>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Hiệu ứng đô - mi - nô này đang diễn ra ở các trường đại học khiến thí sinh và phụ huynh phải “vắt chân lên cổ” để chạy bởi thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 chỉ còn có 2 ngày nữa là kết thúc.

Tuyển sinh 2015: Hôm qua đậu, nay rớt…

Chiều 18/8, tại ĐH Công nghiệp TPHCM, trong bộ dạng mặt mày phờ phạc, đầu tóc rối ren, thí sinh Nguyễn Thị Hậu cùng mẹ là bà Lê Thị Quỳnh (quê Đồng Nai) tỏ ra mệt mỏi sau hơn 1 giờ đồng hồ chờ rút hồ sơ. Hậu thi được 18 điểm, đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh, Marketing và Tài chính ngân hàng. “Tối Chủ nhật (ngày 16/8) em xem điểm thì biết mình đã bị rớt hai ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, còn ngành Tài chính ngân hàng lấy 17,5 điểm. Vậy mà tối thứ Hai vào xem lại thì ngành Tài chính ngân hàng lấy 18,25 điểm nên em cũng rớt luôn”, Hậu kể.

Ngay khi biết không còn cơ hội, sáng 18/8, hai mẹ con Hậu bắt xe từ Đồng Nai lên TPHCM để rút hồ sơ tìm trường khác nộp vào. Đến bến xe Miền Đông lúc gần 9 giờ sáng nhưng do đi nhầm xe buýt nên phải gần 11 giờ, hai mẹ con Hậu mới tới trường ĐH Công nghiệp TPHCM. “Tránh mất công rút ra nộp vào lần nữa, giờ rút hồ sơ xong, em nộp qua CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM cho chắc ăn, còn trường tư thì học phí cao, gia đình kham không nổi”, Hậu nói.

Tương tự, bà Lê Thị Hiền (quê ở Tiền Giang) cũng dắt con là Phạm Thị Minh Tú bắt xe từ 2 giờ sáng để lên trường ĐH Kinh tế TPHCM rút hồ sơ sau đó qua nộp ở trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Tú thi được 23 điểm, nộp hồ sơ vào trường này từ ngày 10/8. Thế nhưng, đến ngày 17/8, điểm chuẩn dự kiến của trường này là 23 điểm, bằng điểm với con chị Hiền nhưng do trường tính thêm tiêu chí phụ là môn Toán nên con chị buộc phải rời “cuộc chơi”. Trên đường bắt xe ôm qua trường ĐH Khoa học tự nhiên nộp hồ sơ, hai mẹ con chị Hiền lại đánh rơi mất giấy kết quả thi.

“Đến trường ĐH Khoa học tự nhiên thì mới biết bị mất giấy kết quả thi, mẹ con tôi phải quay lại trường ĐH Kinh tế TPHCM để cầu cứu. Tuy nhiên, họ nói chúng tôi phải về lại cụm thi Tiền Giang để xin lại giấy báo điểm mới được nhận. Giờ hai mẹ con tôi bế tắc quá”, bà Hiền than vãn.

Mệt mỏi vì hôm qua đỗ, nay trượt

Hàng ngàn thí sinh xếp thành hàng dài để nộp - rút hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM

Trong khi đó, hai bố con thí sinh Phạm Nguyễn Châu Long (quê Đắk Lắk) cũng phải bắt xe từ nhà về trường ĐH Công nghiệp TPHCM từ tối 17/8 để tìm chỗ trọ, chầu chực xét tuyển trong những ngày sắp tới. Long thi được 19 điểm, với điểm thi này em đang mấp mé ở các ngành đăng ký nên quyết định về TPHCM để sẵn sàng cho cuộc chạy đua rút, nộp hồ sơ. “Cả ngày hôm nay, hai bố con em cứ chầu chực ở trường này để xem điểm chuẩn dự kiến, ước lượng thí sinh đến nộp vào và rút ra như thế nào. Hiện em đã điều chỉnh một số ngành, ngày mai đến xem tiếp, nếu không ổn là em rút ngay để nhảy qua trường khác liền”, Long nói.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: mỗi lần công bố điểm chuẩn tạm thời theo quy định, những ngành thấp ( 22- 24 điểm) đều có thí sinh nộp hồ sơ và đẩy điểm chuẩn tạm thời lên 0,25 điểm. Trường này tuyển 3.450 thí sinh, bà Thủy nói, và những ngành điểm cao như  kinh tế đã đạt đến chuẩn tạm thời là 27,25 (khối A) và 25,75 (các khối A1 và D) nhưng hàng ngày vẫn có hơn 100 thí sinh đạt điểm cao nộp vào khiến cho hơn 100 thí sinh phải tháo chạy khỏi “đường đua”.

ĐH Bách khoa HN, trường “hot” từ đầu mùa với hơn 10.000 thí sinh đã có 3.750 thí sinh phải tháo chạy và đẩy những ngành điểm cao của trường này lên những con số chưa dừng lại: CNTT: 8,7 điểm/môn; kỹ thuật điện - điện tử 8.5 điểm/môn; cơ điện tử: 8,3 điểm/môn… Tuy thế, ngày 18/8 trường này vẫn nhận được thêm 250 đơn xét tuyển và tiếp tục có hàng trăm thí sinh “tháo chạy”.

Hỗ trợ bổ sung không có tác dụng

ĐH Ngoại thương cho biết không có thí sinh nào áp dụng lợi thế thay đổi nguyện vọng qua Sở GD&ĐT mà Bộ GD&ĐT mới cho phép. Bà Lê Thị Thu Thủy (ĐH Ngoại thương) cho biết, không có hồ sơ rút-nộp thông qua Sở GD&ĐT. Lý giải điều này, một nhà tuyển sinh nhận xét: có lẽ do thí sinh đặt niềm tin vào rút-nộp trực tiếp hoặc chủ trương này quá muộn khiến tính hữu dụng của nó chưa cao.

Đi đầu trong lĩnh vực CNTT, ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế riêng phần mềm để thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng online, nhưng theo con số nhà trường cung cấp, có tới 1.000 tài khoản không sử dụng tiện ích này. Nhà trường gọi điện ngẫu nhiên để thăm dò thì thấy, đối tượng này tập trung ở 3 diện: thí sinh điểm cao hẳn, chắc chắn vào nên không cần quan tâm đến việc đổi nguyện vọng; không biết thông tin cho phép sửa đổi trên mạng (mặc dù nhà trường đã hướng dẫn rất cụ thể trên văn bản); phó thác việc rút-nộp và quyết định vận mệnh cho người đi nộp hồ sơ được ủy quyền.

Điểm chuẩn dự kiến các trường tăng mạnh

Theo kết quả xét tuyển tạm thời công bố ngày 18/8, nhiều ngành của trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM có điểm tăng cao so với ngày 16/8. Trong đó, ngành vật lý tăng cao nhất với 4,5 điểm (từ 16,5 lên 19,25 điểm), ngành khoa học vật liệu khối A tăng 3,25 điểm (từ 16,5 lên 19,75 điểm); Toán học tăng từ 17,25 lên 20,5 điểm. Nhiều ngành khác mức tăng từ 0,5 đến trên dưới 2 điểm…
Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngày 18/8 cũng công bố mức điểm xét tuyển tăng nhẹ từ 0,25 - 0,5 điểm so với ngày 17/8. Trường ĐH Kinh tế TPHCM ngày 18/8 có mức điểm chuẩn dự kiến là 23.00 điểm, trong những ngày tới điểm chuẩn dự kiến này khả năng còn tăng nữa bởi lượng hồ sơ nộp vào trường trong những ngày qua đa phần từ 24 - 25 điểm trở lên.

Thí sinh \'căng não\' khi cánh cửa nguyện vọng 1 sắp khép

Áp lực về thời gian, gánh nặng về tâm lý đang khiến cho cả thí sinh lẫn phụ huynh bị căng thẳng khi hạn chót rút hồ sơ sắp đến và cánh cổng xét tuyển nguyện vọng 1 đang khép dần.

Như một cuộc chơi may rủi

Theo kế hoạch, vào 17h ngày 20/8, các trường đại học sẽ khóa sổ nộp hồ sơ, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Các thí sinh chỉ còn một ngày để thực hiện việc đăng ký xét tuyển vào đại học chính quy đợt 1 kết thúc.

Áp lực về thời gian, gánh nặng về tâm lý đang khiến cho cả thí sinh lẫn phụ huynh bị căng thẳng khi hạn chót rút hồ sơ sắp đến và cánh cổng xét tuyển nguyện vọng 1 đang khép dần.

Một điều dễ dàng nhận thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp 2 kỳ thi thành một đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thí sinh, thế nhưng khi đã có điểm trong tay, các thí sinh lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp hồ sơ đăng kí nguyện vọng vào các trường đại học. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong những ngày cuối xét tuyển đợt 1.

Nhiều thí sinh có số điểm ở mức cao nhưng với tâm lý muốn “chắc ăn” nên các thí sinh này muốn dành thời gian để cân nhắc, nghiên cứu tình hình trước khi quyết định nộp hồ sơ vào trường có khả năng trúng tuyển cao.

Điều này khiến cho số điểm dự kiến có xu hướng tăng dần, vô hình trung đã gây khó khăn cho những thí sinh có điểm nằm ở tốp giữa. Nhiều thí sinh phải cuống cuồng rút hồ sơ vào những ngày chót dù có số điểm được đánh giá là ở mức an toàn. Cuộc đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay bỗng nhiên biến thành một cuộc chơi đầy tính may rủi.

Càng tới những ngày cuối điểm chuẩn của các trường càng dao động bất thường. Các thí sinh cũng khó lòng mà ngồi yên ở nhà chờ, nếu như chỉ đạt mức điểm hiện tại gọi là “đủ để đỗ” vào một ngành nào đó.

Bởi lẽ, vào những ngày cuối ngành đã đăng ký lại có nhiều hồ sơ nộp vào, khả năng trượt rất lớn dù có đạt điểm cao. Điều lo lắng hơn nữa, đó là một số trường ở tốp trên đa số đều khẳng định rằng sẽ chỉ tuyển sinh ở đợt 1 như Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương...

