Học 2 buổi/ngày: Không giao bài tập về nhà

Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2014-2015 với nhiều thay đổi quan trọng về phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá… theo hướng không tạo áp lực học tập cho học sinh

Một trong những thay đổi quan trọng của giáo dục tiểu học ở năm học mới là điều chỉnh nội dung dạy phù hợp đặc điểm tâm sinh lý học sinh; đồng thời đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, phương pháp học và kiểm tra, đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh nội dung và yêu cầu các môn học, các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, bảo đảm tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh, thời gian thực tế cũng như điều kiện dạy học của địa phương trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học được thực hiện theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh; chú trọng việc nhận xét, động viên, góp ý học sinh trong quá trình học tập.

Đối với các trường, lớp dạy 2 buổi/ngày, hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trên cơ sở bảo đảm học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, không giao bài tập về nhà cho học sinh.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường trung học phải thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi. Các câu hỏi trắc nghiệm phải khách quan, nhiều lựa chọn đúng; triển khai phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn ngoại ngữ.

Năm học 2014-2015 tiếp tục nâng cao chất lượng thi ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với môn ngoại ngữ; thi thực hành đối với các môn vật lý, hóa học, sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong tuyển sinh trường THPT chuyên, trường chất lượng cao ở những nơi có đủ điều kiện.

Đánh giá để động viên là chính

Việc kiểm tra, đánh giá từ năm học 2014-2015 cũng có nhiều đổi mới với mục tiêu bảo đảm thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Để đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của học sinh, việc đánh giá sẽ được thực hiện theo quá trình: trên lớp, qua hồ sơ, bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc kiểm tra, đánh giá không chỉ để xem học sinh học được gì mà quan trọng hơn là biết các em học như thế nào, có biết vận dụng không.

Không gây áp lực học hành cho học sinh trong năm học mới

Không gây áp lực học hành cho học sinh trong năm học mới

Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình. Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Khi cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với việc theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm…) vào các môn học và hoạt động giáo dục. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc tích hợp phải bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, không gây áp lực học tập cho học sinh và áp lực giảng dạy đối với giáo viên.

Dạy học theo hướng mở

Năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS, THPT phải tăng cường thực hiện linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh các sở/phòng GD-ĐT chỉ đạo và hướng dẫn các trường tạo điều kiện cho những tổ (nhóm) chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn và các chủ đề tích hợp, liên môn; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với chủ đề, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Bộ GD-ĐT cũng quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan.

Với sự thay đổi này, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa. Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện trong hoặc ngoài giờ trên lớp.

NLĐ, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-tao-ap-luc-hoc-hanh-20140902214701169.htm