình và nội dung như thế nào thì vai trò của người thầy chính là nhân tốt quyết định đến chất lượng dạy học. Học sinh ngày nay, nếu cứ đến tiết học Sử mà thầy cô cứ “thủy chung” với phương pháp “đọc -chép”, giáo án và SGK như thế nào thì bắt học sinh phải học thuộc lòng như thế, học sinh không chán Sử mới là chuyện lạ!

Tới thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xem xét đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào chương trình và SGK mới. Theo thầy, cần phải đưa những nội dung này vào sách như thế nào cho hợp lý?

Trong SGK Lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam thì nói quá sơ sài, còn vấn đề về chủ quyền và và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... lại không hề có 1 dòng!

Thứ nhất, trước mắt tôi chỉ mới biết Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời với báo chí xem xét đưa nội dung đó vào SGK mới, còn đưa như thế nào, mức độ nào thì có lẽ chúng ta phải chờ Bộ trả lời bằng văn bản. Nói thì rồi, còn làm thì phải chờ!

Theo ý kiến, quan điểm của cá nhân tôi, đây là một công việc hết sức nghiêm túc và khoa học. Bộ cần có những sự phối hợp và tham vấn rộng rãi các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng các giáo viên Sử cốt cán để triển khai sự bổ sung, chỉnh sửa này một cách cầu thị và cẩn trọng.

Thứ hai, phần kiến thức về lịch sử Việt Nam sau năm 1975 phải cấu trúc lại chương, bài, tiểu mục, bỏ bớt nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu tỉ mỉ, vụn vặt không cơ bản và cần thiết. Còn việc thay đổi cấu trúc, nội dung sách giáo khoa Lịch sử như thế nào liên quan đến những vấn đề trên, cụ thể như thế nào thì bây giờ vẫn là quá sớm vì Bộ GD&ĐT chưa công bố lại Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, sau đó mới cụ thể hóa trong chương trình cụ thể của từng bộ môn.

Theo ý kiến của tôi, những kiến thức về đấu tranh xác lập và bảo về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... và các chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược phải được cấu trúc thành 1 chương chứ không phải chỉ dừng lại 1 tiểu mục chỉ có 11 dòng, hoặc không hề nói như SGK hiện hành.

Trong khi chờ đợi những sự đổi mới tổng thể, cá nhân thầy đã và sẽ có đổi mới gì trong cách dạy môn Lịch sử để đưa các kiến thức về chủ quyền biển đảo, chiến tranh biên giới đến với học sinh một cách khách quan nhất?

Quan điểm khi đi dạy môn Sử của tôi đối với học trò là: Học Sử để làm gì? Học cái gì và sau đó mới là học như thế nào? Tôi cho rằng hình như, trong quan hệ đối với Trung Quốc, bây giờ chúng ta đang ngẫm thấy câu thành ngữ mà cha ông đã đúc kết là đúng “Mất bò mới đo làm chuồng”!

Rất tiếc, khi lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi Trung Quốc, chúng ta mới bận tâm đến vấn đề này. Trong nhiều năm qua, khi giảng dạy những kiến thức liên quan đến vấn đề này, những phần nào, giai đoạn nào, kiến thức cơ bản nào mà SGK “quên” không nói tới, tôi sẽ dạy, nhưng dạy một cách linh hoạt theo kiểu lồng ghép kiến thức có liên quan.

Thưa thầy, nếu đưa những kiến thức vào SGK mới, chúng ta có sợ “quá tải” cho học sinh không?

Tôi nhắc lại, đây là công việc thật sự nghiêm túc và khoa học. Để có 1 cuốn SGK ra đời và đưa vào sử dụng cần cả một quá trình biên soạn và thẩm định của nhiều hội đồng khoa học trong khá nhiều thời gian. Vì vậy, việc bổ sung kiến thức này vào chương trình hoàn toàn chúng ta không phải lo đến chuyện “quá tải”. Thêm những kiến thức cơ bản, trọng tâm và bỏ những kiến thức vụn vặt, thêm kênh hình, bớt kênh chữ để học sinh thấy hứng thú học, thầy cũng hứng thú dạy thì việc đó không có gì là “quá tải”.

Bộ GD&ĐT đã “giảm tải” (bỏ các kiến thức về chủ quyền biển đảo và chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược), bây giờ phải “tăng tải” nhưng sẽ không “quá tải”. Làm được như thế, đó sẽ là một trong những giải pháp căn cơ để từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn Sử, sẽ làm cho học trò thích Sử và thầy cũng thấy hứng thú dạy Sử hơn, làm cho lịch sử diễn ra khách quan hơn, trung thực hơn và hấp dẫn hơn.

Xin cảm ơn thầy!



Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/can-dua-tran-danh-gac-ma-vao-sach-giao-khoa-20160314095827549.htm