50% số thí sinh đăng ký 1-5 nguyện vọng

Theo dữ liệu kết quả đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 được Bộ GD-ĐT tổng hợp thì hiện chỉ có 1 thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng. khoảng 50% thí sinh đăng ký từ 1 - 5 nguyện vọng, 30% số thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng, 2% đăng ký từ 8-15 nguyện vọng.

“Thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng sẽ được hội đồng tuyển sinh xét tuyển theo hình thức thủ công, không đưa vào phần mềm tuyển sinh nên các trường có thể yên tâm trong việc chạy phần mềm xét tuyển”, Thứ trưởng Ga trao đổi.

Tuy nhiên, do không khống chế nguyện vọng nên những trường hợp thí sinh có 3 - 5 nguyện vọng vẫn nhiều.

Xét tuyển theo nhóm chung, cả thí sinh và trường cùng có lợi

Trong khi đó, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường. Việc chống “ảo” là bài toán khó khăn đặt ra với nhiều trường năm nay.

Theo Thứ trưởng Ga, nếu các trường xét tuyển độc lập thì khi trường chuyển dữ liệu cho Bộ GD-ĐT, bộ sẽ “lọc ảo” rồi trả dữ liệu về cho trường xử lý.

Nhưng như vậy thời gian sẽ bị kéo dài, việc “lọc ảo” sẽ chỉ là một chiều, các trường không thể “đàm phán” với phần mềm của bộ được nên việc xác định điểm xét tuyển vẫn gặp khó khăn, có thể phải điều chỉnh nhiều lần.

Còn khi các trường tham gia nhóm tuyển sinh chung, trước khi gửi dữ liệu về bộ, các trường tự lọc “ảo” trong nhóm.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết “ảo” rơi nhiều vào các thí sinh có dự định đi học nước ngoài, thí sinh học giỏi trong diện xét học bạ của các trường tốp trên.

Vì thế khi tham gia nhóm tuyển sinh chung, các trường thuận tiện trong việc trao đổi thông tin để điều chỉnh điểm trúng tuyển sát với thực tế.

“Tuyển sinh theo nhóm thì trường cũng lợi, thí sinh cũng lợi. Thí sinh sẽ giảm nguy cơ bị trượt oan do “đỗ ảo”. Hiện nay đang có hai nhóm tuyển sinh chung ở phía Bắc và phía Nam. Giữa hai nhóm chỉ có một phần giao thoa không lớn lắm. Vì thế sau khi các nhóm tự lọc ảo, bộ chỉ phải lọc phần giao thoa, sẽ hạn chế nhiều hơn tình trạng ảo”, Thứ trưởng Ga cho biết.

Theo dự kiến, thời gian xét tuyển đợt 1 trong ba ngày, sau đó Bộ GD-ĐT có ba ngày lọc “ảo” trên cơ sở dữ liệu các nhóm/trường chuyển về.

Gần 50 trường tham gia nhóm miền Bắc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tới thời điểm này đã có trên 40 trường đăng ký chính thức tham gia nhóm tuyển sinh miền Bắc. Dự kiến có khoảng 50 trường sẽ tham gia nhóm này.

Khác với nhóm GX năm trước, các trường tham gia nhóm tuyển sinh chung năm nay không bị ràng buộc bởi mẫu đăng ký xét tuyển riêng. Việc “tuyển sinh chung” không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Trong khi đó, với việc sử dụng chung dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia, sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, các trường có thể rút ngắn thời gian đưa ra điểm chuẩn dự kiến sau khi được "lọc ảo" và tham khảo thông tin trong nhóm.

“Các trường tham gia tuyển sinh chung theo nhóm vẫn được đảm bảo quyền tự chủ. Cụ thể, các trường tự chủ trong việc phân chia nhóm ngành, điều kiện đăng ký xét tuyển, quy định các tổ hợp môn thi/bài thi xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành, quy định tiêu chí phụ trong tình huống có nhiều thí sinh có cùng kết quả điểm thi ở ngưỡng trúng tuyển vào một ngành/nhóm ngành của trường”, ông Hoàng Minh Sơn nói và khẳng định xét tuyển theo nhóm chỉ là việc chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

Hiện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc, cho biết đang xây dựng quy trình xét tuyển để gửi cho các trường thành viên góp ý để thống nhất nội dung công việc, các mốc thời gian thực hiện.

“Các trường phải chuyển cho trường chủ trì dữ liệu về ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển và các tiêu chí phụ (nếu có) để cập nhật vào phần mềm xét tuyển. Ban chỉ đạo nhóm miền Bắc có trách nhiệm kiểm tra, hiệu đính dữ liệu, chạy thử phần mềm xét tuyển, tiếp nhận dữ liệu đăng ký xét tuyển, dữ liệu điểm thi THPT của thí sinh, họp các trường trong nhóm để chốt dữ liệu trước khi chuyển lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT".


Theo tuoitre.vn