Học sinh gặp khó trong việc nộp hồ sơ thi đại học

“Em nộp hồ sơ thi trường này vì em thấy điểm chuẩn của trường hằng năm thấp, tỉ lệ đỗ sẽ cao hơn so với học lực của em…” - đây là câu trả lời của đa số học sinh lớp 12.

Cứ đến trung tuần tháng 3 (tháng cuối cùng của hạn nộp hồ sơ thi đại học, ngoài những em đã chọn được những trường theo sở thích, cũng có những em nộp thi theo nguyện vọng của bố, mẹ hay chỉ đơn thuần là trường đó lấy điểm chuẩn thấp. Bên cạnh đó nhiều học sinh vẫn hoang mang không biết nên chọn trường ĐH – CĐ nào để thi cho phù hợp với lực học của mình. Nhất là với những học sinh khu vực ngoại thành khi việc tư vấn, tìm hiểu trước về các trường, các ngành học còn nhiều khó khăn.

Phần lớn thí sinh chỉ tìm hiểu điểm chuẩn cao hay thấp

Khi được hỏi trong quá trình chọn trường đại học để thi, có tìm hiểu trước về trường cũng như ngành mình sẽ theo học không thì đa số các học sinh đều trả lời rằng chỉ tìm hiểu xem trường lấy điểm chuẩn thấp hay cao, chỉ tiêu tuyển hằng năm của trường có nhiều không, còn về ngành sẽ thi thì chưa để ý, kể cả việc nếu học ngành đó sẽ được đào tạo cái gì, học xong ra trường có dễ xin việc hay không mà chỉ nghĩ miễn sao thi đỗ là tốt rồi.


Nguyễn Ngọc Anh - học sinh lớp 12 Trường THPT Tùng Thiện (Sơn Tây) - chia sẻ: Trước khi chọn trường em có tham khảo các anh chị đi trước. Do em rất thích hát và đàn, em đã nộp hồ sơ thi vào Trường ĐHSP Nghệ thuật trung ương, dù bố mẹ em lại muốn em thi trường khác.

Còn Nguyễn Thanh Huyền lại tâm sự: Em cũng băn khoăn nhiều trong việc chọn trường thi. Những trường đại học có tiếng chúng em cũng muốn thi vào lắm, nhưng lại sợ không đỗ. Năm nay em nộp hồ sơ thi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vì em thấy trường có chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm lớn và điểm chuẩn của trường tầm mức điểm sàn trở lên, cơ hội đỗ sẽ cao hơn.

Trong khi đó, Đặng Lan Thương kể: Em thích ngành sư phạm, còn bố em lại muốn hướng cho em thi vào ngành tài chính. Em có ông anh họ cũng học tài chính ra trường đã hơn một năm nay rồi mà vẫn đang ở nhà vì chưa xin được việc. Vì để vui lòng bố nên em cũng nộp một bộ hồ sơ vào trường tài chính, nhưng em vẫn sẽ chọn trường sư phạm.

Những tiêu chí ảnh hưởng tới việc chọn trường của thí sinh

Bên cạnh những học sinh được tự do nộp hồ sơ và chọn những trường thi mà mình thích thì cũng có những em phải chịu sự sắp xếp của bố mẹ như trường hợp của Nguyễn Đức Cường – học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Khanh (Sơn Tây). Cường nói: Em thích thi trường đại học ngoài, nhưng bố em phản đối. Bố em còn tự mình đi lo sẵn toàn bộ hồ sơ thủ tục và giấy tờ để em thi vào quân đội.

Cũng có em trong quá trình học may mắn được thầy cô góp ý về chọn trường để thi như em Nguyễn Thị Ngà lại được cô giáo dạy văn hướng cho thi trường báo chí vì được cô nhận xét có khả năng viết và giọng văn sắc sảo, nhưng em vẫn lo vì điểm chuẩn của trường này thuộc vào top cao.

Nhận xét về việc chọn trường thi của các học sinh, thầy Nguyễn Trọng Định - giáo viên Trường THPT Tùng Thiện - chia sẻ: “Mặt bằng chung việc chọn trường của các em đều theo tiêu chí là tìm những trường có điểm đầu vào thấp, như vậy các em sẽ cảm thấy tỉ lệ đỗ của mình cao hơn.

Còn về phía các bậc phụ huynh có con thi đại học cũng có rất nhiều lo lắng. Bác Nguyễn Văn Thức chia sẻ: Các bác ở quê, không có điều kiện tìm hiểu về các trường đại học. Các bác chỉ thích các trường quân đội, nhưng em nó là con gái, nên gia đình bác để em tự quyết định trường thi và cũng chỉ biết khuyên em chọn trường thích hợp, vừa sức của mình.

Bên cạnh đó khi hỏi thêm là các em có biết đến quy định học liên thông mới của Bộ GDĐT áp dụng cho những người muốn học liên thông từ bậc trung cấp và cao đẳng lên đại học không thì các em đều trả lời là chưa từng quan tâm.

Đây dường như là tình trạng chung của các học sinh cuối cấp chuẩn bị thi đại học. Nó cho thấy việc nhận thức về tương lai của chính mình vẫn còn rất mơ hồ khi chưa thật sự có được những tư vấn cần thiết trong việc chọn ngành học và trường học phù hợp nhất với mình.


Theo Báo Lao Động