Những trường này hoặc lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, hoặc lấy tới 70-80%. Như thế cũng có khả năng, các thí sinh điểm cao chẳng may bị trượt ở nguyện vọng 1 sẽ không được học ở những trường tốp đầu. Bởi thế, những ngày cuối là những ngày vô cùng căng thẳng với các thí sinh. Đa số các thí sinh lẫn người thân đều cố gắng trụ lại ở gần trường để vừa nghe ngóng vừa kịp thời tới rút hồ sơ để nộp trường khác, tránh bị trượt đại học.

Thí sinh, phụ huynh căng não rút, nộp hồ sơ

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối của hạn rút nộp hồ sơ, tại các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Công đoàn có hàng trăm thí sính lũ lượt kéo tới để rút hồ sơ hoặc đăng ký thay đổi nguyện vọng vào ngành có điểm số thấp hơn vì lo bị trượt.

Đứng mướt mát mồ hôi tại trường ĐH Y Hà Nội dưới trời nắng như đổ lửa, thí sinh Phạm Quang Tùng ở Hà Nam cho biết số điểm mình đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là 27 điểm cho 3 môn Toán, Hoá, Sinh. Với số điểm này, Hằng tự tin nộp hồ sơ vào ngành Bác sĩ Răng hàm mặt của trường ĐH Y Hà Nội.

Tuy nhiên, đến chiều 18/8, Phạm Quang Tùng đã phải tức tốc quay lại xin rút hồ sơ. Tùng tâm sự: “Mấy ngày nay em đều phải theo dõi danh sách các thí sinh đăng ký cùng ngành học với mình. Đến sáng nay em đã thấy vị trí của em đứng là 70 trong khi chỉ tiêu lấy là 80 nên em thấy không an toàn vì vẫn còn nhiều thí sinh đang tiếp tục nộp hồ sơ”.

Cùng trong hoàn cảnh tương tự, 11h trưa ngày 18/8, hai bố con thí sinh Nguyễn Thị Hoài ở Vĩnh Phúc vẫn chôn chân tại sảnh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cần, bố của thí sinh Hoài chia sẻ: “Gần 20 ngày qua, tôi liên tục phải nghe ngóng diễn biến xét tuyển, lúc đầu cả nhà đều phấn khởi vì điểm thi của con khá cao nhưng càng về sau mặt bằng điểm càng cao nên rất lo lắng”.

Cho đến ngày 18/8, mức điểm của con gái ông Cần đã chạm ngưỡng không an toàn. Lo lỡ cơ hội, cha con ông Cần phân công nhau, người cập nhật điểm thi trên web của trường, người cha trực tiếp đến trường quan sát, nhận định tình hình số thí sinh nộp vào nhiều hay ít, điểm cao hay thấp để tính đường rút hồ sơ.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Dân đến tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Dù được 26,5 điểm và muốn nộp vào ngành kế toán của trường nhưng nhiều ngày qua Dân chỉ dám theo dõi thông tin điểm số của trường. “Em lo nộp hồ sơ sớm lại bị trượt vì nhiều bạn điểm cao hơn, lúc đó sẽ mất công rút ra, nộp vào. Để khi nào chắc chắn thì em nộp, hồ sơ em đã hoàn thành. Dự kiến sáng 19/8 em sẽ nộp hồ sơ vào trường”, Dân cho hay.

Một thực tế chung nhận thấy đó là, nhiều thí sinh đang lo lắng không biết sẽ phải nộp tiếp vào đâu khi đã trượt khỏi ngành mình yêu thích. Một số khác lại hoang mang liệu có nên nộp vào những ngành thấp hơn để “chắc ăn” hay lại tiếp tục chạy xô chen lấn vào những ngôi trường tốp trên.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã tính toán đến khả năng thí sinh rút hồ sơ nhiều. Tuy nhiên, việc rút hồ sơ nhiều chỉ diễn ra ở một số trường đại học lớn có sức thu hút thí sinh mạnh. Hiện nay, nhiều trường có chỉ tiêu nộp vào chưa đầy đủ, các em nên liệu sức mình để nộp vào trường phù hợp để khỏi phải nộp - rút nhiều lần.

"Dù các em đã được tư vấn, định hình nghề nghiệp trong tương lai, nhưng vẫn còn một số em chọn nghề theo số đông. Những em này khi đỗ vào trường học sẽ rất vất vả, dẫn đến nản chí và bỏ học giữa chừng" - ông Ga chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết rất chia sẻ với thí sinh về những băn khoăn trong việc xét tuyển vừa qua. “Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây”, Bộ trưởng Luận lý giải.

Bộ trưởng Luận cho rằng các thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Việc này vào quyền lựa chọn của thí sinh.

“Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Để tận dụng lợi thế đó, các cháu sẽ phải vất vả hơn”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý.

Theo Tiền Phong:

  • Tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/met-moi-vi-hom-qua-do-nay-truot-898332.tpo
  • Tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/thi-sinh-cang-nao-khi-canh-cua-nguyen-vong-1-sap-khep-898547.tpo