Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Những điều được và chưa được

Lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học được gộp lại trong một kỳ thi "2 chung". Nhiều vấn đề cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm từ kỳ thi này.
Kỳ thi THPT Quốc gia được xem là một kỳ thi lịch sử, một trận đánh lớn của ngành giáo dục. Sau rất nhiều lo ngại, thậm chí cả ngờ vực, cuối cùng Kỳ thi THPT Quốc gia 2 trong 1 hay còn gọi là kỳ thi 2 chung - là ước mơ ấp ủ lâu nay của Bộ GD&ĐT - đã được tổ chức thành công theo đánh giá của Bộ.

Lần đầu tiên sau 13 năm, Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyển từ thi ba chung trở thành Kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích: lấy kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Những điểm được từ Kỳ thi THPT Quốc gia

Về bản chất, phương thức thi không thay đổi, vẫn là bài thi từng môn như truyền thống, nhưng trong cách thức ra đề đã tích hợp cả kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao. Điều này giúp tiết kiệm thời gian của thí sinh, từ 4 ngày thi tốt nghiệp và 6 ngày thi đại học, cao đẳng xuống còn tổng cộng 4 ngày thi cho cả 2 mục đích. Việc rút ngắn thời gian thi còn làm giảm áp lực căng thẳng đối với học sinh lớp 12. Trước đây, các em phải tham gia thi trong tháng 6 rồi đến tháng 7.

Bên cạnh đó, việc thí sinh có điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển sau khiến các em có thêm cơ hội đỗ đại học, cao đẳng, tránh tính trạng nhiều em điểm cao mà vẫn trượt như trước đây.

Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT công bố công khai phổ điểm và các số liệu tham khảo về kết quả thi để hỗ trợ thí sinh xét tuyển. Tỷ lệ đỗ THPT là 91.58%, đã phản ánh sát hơn tình hình thực tế.

Kỳ thi THPT Quốc gia đã thực sự thành công?

Đến thời điểm này, chưa có tổng kết nào cho thấy việc tổ chức kỳ thi chung có giúp tiết kiệm chi phí hay không? Vì kỳ thi vẫn diễn ra cả ở cụm đại học và cụm địa phương, công tác xét tuyển khiến việc đi lại của nhiều thí sinh ở tỉnh xa cũng khá vất vả và tốn kém.

Ngoài ra, phổ điểm một số môn chưa chuẩn phần nào cho thấy công tác ra đề những môn này vẫn chưa đạt mục tiêu phân hóa tốt thí sinh. Công tác xét tuyển chưa tính toán hết những vấn đề về kỹ thuật, khiến thí sinh và gia đình còn bối rối, thiếu thông tin, thiếu sự chủ động.

Đến thời điểm này, công tác xét tuyển đại học, cao đẳng vẫn chưa kết thúc, vì thế việc đánh giá toàn diện Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tiến hành sau một thời gian nữa, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần phải được rút ra để những kỳ thi sau được tốt hơn.

Xuất hiện tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo

Tại TP.HCM, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn tạm thời để thí sinh tạm yên tâm nếu có số điểm trong khu vực an toàn, nhưng lại xuất hiện tình trạng trúng tuyển ảo.
Một ví dụ về tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo: Tại Đại học Y Dược TP.HCM, thí sinh tên Huy đạt 31,25 điểm. Thí sinh này xuất hiện trong danh sách của cả 2 ngành: Bác sĩ Đa khoa và Bác sĩ Răng hàm mặt. Sở dĩ, có tình huống này là vì hầu hết các trường đều công bố danh sách thí sinh trúng tuyển ở cả 4 nguyện vọng. Thí sinh điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 cũng có tên trong danh sách thống kê của ngành khác. Điều này khiến điểm xét tuyển tạm thời của các ngành bị đẩy lên cao so với thực tế, còn thí sinh thì phân vân: rút hay nộp hồ sơ.

