Sự kiện: Tuyển sinh điểm thi đại học điểm chuẩn đại học

Ngày 8-7, hơn 575.000 thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014, đạt tỉ lệ 75,5%.

Đây là đợt thi có nhiều môn xã hội, vì vậy các hội đồng tuyển sinh rất chú trọng đến công tác chống gian lận và tiêu cực trong thi cử.

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 8-7, sau khi nhận diện thí sinh với thẻ dự thi, kiểm tra CMND, bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, hầu hết các trường đều dành phần lớn thời gian để phổ biến quy chế thi đến thí sinh; đặc biệt nhấn mạnh không mang điện thoại, tài liệu và thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.

Camera trong phòng thi

GS-TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho biết nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra gắt gao để phát hiện, loại bỏ thí sinh thi kèm, thi hộ. Nếu nghi vấn thi hộ, thi kèm thì yêu cầu thí sinh viết cam đoan, đồng thời đưa xuống phòng chụp ảnh và lưu lại ảnh thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển sẽ so sánh với thí sinh lưu ảnh. “Đặc biệt, tại 37 phòng thi đặt tại trường còn lắp đặt hệ thống camera được mở thường xuyên, truyền từ các phòng thi về phòng khảo thí và sảnh tầng một. Ngoài giám thị còn có sự giám sát của rất nhiều thành viên của phòng khảo thí” - ông Bình nói.

Tăng cường chống gian lận thi đại học đợt 2

Tăng cường chống gian lận thi đại học đợt 2

Ông Bình cho biết để tránh trường hợp thí sinh mang tai nghe kết nối bluetooth vào phòng thi, nhà trường yêu cầu tất cả thí sinh nữ phải búi tóc cao, thí sinh nam để tóc dài che tai thì cũng được chú ý đặc biệt nếu có biểu hiện lạ. Thí sinh có biểu hiện bất thường giám thị phải lập tức báo cáo với hội đồng thi để xử lý.

Cấm thiết bị lạ vào phòng thi

TS Nguyễn Văn Hiền, Ban Chỉ đạo Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết thiết bị công nghệ cao hết sức đa dạng, có những thiết bị chưa cập nhật được, vì vậy ngoài những thiết bị được mang vào theo quy định, tất cả số còn lại đều bị cấm. Cũng theo TS Hiền, ngoài được nhà trường tập huấn, giám thị còn được cán bộ an ninh đến tập huấn để phát hiện thí sinh gian lận. “Chúng tôi nhắc giám thị ba bước lưu ý trong quá trình coi thi. Nếu thấy thí sinh có những khả nghi phải quan sát kỹ hơn; nếu có những dấu hiệu bất thường thì đến gần xem lại giấy tờ, đối chiếu lại thông tin và cuối cùng là báo bộ phận chuyên môn để mời bên công an vào cuộc” - ông Hiền nói rõ. Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn là nhắc nhở, cảnh báo sớm các thí sinh; không gây căng thẳng, đảm bảo thí sinh thi được thuận lợi nhất.

Theo PGS-TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội), quan điểm chung là quán triệt, tập huấn giáo viên, giám thị coi thi hết sức nghiêm túc, đầy trách nhiệm, coi đây là việc hệ trọng không chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào mà còn đảm bảo công bằng xã hội. “Có những chế tài với những trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho tiêu cực. Những trường hợp vi phạm kể cả thí sinh và giám thị cũng sẽ xử lý nghiêm” - ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho biết ở mỗi điểm thi của Học viện sẽ có một cán bộ Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) - Bộ Công an để kiểm tra các thiết bị xem có phù hợp không.

Theo PLO, http://plo.vn/tot-nghiep-tuyen-sinh/thi-dh-cd-dot-2-tang-cuong-chong-gian-lan-thi-cu-480969.html