Rối với nhiều tổ hợp môn thi xét tuyển đại học năm 2015

Xem xét số đề án tuyển sinh mà các trường ĐH, CĐ công bố gần đây, có thể nhận ra điểm nổi bật chính là sự xuất hiện của rất nhiều tổ hợp môn thi mới bên cạnh các khối thi truyền thống, giúp mở rộng sự lựa chọn cho thí sinh. Tuy nhiên, liệu điều đó có khiến công tác xét tuyển trở nên phức tạp hơn?

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Xuất, Trường ÐH Đông Ðô: Việc tổ chức xét tuyển theo cả 2 phương thức cho phép trường lựa chọn các thí sinh có đủ điều kiện về kiến thức, văn hóa, thông qua mức sàn tối thiểu về kết quả học tập ở bậc phổ thông. Việc phối hợp giữa xét tuyển theo kỳ thi chung và xét tuyển theo học bạ cũng giúp trường có thể đối chiếu, so sánh ưu nhược điểm của phương thức tuyển sinh mới, làm cơ sở để đưa ra sự điều chỉnh (nếu cần) cho các năm sau. Ðồng thời, cách thức nói trên thu hút sự quan tâm của thí sinh, giúp nhà trường lựa chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo. Ðược biết, Trường ĐH Đông Đô dành tới 70% tổng chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển riêng với nhiều tổ hợp môn xét tuyển, gồm các khối thi truyền thống, lẫn nhóm môn mới như toán - sinh học - Anh.

Trường ÐH Cần Thơ vừa công bố Danh mục các môn học yêu cầu theo từng ngành để xét tuyển sinh ÐH năm 2015. Lãnh đạo nhà trường cho rằng, danh mục các môn học này được chọn nhằm mục đích thỏa mãn các yêu cầu như: Bảo đảm cho thí sinh đã ôn tập theo khối thi truyền thống trước đây có đủ điều kiện xét tuyển vào các ngành dự tuyển các năm trước; đồng thời tạo cơ hội cho thí sinh có thể xin xét tuyển nhiều ngành hơn. Có những ngành mà thí sinh có thể lựa chọn nhiều môn để xét tuyển: Ngành Luật (các khối A, C, D1, D3), ngoài một môn bắt buộc là toán hoặc ngữ văn, thí sinh có thể chọn 2 trong 6 môn, gồm vật lý, hóa học, sử, địa, ngữ văn, ngoại ngữ. Ngành kỹ thuật môi trường (các khối A, B), ngoài 2 môn bắt buộc là toán, hóa, thí sinh có thể chọn một trong 3 môn là vật lý, sinh học, tiếng Anh.

Đáng chú ý, với lợi thế được quyền chọn môn để xét tuyển, nhiều trường khối ngành kỹ thuật đã mạnh dạn đưa môn ngữ văn vào để tuyển sinh các ngành trước đây chỉ thi khối A. Ông Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên cho biết, năm 2015, trường tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia. Trường xét điểm 3 môn, trong đó toán là môn bắt buộc; với 2 môn còn lại, thí sinh được tự chọn trong số 4 môn là ngữ văn, tiếng Anh, vật lý và hóa học. Trường ĐH Công nghệ Việt Trì cũng có môn ngữ văn trong tổ hợp xét tuyển vào các ngành kỹ thuật như công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển - tự động hóa...

tổ hợp môn thi xét tuyển đại học năm 2015

Nhiều tổ hợp môn thi xét tuyển đại học năm 2015

Tuy nhiên, với nhiều trường, môn toán vẫn được coi trọng đặc biệt. Trường ĐH Nguyễn Trãi quy định: Đối với những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, nhà trường ưu tiên xét tuyển những thí sinh có điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT của môn toán hoặc ngữ văn cao hơn trong tổ hợp 3 môn. Trong trường hợp tổ hợp 3 môn có cả môn toán và ngữ văn thì ưu tiên môn toán. Năm 2015, Trường ĐH Nguyễn Trãi đưa ra các tổ hợp môn toán - ngữ văn - ngoại ngữ, toán - vật lý - hóa học, toán - hóa học - sinh học, ngữ văn - sử - địa. Trường CĐ Thủy lợi Bắc Bộ cũng khẳng định, trong các tiêu chí xét tuyển, trường coi trọng việc đánh giá kết quả học tập trong toàn bộ các năm học ở THPT và các môn theo khối xét tuyển ở năm lớp 12. Trong trường hợp thí sinh có số điểm bằng nhau ở tiêu chí đó, trường xét thêm kết quả kỳ thi THPT quốc gia môn toán.

Lo "ảo" và "rối"

Trong số các đơn vị đã công bố đề án tuyển sinh, rất ít trường có thêm hình thức chọn lọc bổ sung dựa theo đặc trưng đào tạo hoặc mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Ngoại trừ Trường ĐH Nguyễn Trãi có tổ chức thi cho các môn năng khiếu thuộc khối ngành năng khiếu, chỉ có Trường ĐH Thái Bình Dương gây chú ý với phương thức xét tuyển riêng bên cạnh xét tuyển chung. Phương án xét tuyển riêng của trường dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về kết quả học tập THPT, ngoài ra có áp dụng hình thức phỏng vấn bổ sung trong các trường hợp cần thiết như nhiều thí sinh cùng đạt tiêu chí tại mức điểm chuẩn dẫn đến vượt chỉ tiêu, có sự nghi ngờ về tính xác thực của điểm số ghi tại học bạ…

Bên cạnh ưu thế của những phương án tuyển sinh dự kiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô cho rằng, việc xét tuyển song song cả hai phương thức cũng có thể gây bất lợi cho nhà trường, vì nó khiến thí sinh có thể vừa nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa nộp hồ sơ xét tuyển riêng, dẫn đến lượng thí sinh "ảo" khi xét tuyển.

Các chuyên gia tuyển sinh đặc biệt lưu ý rằng việc mở ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển có thể giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn, qua đó nhà trường sẽ tuyển được đủ chỉ tiêu mong muốn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của quá nhiều nhóm môn có nguy cơ khiến cho công tác xét tuyển rối thêm nếu không có biện pháp kỹ thuật khả thi, nhất là ở năm đầu tiên thực hiện. Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ÐT) Trần Văn Nghĩa cũng cảnh báo: Thay đổi quá nhiều sẽ không có lợi cho chính các trường. Học sinh có thể e ngại vì các em đã học, luyện thi theo khối thi truyền thống từ khi vào lớp 10.

Theo HNM, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/711915/them-to-hop-mon-thi-xet-tuyen-cang-nhieu-cang-roi-