Thấp thỏm chờ đợi

Từ nhiều năm nay, Trường ĐH Y tế công cộng vẫn duy trì mức chỉ tiêu ổn định với hai ngành y tế công cộng và xét nghiệm y học dự phòng là 200. Những năm trước, trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Năm nay, trường phải tuyển bổ sung dù chỉ với mấy chục chỉ tiêu. Ông Lã Ngọc Quang, Trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ: “Số hồ sơ chúng tôi nhận được hiện đã cao hơn số chỉ tiêu còn thiếu, nhưng khả năng ảo lại lên đến 100% nên cũng không biết đâu mà lần! Đợt xét tuyển bổ sung nên chúng tôi hiện rất lo, vì không biết việc tuyển sinh bao giờ mới kết thúc”.

Tương tự, bà Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, cho biết: “Cũng nhận được kha khá hồ sơ, điểm cũng khá cao, thậm chí có nhiều em hơn 26 điểm nhưng vẫn lo vì chẳng biết ảo đến đâu”.

Trong số các trường công lập hiện đang phải tuyển sinh bổ sung thì các trường kỹ thuật phải tuyển nhiều chỉ tiêu nhất.

Dù đã thông báo tuyển bổ sung đến lần thứ 2 song Trường ĐH Giao thông vận tải vẫn thấp thỏm với thí sinh (TS) ảo và nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, điều khiến ông Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng nhà trường, băn khoăn nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay là nhiều TS trúng tuyển nguyện vọng 1 (ưu tiên cao nhất) nhưng cũng không đi học dù có nhiều ngành đang là ngành "nóng" của trường. “Việc xét tuyển đợt bổ sung rất khó vì TS có thể chọn nhiều trường. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT cũng đã "buông" việc xét tuyển, các trường tự gọi người học nên không biết được lượng ảo ra sao”, ông Nguyễn Thanh Chương cho hay.

Trường ĐH Mỏ địa chất tuyển bổ sung gần 1.000 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định: “Đợt tuyển sinh này, chúng tôi xác định ảo có thể lên đến 100%. Nên dù đã nhận được 700 hồ sơ, nhưng chúng tôi không kỳ vọng”.

Theo ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải, trường thông báo tuyển bổ sung khoảng 200 chỉ tiêu với hy vọng tuyển được khoảng một nửa số đó. “Tôi nghĩ là hết người để tuyển rồi. Ngay cả số đã xác nhận nhập học rồi, cho đến khi nhập học cũng phải giảm từ 5 - 10% nữa”, ông Nhớ nói.

Tại TP.HCM cũng có rất nhiều trường ĐH công lập phải tuyển bổ sung, thậm chí có trường tuyển đến hơn 1.000 chỉ tiêu.

Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều trường ĐH lớn như: sư phạm Hà Nội, TP.HCM, Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội…

Xét tuyển bổ sung, nhiều trường đại học lo vấn đề 'ảo'

Nguồn tuyển dư sao vẫn tuyển không đủ?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 322 trường ĐH, CĐ sư phạm xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, kết thúc đợt 1 có 170 trường tuyển đủ chỉ tiêu (chiếm 53%). Còn 152 trường vẫn đang thiếu, trong đó có 58 trường thiếu trên 50%. Tuy nhiên, chỉ có hơn 242.000 trong số 363.600 TS trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học (trên 66%). So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia 352.174, thực tế chỉ có trên 68,7% chỉ tiêu đã tuyển được.

Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ đã phân tích rất kỹ trước khi quyết định mức sàn 15,5 điểm. Với mức này, số TS đạt ngưỡng điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu là 317.639, hệ số dư là 1,27. Nếu căn cứ theo số liệu, rõ ràng nguồn tuyển vẫn còn dồi dào nhưng vì sao các trường vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển?

Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM, việc Bộ tính nhầm dữ liệu nguồn tuyển là một thực tế. Theo số liệu từ Bộ, năm nay cả nước có 865.975 TS dự thi, trong đó số TS đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển là 640.425. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ sư phạm thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT là 392.000. So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 420.000 TS, thì chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm nay giảm khoảng gần 100.000, tương đương 20%.

Trước số liệu này, vị phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng không chuẩn xác vì Bộ đã quên chỉ tiêu năm nay không gồm các trường CĐ ngoài sư phạm đang trực thuộc sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH; trong khi số liệu năm ngoái của tất cả các trường ĐH, CĐ toàn quốc. Nếu tính toàn bộ chỉ tiêu ĐH, CĐ, con số này sẽ không phải giảm 20% mà tiếp tục tăng.

Theo Thanh niên