Em muốn đi trên đôi chân của mình…

Nhiều tân sinh viên khi bước vào trường đại học hoặc đi du học mới nhận thấy khi học ở trường phổ thông bị thầy cô dẫn dắt, bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà không được trao chìa khóa tự học, khuyến khích tư duy sáng tạo. Làm thế nào để giúp học trò thoát khỏi “cái bóng”, lối mòn của thầy cô?

Tại buổi lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Marie Curie ở TPHCM, sau nghi lễ, thủ tục, thầy hiệu trưởng đọc lá thư của một cựu học sinh vừa thi đậu Trường ĐH Y tại TPHCM gởi về. Lá thư chứa đựng nhiều tâm sự, giãi bày và hơn cả là thông điệp dành cho thầy cô - những người đang giữ vai trò khai sáng, kiến tạo tri thức, giúp học sinh tự tin bước vào đời.

Trong nhiều lời thổ lộ, bộc bạch với thầy cô, học sinh này nói rằng khi học ở trường em muốn đi trên đôi chân của mình chứ không muốn đi trên đôi chân của thầy cô. Em muốn được suy nghĩ riêng, thể hiện cái tôi của mình… Nhưng thầy cô ít lắng nghe và em sợ nói ra điều mình suy nghĩ mà không giống thầy cô sẽ bị điểm thấp. Đó là chưa kể thầy cô nào cũng coi môn mình dạy quan trọng và bắt học sinh phải học thuộc, nạp nhiều kiến thức khiến áp lực học hành luôn đè nặng…

Kể về lá thư nặng trĩu tâm tư của cậu học trò này, thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, nói: “Tôi đã đọc bức thư này nhân ngày khai trường để chia sẻ điều học sinh mong muốn, kỳ vọng ở thầy cô. Từ đó họ sẽ chủ động thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy theo yêu cầu đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm. Để học sinh tự tin đi trên đôi chân của mình thì thầy cô phải trao cho học sinh niềm tin, giúp các em tự mở chìa khóa tri thức chứ không thể dẫn dắt đi theo lối mòn, tư duy cũ - cái bóng của họ…”.

Học sinh TPHCM phản ánh những vấn đề bức xúc về quá trình dạy và học.

Học sinh TPHCM phản ánh những vấn đề bức xúc về quá trình dạy và học.

Nhiều du học sinh khi ra nước ngoài học tập mới thấy mình lép vế, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng sống và thiếu sự năng động, cởi mở so với bạn bè quốc tế vì quen với cách dạy và học thụ động ở trong nước. “Ở môi trường du học, chúng em được khuyến khích thể hiện ý tưởng, đề tài nghiên cứu và trong những giờ thuyết trình, học sinh, sinh viên được trình bày những gì mình muốn nói, kể cả ý kiến trái chiều với giảng viên. Hơn nữa thầy cô ở đây rất thân thiện, luôn đồng hành cùng học sinh, sinh viên…” - đó là tâm sự của nhiều du học sinh.

Cũng theo một số du học sinh, ở môi trường giáo dục Việt Nam, học sinh luôn bị gò theo khuôn mẫu, chuẩn kiến thức lẫn tư duy của thầy cô. Vì thế, học sinh nào có tư duy lạ, cách làm bài hay, sáng tạo thì ít được thầy cô cổ vũ hoặc khuyến khích bằng cách cho điểm số cao.

Một du học sinh từng học ở một trường THPT có tên tuổi ở TPHCM bức xúc kể lại: “Hồi còn ở trong nước, em đi học thêm một giáo viên dạy toán giỏi ở trường khác, khi làm bài tập không theo cách dạy của thầy phụ trách môn toán nên bị trừ điểm, dù kết quả đúng. Điều này khác hẳn với những gì em được khuyến khích phải luôn sáng tạo, phải luôn đổi mới trong cách làm bài tập hoặc thuyết trình đề tài khi học lớp 12 và đại học ở nước ngoài…”.

Thầy “sáng” thì trò mới “tạo”

Tại cuộc đối thoại giữa học sinh phổ thông với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM ở năm học 2013 - 2014, một học sinh đã nêu ý kiến và kiến nghị ngành giáo dục phải đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa và lược bỏ những kiến thức không cần thiết, chưa phù hợp với độ tuổi học sinh. Một số học sinh khác đề nghị giảm giờ học lý thuyết, tăng giờ thực hành, giờ dạy kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa…

Thế nhưng, những kiến nghị của các em được lắng nghe, thấu hiểu đến đâu? Dù có nhiều nỗ lực, cố gắng đổi mới hoạt động giáo dục, chú trọng cải thiện chất lượng đào tạo, nhưng nhiều trường ở TPHCM vẫn chưa thể áp dụng chuẩn tiên tiến, dạy học theo dự án, khuyến khích học sinh sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.

Ngoài sĩ số lớp học quá đông, khó áp dụng cách dạy học theo chuẩn tiên tiến thì trở ngại chính là trình độ giáo viên ở các cấp học hiện chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể, phải lấy học sinh làm trung tâm và dạy những gì học sinh cần chứ không phải dạy những gì giáo viên biết và nhồi nhét kiến thức theo sách giáo khoa, tạo áp lực học thêm… Như thế, để có những bài giảng hay, tiết học hấp dẫn thì mỗi giáo viên phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự làm mới bản thân.

Theo TS Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM), năng lực tự học, tự nghiên cứu là những năng lực quan trọng để dạy, hướng dẫn học sinh tự biết học, tự nghiên cứu. Sẽ khó có thể tạo ra một học sinh biết tự học, tự nghiên cứu nếu như người thầy chưa biết cách học hiệu quả hoặc lúng túng trong việc tự học, tự nghiên cứu. Điều này thể hiện khá rõ là đa số giáo viên chỉ đóng vai trò “thợ dạy” chứ chưa coi trọng việc nâng cao năng lực tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, đổi mới cách truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Thậm chí, số giáo viên có sức ì, tư duy cũ, ngại đổi mới… chiếm tỷ lệ không nhỏ trong ngành giáo dục. Đây chính là lực cản đối với công cuộc đổi mới chấn hưng nền giáo dục và sức ì này như bóng đen luôn phong tỏa sự sáng tạo. Nó cũng khiến học sinh ngán ngẩm, mất hứng thú học hành. Như thế, ngoài khuyến khích đội ngũ giáo viên tự làm mới bản thân, tự học, tự nghiên cứu, các “cỗ máy” đào tạo ngành sư phạm cũng phải truyền lửa, trang bị năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy sáng tạo cho giáo sinh.

Trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, tri thức nhân loại, nhà giáo thời đại mới phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với công cuộc đổi mới giáo dục. Nếu họ không tự đổi mới phương pháp giảng dạy, không giúp học sinh tự đi trên đôi chân của các em thì làm sao thế hệ trẻ có thể tự tin bước vào đời, hội nhập nhanh với thế giới.