Để loại bỏ thí sinh trúng tuyển ảo, một số trường Đại học tại TP.HCM đã xây dựng phần mềm riêng giúp thí sinh biết vị trí ở đâu so với chỉ tiêu của ngành. Tuy nhiên, với những trường còn lại, thí sinh phải tự loại bỏ các trường hợp ảo, để có lựa chọn đúng đắn.

Lưu ý khi thay đổi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1

Các thí sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, được phép thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngay tại địa phương, thay vì phải đến tận các trường đại học để rút hồ sơ.
Để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trước hết, các em cần truy cập vào phần mềm quản lý tuyển sinh hoặc các trang báo điện tử, tải miễn phí đơn hướng dẫn, rồi khai báo những thông tin. Đặc biệt, các em phải chú ý khai báo nguyện vọng mới ở trường mà mình thay đổi.

Sau khi hoàn thiện đơn, thí sinh nhớ mang theo giấy biên nhận nộp hồ sơ tại trường cũ và Phiếu xác nhận từ bưu điện (nếu có) đến nộp tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở quy định.

Sau khi thí sinh nộp hồ sơ thay đổi, các Sở GD&ĐT sẽ cập nhật vào phần mềm. Dữ liệu sẽ được gửi đồng thời vào trường cũ và trường mới gần như tức thời, từ đó thực hiện thay đổi cho các em.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin.

Yêu cầu trường THPT hỗ trợ thí sinh tra cứu thông tin xét tuyển ĐH, CĐ

Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn bản đề nghị hỗ trợ thí sinh trong xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tra cứu các thông tin tuyển sinh và cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chi đạo các trường THPT mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin;

Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để thí sinh biết.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định cho phép thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác được trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành), hoặc có thể tới Sở GD&ĐT địa phương hay tới các trường THPT do Sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

Hiện, công tác xét tuyển đợt 1 vào ĐH, CĐ đã đi được hơn nửa chặng đường. Hai văn bản nói trên được ban hành trong thời gian này đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho thí sinh trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Công bố thông tin đăng ký xét tuyển trên phương tiện truyền thông

Thông tin đăng ký xét tuyển của các trường sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Thông tin đăng ký xét tuyển sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở những địa bàn khó khăn.
Ngày 12/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc tổ chức cho thí sinh tra cứu thông tin đăng ký xét tuyển của các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.

Cụ thể, để tạo điều kiện có thí sinh các vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn tra cứu các thông tin tuyển sinh và cập nhật thông tin xét tuyển các các trường, Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT như sau:

- Chỉ đạo các trường trung học phổ thông mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin.

- Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để thí sinh biết.

Trước đó, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng quy định, các trường công bố thông tin về đăng ký xét tuyển vào trường (3 ngày/lần) theo văn bản hướng dẫn về tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, việc công bố thông tin đăng ký xét tuyển NV 1 để thí sinh có đầy đủ thông tin phục vụ cho việc đăng ký xét tuyển.

Bộ yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về việc công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, xếp thứ tự theo tổng điểm từ trên xuống và ghi rõ chỉ tiêu của từng ngành (nhóm ngành).

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường cập nhật thông tin hằng ngày; duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian tổ chức xét tuyển.

Nhà trường cần công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển đến thời điểm công bố so với chỉ tiêu xét tuyển, để thí sinh tham khảo; không được cấp giấy báo nhập học hoặc giấy chứng nhận trúng tuyển trước ngày 21/8.

Lý do xét tuyển đại học 2015 \'bị loạn\'

Vì Bộ GD-ĐT chưa lường hết các tình huống do thí sinh ảo gây ra.

Tiếp tục nhận xét về Kỳ thi THPT Quốc gia, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết: "Nhìn vào bản chất của việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đợt 1 (tôi dùng từ "đợt 1" thay vì "nguyện vọng 1" như Bộ GD&ĐT đã sử dụng để tránh nhầm lẫn với 4 NV mà thí sinh được phép đăng ký trong đợt này) không khác gì với đợt xét tuyển NV2 của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2014 trở về trước.

