Nhiều người đặt câu hỏi có cần nữa không ngày khai giảng khi hiện nay, ngày khai trường lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường và ngày lễ khai giảng tổ chức mang tính hình thức, phô trương.

Nhập học trước, khai giảng sau

Ngày khai trường là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học, nhất là với thầy và trò. Sau mấy tháng nghỉ hè, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường.

Lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945 đã khiến không ít người xúc động.

Bác viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.

Cuối thư, Bác chúc: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.

Từ đó, ngày 5/9 trở thành ngày khai trường của học sinh trên khắp cả nước. Ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với học sinh mà với cả phụ huynh và cả cộng đồng.

Vậy nhưng chẳng hiểu tại sao những năm trở lại đây ngày lễ ý nghĩa này lại thay đổi. Học sinh phải đến trường từ tháng 8. Sau gần 1 tháng thầy lên bục giảng, học sinh đến trường, lễ khai giảng mới diễn ra.

Nhiều người đặt câu hỏi có cần nữa không ngày khai giảng khi hiện nay, ngày khai trường lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường và ngày lễ khai giảng tổ chức mang tính hình thức, phô trương không mang lại ý nghĩa thật sự của giáo dục.

Chị Vũ Thị Kim Hoa - Giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, cũng là phụ huynh có con đang học tiểu học chia sẻ: "Rõ ràng đây là thực tế đáng bàn ở Việt Nam. Hai tuần trước ngày khai giảng học sinh đã bước vào chương trình chính thức của năm học mới. Ngày khai giảng đâu còn ý nghĩa nữa".

"Ngày xưa học sinh hào hứng mong chờ ngày khai giảng sau 3 tháng hè bao nhiêu thì giờ con trẻ thờ ơ bấy nhiêu. Chúng nó cầm cờ quạt, bóng bay,.. cũng sôi động lắm nhưng làm sao tìm thấy ở đó sự xúc động của buổi tựu trường ngày xưa?"- chị Hoa đặt câu hỏi.

"Có thể ngành GD-ĐT có nhiều lý do để lý giải, ví dụ chương trình dày nặng nên phải giãn ra học trước, hoàn cảnh từng địa phương có khác nhau… Tôi được biết, ở Mỹ, học sinh vẫn được nghỉ đủ 3 tháng hè, 2 tuần tết.

Nếu vậy, tại sao chúng ta không giảm tải bằng việc cắt giảm chương trình vốn được đánh giá là quá nặng cho phù hợp thời gian quy định?

Hoặc nếu để các con đến trường từ tháng 8 thì nên giành thời gian này là thời gian để các con sinh hoạt ngoại khóa theo đúng nghĩa. Khai trường cần nên là sự mở đầu cho năm học mới với đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc", chị Hoa nêu ý kiến.

Phụ huynh Nguyễn Hồng Hạnh (ngõ 40, phố Chính Kinh, Nguyễn Trãi, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Tôi có hai cháu, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 2. Thời gian này, chúng nó đã đến trường học thêm, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.

Tôi nghĩ, học sinh vất vả học cả năm, có khoảng thời gian nghỉ hè nên cho các em được nghỉ thoải mái.

Còn về lễ khai giảng, tôi nghĩ nên duy trì để tạo động lực, sự hào hức cho học sinh trước thềm năm học mới"

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không cần ngày khai giảng và nên dẹp luôn khi bây giờ ngày này không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa.

Bình luận về vấn đề này, chị Hạnh bày tỏ: "Riêng bản thân tôi vẫn cho rằng lễ khai giảng là cần thiết. Điều quan trọng là chúng ta phải cho trẻ cảm nhận nhận được ý nghĩa quan trọng của lễ khai giảng.

Như Bác Hồ nói, đó là ngày hội toàn dân đưa trẻ đi học, là ngày đầu tiên trẻ bước vào năm học mới sau thời gian nghỉ hè. Vì vậy, điều quan trọng là xem xét tổ chức lễ khai giảng vào thời gian nào cho thực sự hợp lý".

Trong khi đó, anh Sỹ Hùng (phường Trung Tự, quận Đống Đa, HN) thì cho rằng, sự ham mê với kiến thức, tình yêu trường lớp của trẻ không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.

"Khai giảng sau khi trẻ đã đến trường từ tháng 8 là vô nghĩa khi kỳ nghỉ hè của trẻ em bị cắt ngắn, khi người ta tìm cách nhồi nhét cho trẻ chương trình mới từ sớm hoặc nghĩ đến trường là cách để ôn luyện bài cũ.

Nếu cơ quan chủ quản về giáo dục cũng chỉ coi đấy là hình thức, phải tổ chức cho có, như một thói quen, chính họ cũng phải nhìn lại mình để thay đổi. Trừ những lý do đặc biệt buộc phải khai giảng sớm và học ngay, tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn lại một cách thiết thực về ngày khai trường", anh Hùng nói.

Có cũng được, không có cũng chẳng sao?

