Ông Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh |
"Ngay cả các nước phát triển khi triển khai dạy học phân hóa cũng không thể đáp ứng được tối đa nhu cầu học tự chọn của học sinh |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VINH HIỂN |
Giải đáp những băn khoăn về chuẩn bị điều kiện để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông theo dự thảo mới được công bố, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
Khi thiết kế chương trình, Bộ GD-ĐT và ban soạn thảo phải coi trọng tính khả thi. Chương trình mới được thiết kế trên cơ sở phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế của chương trình cũ.
Và thực tế năm học vừa qua, những nội dung mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được thử nghiệm, mở rộng triển khai ngay trên nền chương trình giáo dục hiện hành.
Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu các nhà trường phải triển khai đồng loạt như nhau mà triển khai theo nguyên tắc nơi nào có điều kiện đầy đủ làm trước, đẩy mạnh hơn, nơi nào chưa có điều kiện thì làm dần dần, ví dụ như việc triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tự chủ kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá.
Học sinh Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh tư liệu. |
Sẽ không dôi dư giáo viên
“Việc cho phép học sinh tự chọn môn học có thể dẫn tới tình huống có những môn học không có học sinh chọn. Như vậy, giáo viên các bộ môn này sẽ phải đối diện với tình trạng dôi dư, bị thuyên chuyển công việc?”, câu hỏi này được gửi đến cuộc tọa đàm cũng là nỗi niềm của rất nhiều giáo viên hiện nay.
Giải tỏa nỗi lo này, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định:
“Sẽ không có giáo viên dôi dư. Bởi trong số các môn tự chọn sẽ có những nhóm môn học bắt buộc học sinh phải chọn, có nhóm môn học không nhất thiết phải chọn.
Ví dụ nếu học sinh không chọn lịch sử, địa lý thì vẫn phải bắt buộc chọn môn khoa học xã hội, đây là môn học có phần kiến thức thuộc phân môn lịch sử, địa lý mà giáo viên các bộ môn này sẽ phải đảm nhiệm".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận việc dạy học phân hóa ở bậc học cao hơn, nhất là bậc THPT, sẽ có thể xảy ra việc có môn nhiều học sinh, có môn ít học sinh đăng ký.
“Vì thế các cơ sở giáo dục cần phải tư vấn, hướng dẫn học sinh và đáp ứng dần tùy theo điều kiện của mình. Ngoài ra, để có thể tăng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời cũng tận dụng hết nguồn lực hiện có, các trường có thể liên kết với nhau trong việc gửi học sinh sang trường khác để học các môn mà trường mình không có điều kiện tổ chức, mời giáo viên ngoài trường đảm nhiệm một môn học chuyên đề theo nhu cầu của học sinh...”, ông Hiển cho biết.
Ông Phạm Hồng Quang - Ảnh: Nguyễn Khánh |
“Qua nghiên cứu và thực tiễn cho thấy giáo viên phổ thông hiện nay hoàn toàn có thể đảm nhiệm được yêu cầu dạy tích hợp kiến thức liên môn |
Ông PHẠM HỒNG QUANG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) |
Bồi dưỡng cách tổ chức dạy học chứ không bồi dưỡng kiến thức
Cũng đề cập tới vấn đề giáo viên, ông Phạm Hồng Quang, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cho biết trước nay các trường sư phạm đều đào tạo để giáo viên biết 10 dạy 1.
Ví như chương trình đào tạo giáo viên dạy vật lý không chỉ cung cấp kiến thức vật lý mà còn có những kiến thức nền tảng và chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng cho biết đã xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng mới nhằm đào tạo giáo viên có khả năng đáp ứng yêu cầu dạy liên môn thay cho mục tiêu dạy đơn môn. Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã xây dựng trên 100 chương trình để bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng giải thích với những môn học mới xây dựng trên cơ sở các môn học độc lập trước đây (như môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), giáo viên trước đây dạy môn học nào thì vẫn đảm nhiệm phân môn tương ứng.
Ngoài ra, những chuyên đề tích hợp kiến thức có liên quan của nhiều môn học, tùy theo năng lực thực tế của giáo viên, hiệu trưởng có thể phân công giáo viên đảm nhiệm hoặc giao cho tổ chuyên môn tự thảo luận, thiết kế bài giảng và thực hiện.
“Dĩ nhiên sẽ cần bồi dưỡng, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng cách tổ chức dạy học, phương pháp dạy học chứ không phải bổ sung kiến thức cho giáo viên như dư luận trong giáo giới hình dung”, ông Hiển nói.
Giải đáp về quy trình thực hiện “cuốn chiếu” chương trình giáo dục phổ thông, ông Hiển nhấn mạnh “việc thử nghiệm sẽ thực hiện ngay trong khi xây dựng chương trình giáo dục tổng thể và chương trình môn học”.
Đây là điểm khác biệt của việc đổi mới chương trình lần này, sẽ rút ngắn thời gian thử nghiệm khi không áp dụng thử nghiệm toàn bộ chương trình mới mà chỉ thử nghiệm những nội dung mới trong chương trình được thiết kế.
Việc thử nghiệm do chính các tác giả xây dựng chương trình triển khai. Kết quả thử nghiệm sẽ được phân tích để điều chỉnh, bổ sung ngay trong quá trình xây dựng.
Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150822/giao-duc-pho-thong-tong-the-9095-chuong-trinh-co-the-thuc-hien-ngay/956268.html