Chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang hình thành phát triển năng lực, phẩm chất người học là định hướng xuyên suốt khi xây dựng chương trình GD phổ thông lần này.

Theo đó, hệ thống môn học từ tiểu học lên THPT sẽ có nhiều điều chỉnh căn bản. Một số môn học với tên gọi mới sẽ xuất hiện do được tích hợp từ các môn học truyền thống hoặc có nội dung, tính chất, mục tiêu mới.

Dạy học  tích hợp từ bậc học dưới và phân hóa dần lên bậc học cao hơn, thiết kế môn học theo hai nhóm bắt buộc và tự chọn, kết hợp với các chuyên đề học tập, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vận dụng kiến thức vào thực tiễn để nghiên cứu khoa học là yêu cầu được đặt ra trong chương trình tổng thể lần này.

Với chương trình mới, bậc trung học sẽ không còn 13 môn học như truyền thống mà hệ thống môn học bắt buộc giảm rõ rệt.

Bậc THPT chỉ còn 4 môn bắt buộc.

Học sinh sẽ có cơ hội đăng kí học các môn học, chuyên đề tự chọn theo định hướng nghề nghiệp tương lai.

Dự kiến sau khi chương trình tổng thể được thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành triển khai xây dựng chương trình môn học làm cơ sở để biên soạn SGK mới.

Chương trình-SGK mới sẽ triển khai đại trà từ năm học 2018-2019 theo hình thức “cuốn chiếu”.

Việc thí điểm chương trình-SGK mới sẽ không thực hiện toàn bộ như trước mà chỉ thí điểm những nội dung, môn học, hoạt động GD mới và do chính tác giả xây dựng chương trình chủ trì việc thí điểm.

Bộ Giáo dục dự kiến thay đổi hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông

Các lĩnh vực Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức- Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ - Tin học.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới để xin ý kiến xã hội. Dự thảo này sẽ bao gồm những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được qua từng cấp học là gì; định hướng xây dựng chương trình môn học; phát triển chương trình giáo dục phổ thông như thế nào…?

Theo như Dự thảo công bố, chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất như; sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm.Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông còn hướng tới phát triển cho học sinh những năng lực như tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, công nghệ thông tin…

Hệ thống các môn học cốt lõi

Theo đó, hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất với các lớp học trước với các lớp học sau, tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên,tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể, môn học cốt lõi lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân có tên: Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) và Công dân với Tổ quốc (THPT).

Cốt lõi trong lĩnh vực khoa học, chỉ có một môn khoa học là Cuộc sống quanh ta (các lớp 1,2,3), tách thành 2 môn học Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên (các lớp 4,5), tương ứng với hai môn học Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên (THCS).

Sẽ có nhiều môn học với tên gọi mới
Ảnh minh họa Xuân Trung

Lên THPT, để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học xã hội cùng với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học sẽ danh cho học sinh định hướng Khoa học tự nhiên. Môn Khoa học tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lí sẽ dành cho định hướng khoa học xã hội, đồng thời học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.

Các môn ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn tự chọn chia thành 3 loại: Tự chọn tùy ý, học sinh có thể chọn hoặc không chọn; tự chọn trong nhóm môn học, học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định chương trình;  tự chọn trong môn học, học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học.

Chương trình giáo dục mới sẽ chia từng giai đoạn giáo dục chuyên biệt.
Theo đó, sẽ có giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), các  môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý các môn: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Tự chọn trong môn học: Kĩ thuật/Công nghệm, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Với giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT): Sẽ có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán, Công dân với tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý trong các môn Nghiên cứu khoa học kĩ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2.

Có thể tự chọn trong nhóm các môn học: Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn 2, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Hoặc tự chọn trong môn học: Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Chuyên đề học tập.

35 tuần thực học/năm

Theo Dự thảo mới công bố, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho giáo dục của địa phương).

Với cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Cấp THCS: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học, mỗi tuần không quá 28 tiết, mỗi tiết 45 phút, giữa các tiết có thời gian nghỉ.

Cấp THPT: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học, mỗi tuần không quá 28 tiết, mỗi tiết 45 phút, giữa các tiết có thời gian nghỉ.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình môn học giai đoạn giáo dục cơ bản đảm bảo trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có khả năng tự học, đạt được những phẩm chất và năng lực thiết yếu, nhất là các năng lực chung, thấy rõ sở trường, năng lực của mình để tự tin tham gia cuộc sống.

Ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục,một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học.

Chú trọng tính thiết thực của các nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cùng với hoạt động tư vấn trường học để giúp học sinh học xong THCS có thể chọn con đường học lên theo giáo dục nghề nghiệp hoặc THPT, góp phần phân luồng mạnh sau THCS.

Ở cấp học THPT, chương trình giáo dục đảm bảo phân hóa mạnh, học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp.

Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.

Chương trình giáo dục cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp trung học cơ sở; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Theo:

  • Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150805/bo-gddt-cong-bo-du-thao-chuong-trinh-pho-thong-tong-the/789090.html
  • Giáo dục Việt Nam, tin gốc: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-du-kien-thay-doi-hoan-toan-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-post160719.gd