Chỉ tiêu hàng ngàn, tuyển được vài trăm

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2014, nhìn số thí sinh đăng ký vào hệ cao đẳng (CĐ), Thạc sĩ Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn chua chát: "Năm nay các trường ĐH tuyển sinh riêng theo hình thức xét tuyển học bạ THPT nên tương lai các trường CĐ sẽ "chết" bởi tâm lý chuộng ĐH vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người dân".

Theo Thạc sĩ Lê Lâm, năm nay Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn có chỉ tiêu 1.900 với 10 ngành, nhưng mới chỉ có 700 hồ sơ nộp. Tương tự, TS.Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho biết, trường được chỉ tiêu là 2.400, tuy nhiên dự kiến chỉ khoảng 40%-50% trong tổng số hơn 2.000 thí sinh đạt điểm sàn nhập học nên nhiều ngành sẽ thiếu sinh viên. Không chỉ trường CĐ mà hệ CĐ trong trường ĐH cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh như ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai…

Xét tuyển nguyện vọng 2014: Cao đẳng khó tuyển sinh

Xét tuyển nguyện vọng 2014: Cao đẳng khó tuyển sinh

Ở các tỉnh, thành phố khác hoàn cảnh cũng tương tự. Năm học 2014-2015, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu được Bộ GD-ĐT giao 380 chỉ tiêu hệ CĐ, 200 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp, nhưng đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ tuyển sinh, trường chỉ nhận được 32 hồ sơ đăng ký. Trước thảm cảnh này, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GD-ĐT cho phép trường ngừng tuyển sinh để xem xét sát nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu vào Trường CĐ Nghề.

Ở khu vực miền Tây, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết, nhà trường vừa thông báo dừng tuyển sinh 3 ngành học bậc CĐ gồm Sư phạm tin học, Sư phạm lịch sử, Tin học ứng dụng do số lượng thí sinh đăng ký quá ít, không đủ mở lớp.

Tự cứu bằng nhiều cách

Trước tương lai u ám, nhiều trường CĐ đang phải tìm hướng đi mới để tự cứu mình. TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt cho biết, nhà trường vừa ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo và phát triển du lịch bền vững với Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang. Mục tiêu là tạo ra lực lượng lao động chuyên nghiệp cả về cấp quản trị và cấp chuyên môn phục vụ ngành du lịch của tỉnh này. Nội dung hợp tác tập trung vào ba hướng chính: Tư vấn chiến lược phát triển ngành du lịch; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch và các chuyên môn khác có liên quan đến phát triển nguồn lực; nối kết, mở rộng mạng lưới với các đối tác trong ngành du lịch tại các địa phương trên cả nước. Hai bên sẽ xúc tiến xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai các gói đào tạo ngay trong quý I năm 2015.

Ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex cho biết, để giải quyết khó khăn trong khâu tuyển sinh, trường cũng đã kết hợp cùng doanh nghiệp dệt may đào tạo sinh viên theo nhu cầu sử dụng của họ với hình thức: Doanh nghiệp trả chi phí đào tạo, bố trí nơi thực tập và nhận sinh viên khi tốt nghiệp. Người học không phải đóng học phí, bảo đảm việc làm và trường cũng có được nguồn thu, giảm chi phí. Sắp tới trường dự kiến thực hiện mô hình này với các ngành thiết kế thời trang, công nghệ may.

Tuy nhiên, không phải trường CĐ nào cũng có đủ lực, đủ mối quan hệ để làm được như 2 đơn vị nêu trên. Thế nên ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex mới cho rằng "Nếu tình hình này tiếp tục thì không ít trường cao đẳng sẽ rơi vào tình trạng "chết dần" như các trường trung cấp hiện nay".

Nguồn HMM, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/707096/canh-bao-tuong-lai-u-am-cua-cac-truong-cao-dang