Khi cách mạng công nghệ diễn ra như vũ bão, quá trình trao đổi thông tin GD của các trường, của hệ thống ngành cũng như giữa các quốc gia diễn ra với tốc độ chóng mặt, chất lượng thông tin luôn được đánh giá và kiểm định. Do đó trường/sở nào có khả năng xử lý thông tin tốt hơn và sử dụng thông tin một cách hiệu quả hơn sẽ có nhiều khả năng giành được lợi thế.

"Phải nghĩ cách”…

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học tiếp tục được làm nóng tại hội nghị giao ban vùng giữa 5 TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ cuối tuần qua.

Theo chỉ thị từ năm học tới, sẽ chấm dứt thi tuyển vào lớp 6. Không thi, không lấy trình độ văn hóa để tuyển vì đây là bậc học phổ cập, Bộ trưởng giải thích rõ. Nếu cứ luyện thi vào lớp 6 như cách cũ ắt sẽ lại dạy thêm học thêm, không đúng với chủ trương phổ cập.

Nhiều bất cập giáo dục, quản lý tại trường công lập

Sẽ chấm dứt thi tuyển vào lớp 6

Chỉ đạo sáng trưng nhưng tại hội nghị trên, lãnh đạo một số Sở vẫn băn khoăn "hộ” một số trường trọng điểm. Rằng nếu không thi tuyển/khảo sát ban đầu thì mấy trường vốn có đầu vào cao làm cách nào tuyển được? – "Đề nghị các Vụ của Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết hơn”, một lãnh đạo Sở thẳng đặt vấn đề với Bộ. Có lẽ khá bất ngờ với sự tin cậy tuyệt đối, gần giống sự "bắt đền” tuyệt đối của cấp dưới dành cho mình, lãnh đạo Bộ đành gợi ý "phải nghĩ cách”!

Tuy nhiên cũng lo ngại này, có vị trưởng phòng một Sở cho biết sẽ nghiên cứu và xin ý kiến để hướng dẫn các trường tuyển sinh năm tới. Nghĩa là khi thông quan điểm rồi sẽ tìm cách triển khai, thay vì chờ cấp trên cầm tay chỉ việc.
Nếu trong xu thế đổi mới căn bản toàn diện, những nhà quản lý giáo dục địa phương vẫn y như xưa nay, không đủ sức sáng tạo để đưa chỉ thị mới vào cuộc sống thì sẽ chẳng có gì để… mới. Đúng như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, phải tác động chính vào yếu tố con người mới có thể đổi mới quản lý, và "hiểu nghĩa rộng thì toàn bộ đề án về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT là thể hiện sự đổi mới về quản lý”.

Làm nên khác biệt

Trong xã hội, hai ngôi trường giống nhau về cơ sở vật chất, các thầy cô cũng cùng tốt nghiệp một trường nhưng chất lượng học sinh lại khác nhau, là do tư duy quản lý, do quy trình giáo dục/ đào tạo đã tạo ra sự khác biệt này. Giáo dục chính là nơi con người làm nên sự khác biệt.

Một số trường tư học phí cao vẫn được phụ huynh chọn cho con học vì ở đó không có tiết mục dạy thêm học thêm. Ở đó nhà quản lý có cơ chế lắng nghe học sinh/phụ huynh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, có cơ chế thưởng/phạt để giáo viên nâng cao trình độ, xóa đi thái độ áp đặt về mặt kiến thức và giúp học sinh chọn lọc, xử lý thông tin trong môi trường đa dạng như hiện nay. Đặc biệt cả giáo viên, học sinh đều được khuyến khích kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị rủi ro, tai họa bất ngờ…

Trong khi đó đa số trường công, các nhà quản lý xem nhẹ chính sách huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm hay trong các bộ phận. Rất nhiều trường công đã nhận được danh hiệu trường chuẩn quốc gia nhưng nhiều năm chưa biết khai thác triệt để ưu thế tương đối đó để bật lên thành một biểu tượng trong ngành. Cách tư duy của những thầy cô vẫn hết sức bảo thủ, cấp trên bảo sao làm vậy, vẫn nặng kiểu giáo làng thủ thế...

Như câu chuyện của GS Lâm Quang Thiệp kể tại một cuộc họp về đổi mới căn bản và toàn diện GDVN trong môi trường CNTT cách đây 2 năm. Ông bảo có vị hiệu trưởng đề nghị một giáo viên giỏi đưa tất cả các bài giảng của họ lên mạng thì bị đáp lại: "Nếu đưa lên mạng thì còn cần gì tôi nữa?”. "Ồ, nếu anh nghĩ là như vậy không cần anh nữa thì quả thật là …không cần thật”, vị hiệu trưởng đành nói. Cũng tại đây nhiều đại biểu nói thẳng, CNTT nước ta đi vào giáo dục rất chậm vì bản thân giáo dục là một ngành rất bảo thủ.
Hiểu đúng về đổi mới


Nhìn rộng cả nước, không ít lãnh đạo Sở GD&ĐT ghi nhận chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học là động thái quan trọng giúp các trường giảm áp lực "bề nổi”, giải phóng giáo viên khỏi áp lực thành tích… Nhưng thói bảo thủ tích lũy khiến nhiều chủ trương đổi mới của ngành bị "tấn công” từ chính người trong cuộc. Có "chuyên gia” cũng phản ứng với việc bỏ cho điểm, bỏ đội tuyển học sinh giỏi tiểu học.

Dạy mà bất cần quan tâm học sinh sẽ làm được gì sau khi học, chỉ cần biết thi cử thế nào thì dạy theo hướng đó, là bảo thủ. Ngay đào tạo ĐH, các trường công cũng dạy để "cấp bằng” mà không gắn chặt với doanh nghiệp, không cần biết doanh nghiệp có nhu cầu gì để đào tạo theo nhu cầu đó, là bảo thủ. Biết được đã khó, sửa để đổi mới càng khó.

"Mọi quy định sẽ trở nên khó thực hiện nếu chúng ta cứ mãi trì trệ đi theo một lối mòn. Làm giáo dục, cần dám nghĩ, dám làm mới mong tiến bộ và phát triển được”, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ nói vậy về chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm mới đây, và rộng hơn là hãy hiểu đúng những chỉ đạo đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Theo Báo Đại đoàn kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=93382&menu=1420&style=1