Trước những lo ngại của phụ huynh học sinh cũng như của toàn xã hội, sáng ngày 21/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải xem xét lại hiện tượng các trường đều tựu trường sớm trước ngày khai giảng.

"Ví dụ về mặt chưa được là ở các đô thị, việc nghỉ hè dài khiến phụ huynh, nhất là phụ huynh trẻ, không biết làm thế nào để lo cho con. Trong khi đó, thực tế hiện nay các trường đều tựu trường sớm"- ông Vũ Đức Đam nói.

Tranh luận: Ngày khai giảng, còn cần nữa hay không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải bàn bạc xem xét lại thời gian nghỉ hè kéo dài theo quy định từ trước đến nay có còn phù hợp hay không, nếu không việc khai giảng sẽ rất hình thức".

Bình luận vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh – Tiến sĩ tâm lý học Học viện Hành chính Quốc gia thẳng thắn cho rằng, khi bắt đầu một hoạt động, rất cần thiết có một hiệu lệnh để thông báo, thì ngày khai trường cũng mang ý nghĩa tương tự là ngày đầu tiên học sinh đến trường.

Tuy nhiên, nếu trước ngày 5/9, học sinh tới trường nhưng không phải để học thì ngày khai trường mới có ý nghĩa, còn thực tế học sinh đã bắt đầu chương trình học từ trước thì ngày khai giảng 5/9 có cũng được, không có cũng chẳng sao vì lúc đó, lễ nghi này không mang lại ý nghĩa gì nữa.

"Ngày khai giảng nhất thiết phải là ngày đầu tiên học sinh đến trường"- TS Minh bày tỏ.

Mặt khác, bà Minh cũng cho rằng không nên bắt buộc các trường khai giảng giống nhau. Tùy vào nhu cầu và điều kiện, đặc thù riêng của từng trường thì mỗi trường có thể có ngày khai giảng riêng.

Nhà trường có thể có một phong trào, hoạt động đầu năm để giáo viên trò chuyện với học sinh nhiều hơn, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của học sinh để tạo điều kiện cho các em bắt đầu một năm học mới phấn khởi hơn.

Nhận xét về thực trạng này, GS Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng: "Không bao giờ được bỏ hẳn ngày khai giảng. Ngày khai giảng có ý nghĩa thiêng liêng, đánh dấu bước trưởng thành của mỗi học sinh sau mỗi năm học. Chỉ có điều, thời gian nghỉ hè hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Phó Thủ tướng nói thành phố rút ngắn thời gian nghỉ hè. Các cấp học khác nhau nên có cách nghỉ hè khác nhau, không nên đồng loạt 3 tháng. Thời gian nghỉ hè ở thành phố với nông thôn cũng khác. Theo tôi, điều này không nên khi chúng ta đang phấn đấu có hệ thống giáo dục quốc dân cho toàn quốc".

Trong khi đó, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, ngày khai giảng rất quan trọng, đặc biệt là những lớp đầu cấp.

Ngày xưa ngày khai giảng là ngày “khai tâm” tức là mở tâm hồn của người đọc ra. Trên cơ sở khai tâm thì “khai trí”, nâng cao trí tuệ lên. Có khai tâm khai trí, có hứng thú thì học sinh mới học tập một cách có hiệu quả.

"Thiết nghĩ lâu nay chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của việc khai tâm khai trí khiến ngày khai trường chỉ còn lại là những thủ tục hình thức, học sinh ngán ngẩm phải ngồi lắng nghe nhưng lãnh đạo phát biểu tràng dang đại hải trong khi các em chỉ ngồi nói chuyện với nhau…

Đặc biệt khi lễ khai giảng đã được tổ chức sau khi học sinh đã vào học rồi… thì đâu còn ý nghĩa gì nữa"- TS Lương Hoài Nam nói.

TS Nam cho rằng, lễ khai giảng phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường, nếu học sinh đã vào học thì lễ khai giảng cũng phải bắt đầu từ giữa tháng 8.

"Là ngày đầu tiên mới tạo ra tâm thế háo hức. Ngày đều tiên của một năm học, nó mở màn, mở hàng cho cả năm học đó. Cho nên ngày đó học sinh háo hức đến trường trong bộ đồng phục mới sách vở mới, cặp mới. Vậy thì đến đó ngoài tay bắt mặt mừng có bạn mới, thầy mới thì làm sao để ngày khai giảng tạo một ấn tượng thật mới mẻ trong tâm và trí học sinh.

Nếu như học sinh bắt đầu học từ ngày 5/9 thì ngày khai giảng là ngày 5/9, còn nếu nhà trường muốn bắt đầu chương trình học sớm hơn từ 15/8 thì ngày khai giảng nên chăng phải được dời đến ngày 15/8"- ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng nên tổ chức ngày khai giảng bớt rình ranh, bớt những bài diễn văn dài dòng, thay vào đó là nhấn mạnh đến lợi ích của việc học, những chương trình bổ ích ý nghĩa cho các em học sinh hơn./.

Theo VOV