Chương trình diễn ra tại Trường ĐH Tài chính kế toán (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi và Trường ĐH Tài chính kế toán phối hợp tổ chức.

Băn khoăn nhu cầu việc làm theo ngành học

Các học sinh nhận tài liệu tư vấn tuyển sinh từ ban tổ chức - Ảnh: Trần Mai

Cần theo dõi kỹ thông tin từ các trường

Ở phần tư vấn chung, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cung cấp thông tin về những điểm mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Theo PGS.TS Hùng, hầu hết các trường ĐH chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường còn dựa vào học bạ, tổ chức kỳ thi riêng, thi môn năng khiếu…

Em Phạm Thị Ngọc Huyền (Trường THPT Số 1 Tư Nghĩa) thắc mắc: nếu nộp NV 1 mà rớt thì sẽ nộp các nguyện vọng khác như thế nào?

Thầy Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng ĐH Marketing, cho biết sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường ĐH căn cứ vào ngưỡng điểm để công bố chỉ tiêu, xét tuyển chung các ngành. Một số trường công bố điểm riêng cho từng ngành. Nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh có thể nộp vào các trường thiếu chỉ tiêu, thông tin sẽ được công bố rộng rãi trên web, phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều học sinh dự định thi vào các ngành năng khiếu thuộc ĐH Đà Nẵng băn khoăn sau khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia xong sẽ thi năng khiếu như thế nào?

Về vấn đề này, TS Giang Thị Kim Liên, phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết khoảng hai tuần sau khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các em phải lên ĐH Đà Nẵng để xem lịch cụ thể, còn về môn thi năng khiếu không có gì thay đổi so với năm trước.

Một thí sinh khác băn khoăn: “Nếu đăng ký thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp, có thể xét vào các trường ĐH được không?”. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP.HCM, nhấn mạnh là không được, mà chỉ đủ điều kiện xét vào các trường TCCN, CĐ nghề và phải kèm theo học bạ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý đến việc nộp hồ sơ xét tuyển, học bạ cho những trường yêu cầu. TS Trần Thế Hoàng, ĐH Kinh Tế TP.HCM, lưu ý học sinh thường xuyên theo dõi trang web của các trường bởi đây là kênh thông tin tham khảo sơ tuyển khá cụ thể, đầy đủ.

Ngành tài chính, ngân hàng khó tìm việc, tân SV làm sao?

Ở phần tư vấn chuyên sâu, nhiều học sinh nữ quan tâm đến ngành công an và thắc mắc nếu không trúng tuyển có thể học trung cấp không và cách thức làm hồ sơ có gì mới? Theo TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), các trường công an, quân đội chỉ tuyển 10-15% thí sinh nữ, học sinh cần lưu ý kỹ trước khi chọn trường.

Hồ sơ xét tuyển phải ghi rõ nếu điểm xét tuyển không đủ thì đăng ký nguyện vọng vào trung cấp, và thí sinh nên đến phường, xã để được hướng dẫn làm hồ sơ, thầy Hạ lưu ý.

Học sinh Phạm Thị Hoàng Duyên, Trường THPT chuyên Lê Khiết, đặt câu hỏi: “Trong những năm gần đây, nhiều anh chị học các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh… đều rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Cơ hội nào cho những tân sinh viên khi nhóm ngành này đang dư thừa một lượng lớn các anh chị đã ra trường và vẫn đang khó khăn khi tìm kiếm việc làm?”.

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo - ĐH Kinh Tế TP.HCM, cho biết trong những năm qua, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có nhiều biến động theo chiều hướng đi xuống. Chính vì thế nhiều công ty cắt giảm biên chế và rất ít công ty mới  ra đời, cơ hội việc làm với các ngành kinh tế trở nên eo hẹp. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái rồi sẽ phát triển, khi đó cơ hội việc làm sẽ rất nhiều.

“Bốn năm nữa các em mới ra trường. Chỉ cần các em có đam mê học tập, tích cực thì sẽ tự tạo cơ hội cho mình”, thầy Hoàng nhấn mạnh.

Nhiều câu hỏi liên quan đến điều kiện đầu vào, đào tạo chuyên sâu, cơ hội việc làm… cũng được học sinh đặt ra cho ban tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, xây dựng, giao thông, y dược, Nông lâm. Nhiều học sinh cũng bày tỏ mong muốn học nghề ra trường và đi làm sớm...

Quan tâm nhu cầu nhân lực của địa phương

Rất nhiều học sinh quan tâm đến nhu cầu nhân lực của địa phương trong những năm sắp tới, đặc biệt là nhu cầu ngành nghề, công việc của Khu kinh tế Dung Quất - một trong những khu kinh tế lớn của miền Trung và Quảng Ngãi.

Theo ông Phạm Hùng, phó trưởng ban quản lý doanh nghiệp và văn xã Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn tăng tốc với 122 dự án được đầu tư hơn 10,5 tỈ USD. Giai đoạn này sẽ triển khai lớn, mở rộng các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, khu công nghiệp dịch vụ cũng sẽ đi vào hoạt động…

Đến năm 2020 cần khoảng 35.000 lao động. Xu thế việc làm ở đây tương đối mới rộng, cần các sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học kỹ thuật.

Còn ông Lê Văn Dũng, phó ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, cho biết các công ty ở Khu kinh tế Dung Quất liên hệ với Ban quản lý đề nghị cung ứng khoảng 2.000 công nhân luyện kim, 3.000 công nhân cơ khí ở các nhà máy thuộc khu kinh tế Dung Quất".

"Các em có cơ hội rất lớn tìm được việc làm phù hợp ngay tại quê nhà khi học các nhóm ngành này”, ông Dũng nói.

Học sinh cũng băn khoăn về "đầu ra" của các ngành ngoại ngữ, CNTT. Các chuyên gia nhấn mạnh: sau khi tốt nghiệp, các ngành này cơ hội việc làm rất cao nhưng đòi hỏi các em khi ra trường phải giỏi, có kỹ năng.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150314/ban-khoan-nhu-cau-viec-lam-theo-nganh-hoc/720500.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp