Tin liên quan:

>> Danh sách 20 thủ khoa đặc biệt nhất

>> Xé rào tuyển sinh khi còn thời hạn xét tuyển

>> Danh sách thủ khoa đại học 2012

Để các thủ khoa nghèo đều có cơ hội được học đại học

Nguyện vọng của nhiều sinh viên nghèo hiện nay là mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục nghiên cứu theo hướng nâng mức tín dụng ưu đãi cho sinh viên lên trên mức 1 triệu đồng/tháng để giúp các em có thể bù đắp chi phí, yên tâm học tập.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số 100 thí sinh có điểm thi cao nhất trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012 có 80% đến từ các tỉnh, thuộc các vùng nông thôn và đa phần trong số này đều là con em các gia đình nông dân nghèo. Thậm chí, có những trường hợp nghèo đến “giật mình”, nghèo đến… khó tin.

Điển hình trong số này có thể kể đến trường hợp của em Lê Đức Duẩn, ở Phú Xuyên (Hà Nội), thủ khoa Đại học Dược. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố và anh trai đều mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, một mình mẹ phải nuôi cả mấy anh em trong điều kiện kinh tế eo hẹp “cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc” nên nhiều lần Duẩn suýt phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí.

Hay trường hợp của em Nguyễn Văn Khuynh, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, thủ khoa khối B Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng suýt phải bỏ thi đại học vì phải dành tiền để thuốc thang cho bà đang nằm ốm liệt giường. Những ngày con lên thành phố thi đại học, thay vì lo lắng con không làm được bài, bố mẹ Khuynh lại cảm thấy sốt ruột vì sợ em không có đủ tiền để đón xe về nhà…

Thế nhưng, bằng trí thông minh, nghị lực vượt khó phi thường, các em đã vượt qua hàng triệu các thí sinh khác có điều kiện tốt hơn mình để trở thành thủ khoa các trường đại học danh tiếng, được xã hội tôn vinh. Dẫu rằng, con đường vào học đại học của các em vẫn còn nhiều khó khăn phía trước bởi việc nuôi các em học 4-5 năm đại học sẽ là một gánh nặng quá sức đối với bố mẹ các em nếu như không có sự quan tâm, góp sức từ phía các nhà trường và cộng đồng xã hội.

Với việc vài năm gần đây, nhiều trường ĐH đã có chủ trương trao tặng học bổng, miễn giảm một phần học phí, miễn phí chỗ ở trong ký túc xá… cho những thủ khoa, á khoa. Nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến giáo dục cũng đã tặng cho những thủ khoa nhà nghèo các học bổng có giá trị… Hy vọng, với sự đồng hành này, hành trình học đại học của các thủ khoa nghèo sẽ bớt nhọc nhằn và chông chênh hơn.

Song ngoài các thủ khoa con nhà nghèo, hàng năm cả nước còn có hàng trăm ngàn học sinh là con em của các hộ nghèo, cận nghèo… ở nông thôn đậu đại học. Trong số này, đã có không ít trường hợp phải từ bỏ giấc mơ học đại học do gia đình không có đủ điều kiện để chu cấp và nuôi các em ăn học.

Để tạo điều kiện cho tất cả các học sinh nghèo đều có cơ hội học đại học, bắt đầu từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành chính sách cho học sinh nghèo vay vốn với mục tiêu “không để bất cứ học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do học phí, đảm bảo cơ hội học tiếp lên cao cho tất cả người nghèo”. Và kể từ đó đến nay, cả nước đã có hàng triệu học sinh nghèo được vay vốn. Mức vay tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên nghèo cũng được nâng lên từ 800 ngàn đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng.

Qua 5 năm thực hiện chương trình, hiệu quả thực tế của nó là vô cùng thiết thực và to lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát vẫn còn cao, đặc biệt là các loại chi phí trong sinh hoạt hàng ngày của sinh viên từ học phí, nhà trọ, điện nước… cho đến sách vở, lương thực thực phẩm đều tăng, nhiều người cho rằng, số tiền 1 triệu đồng/tháng trên thực tế sẽ rất khó đủ để sinh viên trang trải cho những nhu cầu tối thiểu.

Do vậy, nguyện vọng của nhiều sinh viên nghèo hiện nay là mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục nghiên cứu theo hướng nâng mức tín dụng ưu đãi cho sinh viên lên trên mức 1 triệu đồng/tháng để giúp các em có thể bù đắp chi phí, yên tâm học tập.

Ngoài ra, để tất cả các học sinh nghèo đều có cơ hội được học đại học, nhiều ý kiến cũng cho rằng, song song với việc nâng mức vay lên trên 1 triệu đồng/tháng, Chính phủ cũng nên nghiên cứu mở rộng diện được ưu tiên vay vốn theo hướng ngoài các hộ nghèo, cận nghèo, có thể khuyến khích, ưu tiên cho cả các gia đình ở nông thôn có 2 con học đại học, cao đẳng trở lên được vay vốn. Và Hội Sinh viên Việt Nam nên tìm kiếm tài trợ từ các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ các em học thành danh.

55 triệu đồng cho HS đỗ thủ khoa đại học

Chiều ngày 21/8/2012, UBND Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khen thưởng 17 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học.

Trong Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012, Đà Nẵng có 4 học sinh đậu thủ khoa vào các trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Nông Lâm Huế; 13 học sinh đậu thủ khoa ở các khối A1, D1, D3, B, C thuộc nhiều trường ĐH trong khu vực.

Ngoài nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mỗi học sinh đỗ thủ khoa Trường được thưởng 4 triệu đồng, thủ khoa Khối được thưởng 3 triệu đồng. Tổng số tiền thưởng lên tới 55 triệu đồng, trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của thành phố. Được biết, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Đà Nẵng xếp vị thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước về số lượng học sinh thi đậu vào đại học.

Trong lời phát biểu tại Lễ khen thưởng, cả ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Lê Trung Chinh-Giám đốc Sở GD-ĐT của thành phố đều khẳng định: 17 học sinh thi đỗ thủ khoa vào đại học là kết quả của sự đầu tư đúng hướng của các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Sở GD-ĐT, là sự quan tâm, dồn tâm, dốc sức của các thầy cô, giáo, các em học sinh và cả các bậc phụ huynh để có được những hạt nhân tiêu biểu trong nguồn nhân lực chất lượng cao của quê hương, đất nước.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Giaoducthoidai - CAND)