Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới nhất được ban hành vào ngày 28/7 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, dự thảo chương trình lần này vẫn còn có một số điểm cần bàn đến.
TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - có bài viết đề xuất ý tưởng cho chủ đề này. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Với chương trình phổ thông tổng thể cấp tiểu học, việc quan trọng cần giải quyết mấy vấn đề sau: Giải quyết bệnh thành tích trong giáo viên và phụ huynh; giảm tải cho học sinh; tăng cường kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm; tăng cường hoạt động thể chất; chuẩn bị kỹ năng và kiến thức lên các cấp học trên; chuẩn bị kỹ năng và kiến thức vào đời; có tầm nhìn xa 20-30 năm.
Với những mục tiêu trên, chương trình cấp tiểu học cần thiết phải có các nhiệm vụ: Giảm số tiết học của học sinh; tăng cường thực hành trải nghiệm và kỹ năng sống; tăng hoạt động thể dục thể thao; giải quyết mâu thuẫn giữa thời gian học của trẻ và khó khăn của cha mẹ khi đi làm cả ngày.
Dựa trên các nghiên cứu phân tích từ chương trình 1979 cho thấy việc bố trí thời lượng học các môn học là vô cùng quan trọng. Dưới đây, tôi xin hiến kế một chương trình cụ thể như sau:
Thời gian bắt đầu tiết một đang xây dựng vào lúc 8h30. Tuy nhiên, tùy từng vùng miền và điều kiện địa phương, thời gian học có thể là 8h hoặc 7h30.
Theo như cách bố trí này, thời gian học của học sinh tiểu học chỉ dồn vào buổi sáng từ 8h30 đến 12h25 với 5 tiết học, mỗi tiết 40 phút. Thời khóa biểu của học sinh chỉ gồm các môn cơ bản như: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội (Khoa học, Lịch sử & Địa lý), Đạo Đức, Ngoại ngữ, Công nghệ (nếu có), Mỹ Thuật, Hát nhạc, Thủ công.
Buổi chiều là thời gian tự nguyện, nếu các gia đình tự chăm lo được cho con thì sẽ đón về sau 12h25. Những gia đình không có điều kiện thì sẽ gửi con tại trường.
Hoạt động chiều: Thời gian từ 14h-16h30 là các họat động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, lao động, thể thao và nghệ thuật.
Chương trình trải nghiệm của học sinh được bố trí bao gồm: 5 buổi/năm học tại bảo tàng; 5 buổi/năm học tại các cơ sở sản xuất; 5 buổi/năm học tại các địa điểm tham quan.
Chương trình bố trí theo điều kiện của từng vùng. Trong đó, chương trình rèn luyện kỹ năng sống bao gồm các kỹ năng sống cơ bản; thoát hiểm và ứng phó; sử dụng vật nguy hiểm; giao tiếp; sử dụng đồng tiền; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch.
Chương trình lao động bao gồm sản xuất các sản phẩm thủ công; chăm sóc động vật; trồng cây, chăm sóc cây cảnh; hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền cộng đồng theo các chủ đề.
Chương trình thể dục thể thao bao gồm các tiết thể dục hàng ngày; các môn thể thao (theo sự lựa chọn của học sinh và phụ huynh).
Chương trình hoạt động nghệ thuật bao gồm học vẽ, nặn, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt; học nhạc lý, hát, học sử dụng một số nhạc cụ, múa, nhảy.
Lưu ý, chương trình do trường tự thiết kế cho học sinh thông qua việc liên kết với các cung thiếu nhi, các trung tâm nghệ thuật tại địa phương.
Chương trình thể thao cũng do trường tự thiết kế cho học sinh thông qua liên kết với các cơ sở đào tạo thể thao tại địa phương.
Các phần học đều được kiểm tra đánh giá. Phương pháp kiểm tra đánh giá theo thông tư 22. Các kết quả được xét lên lớp bao gồm Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Kỹ năng sống, Thể thao (theo thể trạng của học sinh).
Ưu điểm của chương trình là giảm tải cho học sinh với số tiết học chính thức còn 25 tiết/tuần. Như vậy, thời lượng học của học sinh còn 875 tiết/năm, giảm đáng kể so với chương trình hiện hành, phù hợp với sức khỏe và sự tập trung của học sinh tiểu học.
Thời lượng các hoạt động chiều đủ cho nhu cầu trải nghiệm và hoạt động khám phá của trẻ, đảm bảo được nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp tiểu học, đảm bảo thời lượng cho các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.
TS Vũ Thu Hương
Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội