Môn văn: Cần cảm thụ sâu sắc

Tuy nhiên năm đầu thực hiện nên mức độ khó chưa thật cao để tuyển sinh. Đến năm nay chắc chắn có thay đổi về mức độ đề và chắc chắn sẽ khó hơn.

Lối ra đề đơn điệu của những năm trước, chỉ cần học sinh mua văn mẫu về đọc cần cù là có thể kiếm được điểm kha khá. Thế nhưng từ năm 2015, đề thi tuyển sinh môn văn không đánh đố, cởi mở hơn, cũng khó hơn nhiều và yêu cầu phải cảm thụ sâu sắc mới có thể lĩnh hội được.

Ở phần đọc, hiểu (câu 3 điểm) các em phải nắm thật vững các công cụ tiếng Việt như: các biện pháp tu từ từ vựng; 6 phong cách ngôn ngữ trong tiếng Việt; 6 phương thức biểu đạt trong tiếng Việt; các phép lập luận phân tích, giải thích, chứng minh, diễn dịch, quy nạp,…. Những công cụ này sẽ soi chiếu vào văn bản giúp các em nhận dạng những yêu cầu của đề. Câu 3 điểm nếu không thay đổi thì có 8 câu hỏi chia đều ở hai văn bản: thơ và văn xuôi.

Môn Văn: Cần cảm thụ sâu sắc

Ở câu nghị luận xã hội (câu 3 điểm) thường rất “mở” và đề tài thì rộng. Nhìn một năm đã qua, chúng ta cần lưu ý các chủ đề về Tình thương; Tri thức- học vấn; Lao động; Lối sống đẹp; Các hiện tượng không tốt đang tồn tại trong đời sống vẫn thường được chọn ra, nhằm cảnh báo và giáo dục nhân phẩm thế hệ thanh niên. Khi làm văn nghị luận xã hội các em viết hàm súc, tạo luận điểm giản dị, sát đề, tránh lan man. Thông thường, cách làm phần thân bài là giải thích và sau đó là bình. Các em lưu ý, cách làm khác của phần thân bài gồm 4 bước: nêu khái niệm (hoặc giải thích); chính đề, nghĩa là bàn thẳng vào vấn đề mà đề yêu cầu; phản đề, nghĩa là đi ngược lại với chính đề; hợp đề nghĩa là đánh giá nhận định chung.

Nghị luận văn học (câu 4 điểm), xu hướng đề thi THPT quốc gia vẫn tập trung chủ yếu ở chương trình cơ bản lớp 12 và lưu ý các dạng đề cảm nhận hai chi tiết nghệ thuật ở hai tác phẩm; 2 nhân vật ở 2 tác phẩm; 2 đoạn thơ ở hai tác. Vì thế thí sinh cần lưu ý vấn đề này. Về kiến thức, các em phải đọc thật kỹ văn bản trong sách giáo khoa. Về nội dung khái quát, chủ đề và giá trị cơ bản về nghệ thuật của tác phẩm, các em phải nắm thật chắc phần ghi nhớ trong sách giáo khoa. Không nên bỏ qua phần gợi ý học bài, phần tiểu dẫn. Bởi lẽ những vấn đề trọng tâm về tác phẩm, tác giả đều được nêu trong sách giáo khoa. Khi làm bài, các em phải biết phân phối thời gian cho thật hợp lý. Thời gian thi của môn ngữ văn là 180 phút. Vì vậy, phần đọc hiểu dành tối đa là 20 phút; câu nghị luận xã hội 50 phút; câu nghị luận văn học 100 phút. Như vậy các em còn 10 phút để xem lại bài. Là một học sinh có bản lĩnh và ý thức tự học cao, các em không cần phải học luyện thi ở các trung tâm vẫn có thể thi đỗ ĐH, nếu có những thiết tha cao đẹp và vững phương pháp học tập.

Bên cạnh kiến thức vững vàng, cảm thụ sâu sắc, hành văn trong sáng, lập ý mạch lạc, thì chữ rõ, đẹp cũng là một trong những phẩm chất tạo nên sự thành công không nhỏ cho bài thi môn văn.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mon-van-can-cam-thu-sau-sac-20160509090336423.htm


Cập nhật thêm thông tin tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn