Học sinh Tp.HCM không bắt buộc mua đồng phục năm học mới

Ngày 7-8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có văn bản hướng dẫn việc sử dụng đồng phục đầu năm học.Theo đó, sở yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục đầu năm học; tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm thu, bày vẽ, gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh về vấn đề đồng phục.

Nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó cho học sinh và phụ huynh. Đầu năm học, không được để xảy ra tình trạng học sinh vì chưa kịp mua hoặc may đồng phục mà không thể đến trường.

 

Học sinh Tp.HCM không bắt buộc mua đồng phục năm học mới

Học sinh Tp.HCM không bắt buộc mua đồng phục năm học mới

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đồng thời thông báo kế hoạch thời gian năm học 2014-2015 bậc mầm non và phổ thông. Cụ thể, tựu trường vào ngày 11-8. Học kỳ I sẽ có 18 tuần thực học. Học kỳ II có 17 tuần thực học. Riêng bậc tiểu học, sẽ xét hoàn thành chương trình tiểu học trước ngày 15-6-2015.

TP.HCM đề xuất không quản lý các trường đại học

Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về quản lý các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Theo văn bản này, UBND TP.HCM giao cho giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì làm việc với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp để thống nhất nội dung đề xuất trình UBND thành phố báo cáo xin ý kiến thường trực Thành ủy về đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 115/2010 về quản lý nhà nước đối với giáo dục, theo hướng thành phố không quản lý nhà nước đối với các trường ĐH trên địa bàn mà trách nhiệm trực tiếp thuộc Bộ GD-ĐT.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 7.8, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho biết đến nay Bộ chưa nhận được văn bản với nội dung như trên của UBND TP.HCM. Tuy nhiên tháng 9 tới đây, Bộ sẽ tổ chức hội nghị về công tác cán bộ nhằm đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 115, đồng thời triển khai thêm 2 nghị định mới của Chính phủ liên quan vấn đề này. Đề xuất của UBND TP.HCM sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi nghị định. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính bàn bạc thống nhất quan điểm trên cơ sở tham khảo ý kiến các trường ĐH và địa phương trước khi trình Chính phủ.

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho rằng đề xuất này hợp lý bởi lẽ qua vụ việc nhiều trường xảy ra vừa qua có thể thấy địa phương rất lúng túng trong xử lý. Trách nhiệm quản lý này UBND thường giao cho Sở GD-ĐT, trong khi Sở chỉ quen quản lý bậc phổ thông nên gặp rất nhiều khó khăn. Đồng tình với đề xuất này, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho rằng Bộ nên đảm nhiệm vai trò quản lý nhà nước đối với các trường ĐH. Bởi lẽ, dù quyền này giao cho địa phương nhưng các quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Bộ.

Tổng hợp NLĐ, Thanh niên