Giống nhau ở chỗ: Thí sinh đã biết điểm thi của mình rồi và dựa vào số điểm đã có để lượng sức mình mà nộp vô ngành mình có khả năng đâu. Sau khi nộp hồ sơ thí sinh có thể xem số thứ tự (STT) của mình trong danh sách ngành đã đăng ký để doán khả năng đậu. Nếu thấy khả năng đậu không cao thì có thể xin rút hồ sơ để nộp vào những ngành khác có khả năng đậu cao hơn.

Tuy nhiên, đợt ĐKXT lần này có 2 sự khác biệt căn bản có tác động qua lại lẫn nhau làm cho tình hình rối loạn nhiều hơn mức mà Bộ GD&ĐT có thể dự đoán.

Số lượng thí sinh cần nộp hồ sơ ĐKXT đợt này gần 1 triệu người thay vì vài mươi ngàn thí sinh như đợt xét tuyển NV2 của các năm trước. Điều quan trọng mà Bộ GD&ĐT và nhiều người chưa lường trước là số lượng thí sinh có điểm cao chưa bị kẹt vì đã trúng tuyển rồi (như kỳ thi tuyển sinh ĐH các năm trước) rất cao, kết hợp với việc các em này được nộp hồ sơ vào 4 ngành đã gây tác động xấu, tạo nên sự bất an cho xã hội như chúng ta đã thấy trong mấy ngày qua.

Vì muốn làm vừa lòng thí sinh, muốn vừa lòng mọi người, muốn nhận được dư luận tốt của xã hội nên Bộ GD&ĐT đã "chìu lòng" thí sinh bằng cách cho phép mỗi thí sinh được chọn 4 ngành (gọi là nguyện vọng - NV), thay vì chỉ được chọn 1 ngành như các năm trước. Sự mở rộng số lượng ngành được đăng ký này đã kết hợp với yếu tố thứ nhất làm cho sự rắc rồi được nhân lên gấp bội".

"Để ứng phó với tình thế bất ngờ này ngày 11/8 đã ban hành công văn số 4079 chỉ đạo các trường ĐH phối hợp với các sở GD&ĐT thực hiện các biện pháp gở rối. Tuy nhiên các biện pháp này chủ yếu dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GD&ĐT nhưng thực tế thì phần lớn các trường ĐH sử dụng phần mềm riêng để nhận hồ sơ xét tuyển, như vậy câu hỏi đặt ra: Liệu giải pháp chữa lửa này có phát huy tác dụng không? Có làm cho xã hội bớt hoang mang không, nhất là khi thời gian hết hạn nộp hồ sơ ngày càng đến gần? Liệu sau ngày kết thúc nhận hồ sơ các trường phải giải quyết cù cặn do giải pháp này tạo hay không" - PGS.TS Xê lo lắng.

Nhiều thí sinh cho biết, dù thế nào, các em cũng sẽ nộp hồ sơ trực tiếp, vì cho chắc ăn, đỡ sảy ra mất mát. Hơn nữa, đến tận nơi còn được hướng dẫn viết hồ sơ đăng ký xét tuyển, tránh sai sót không đáng có.

Sẽ có nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong một năm

ĐHQG Hà Nội vừa kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2015 với gần 17.000 thí sinh đăng ký dự thi (đạt 63,9%), không có thí sinh nào bị kỷ luật, chỉ có 4 trường hợp phải chuyển ca thi, không có thí sinh nào ốm đau bất thường.
Từ kết quả của 2 đợt thi đánh giá năng lực vào các trường thành viên cho thấy đã thành công và đạt hiệu quả như mong đợi, từ năm 2016, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển các trường thành viên và sẽ tổ chức thi nhiều đợt trong năm.

Đánh giá về hiệu quả của kỳ thi này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - cho biết: Nếu làm phép so sánh, chúng ta sẽ thấy đợt 1 có 119 thí sinh chuyển ca thì đợt 2 chỉ có 4 em.

Có được kết quả này là nhờ cảnh báo từ giáo viên và hệ thống cảnh báo trên phần mềm. Không có sự cố bất thường, tác động rủi ro từ thời tiết, thiên tai.

Kỳ thi đã diễn ra đúng kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra. Những kinh nghiệm rút ra từ đợt 1 tỏ ra rất hiệu quả ở đợt 2 - Ông Sơn nhấn mạnh.

Có thể nói cách thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh 2015 bằng bài thi đánh giá năng lực đã thành công, đạt được các mục tiêu mà ĐHQG Hà Nội đặt ra, đó là tuyển sinh bằng đánh giá năng lực.

Đề thi, phần mềm, quy trình thực hiện, cũng như các mục tiêu về đo lường đánh giá đã đạt được. Điều này cho thấy năng lực, trình độ khoa học về kiểm tra đánh giá của ĐHQG Hà Nội đã nâng lên một bước.

Ngoài ra, xã hội cũng đã biết đến phương thức thi mới và thể hiện sự tin tưởng vào kỳ thi. Kỳ thi đã khẳng định được những ưu điểm như: Hạn chế được tiêu cực trong thi cử với số lượng vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật rất ít; Kết quả đánh giá khách quan, chính xác và tin cậy, khắc phục việc học lệch.

Việc thí sinh cũng đã thích ứng tốt với công nghệ khảo thí hiện đại, cho thấy việc tổ chức một kỳ thi trên nền tảng công nghệ cao không phải một việc quá khó mà hoàn toàn có thể làm được.

Hiện các trường thành viên đang gọi thí sinh nhập học, sau khoảng 2 ngày gọi thí sinh thì các đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội sẽ công bố chính xác chỉ tiêu còn lại trong đợt 2 cho từng ngành.

Nhưng điều kiện để được nộp đơn ứng tuyển sẽ khác nhau ở các chương trình đào tạo nhưng theo nguyên tắc bằng hoặc cao hơn so với điểm chuẩn đợt đầu tiên.

Năm 2016 sẽ có nhiều hơn 2 đợt thi đánh giá năng lực. Việc có cụ thể bao nhiêu đợt thì thời điểm này chưa thể biết được mà còn chờ đợi ý kiến của Bộ GD&ĐT. Những đại học khác có nguyện vọng sử dụng hình thức thi này thì ĐHQG Hà Nội sẵn sàng chia sẻ.

Cụm thi THPT tại Nghệ An: 23 bài thi phúc khảo được nâng điểm

Chiều 12/8, thông tin từ Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, đơn vị này đã hoàn tất công tác chấm thi phúc khảo, theo đó có 23 bài thi được nâng điểm.
Trước đó, từ 1 – 3/8 đã có hơn 1.700 bài thi THPT quốc gia được yêu cầu phúc khảo, trong đó có hơn 1.300 bài thi tại cụm do Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì. Môn Toán có nhiều bài thi yêu cầu phúc khảo nhất, 461 bài thi, Văn học có 342 bài thi, tiếp đó là tiếng Anh và Địa lý.

Nhiều thí sinh mặc dù điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên 20 điểm, nhưng vẫn trượt tốt nghiệp THPT do bị điểm liệt.

Kết quả chấm phúc khảo có 23 bài thi được nâng điểm, trong đó môn tiếng Anh 11 bài, môn Toán có 7 bài, Văn học 2 bài, Địa lý 2 bài, Sinh học 1 bài.

Các bài thi được thay đổi điểm số phần lớn là các bài tự luận, cộng điểm sai thành phần. Đối với bài thi trắc nghiệm, do thí sinh tô mờ các ô tích kết quả hoặc dùng bút mực để tô nên máy chấm không đọc được.

Mức điểm các bài thi phúc khảo tăng trung bình 0,5 điểm/bài thi. Tuy nhiên, đến sau ngày 15/8, các thí sinh mới biết chính xác kết quả thi tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Tổng hợp