Bất hợp lý đóng phí trước khi xét tuyển
Năm nay lần đầu tiên thí sinh (TS) được đăng ký xét tuyển đồng thời đăng ký dự thi trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra. Điểm mới này có những tích cực trong việc giúp TS sớm định hướng lựa chọn nghề nghiệp nhưng còn bất hợp lý về lệ phí xét tuyển.
Đáng lưu ý nhất là TS không đủ điều kiện xét tuyển nhưng vẫn phải nộp lệ phí. Theo phân tích của đại diện một trường ĐH, có tới hơn 100.000 TS đã đóng lệ phí đăng ký xét tuyển nhưng không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không được hoàn lại tiền dù không thể tiếp tục tham gia xét tuyển.
Nếu tính trung bình mỗi TS đăng ký 4 - 5 nguyện vọng (NV) (30.000 đồng/NV) thì số tiền lệ phí này lên tới 12 - 15 tỉ đồng. Cũng theo số liệu từ một địa phương, trong số gần 9.000 TS đăng ký dự thi thì có trên 6.500 TS đăng ký xét tuyển. Trong số này có khoảng 30% TS không đạt điểm sàn của Bộ (tức không đủ điều kiện tham gia xét tuyển bằng kết quả thi), tương đương gần 2.000 TS. Tính trung bình mỗi TS đăng ký từ 6 - 7 NV, số tiền lệ phí thu được từ TS không tham gia xét tuyển tại địa phương này ở mức 360 - 420 triệu đồng.
Đây là số tiền không hề nhỏ và lộ rõ sự bất hợp lý khi những TS không xét tuyển vẫn phải nộp lệ phí. Đúng ra đây là lệ phí xét tuyển thì không thu của TS không tham gia xét tuyển, nếu đã thu thì phải trả lại cho các TS!
Số tiền này đi đâu? Đại diện một sở GD-ĐT cho biết TS không đóng lệ phí dự thi nhưng lệ phí xét tuyển tối đa 30.000 đồng/NV. Số tiền này sau khi thu từ TS sẽ được phân bổ đều cho 3 nơi: Sở GD-ĐT, Bộ |
Đóng phí 2 lần!
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng việc thu lệ phí xét tuyển năm nay có nhiều điểm bất hợp lý. Vị này phân tích: “Nếu chỉ tính riêng lẻ từng TS, lệ phí xét tuyển này không đáng kể. Tuy nhiên, gom lại theo hàng ngàn NV thì không hề nhỏ. Những TS đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đã nộp lệ phí, khi không đủ điểm sàn chuyển qua xét tuyển học bạ, TS này phải nộp lệ phí xét tuyển tới 2 lần”. Cũng theo người này, cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến như năm nay sẽ không cần nhiều nhân lực để phục vụ việc thu nhận, vận chuyển, bàn giao và xử lý hồ sơ như trước đây. Không nhất thiết phải thu lệ phí xét tuyển đến từng NV vì TS đăng ký 1 hay 10 NV cũng trên cùng một phiếu đăng ký. Do đó, chỉ cần thu lệ phí xét tuyển ở đợt chỉnh sửa NV và áp dụng chung một mức phí cho tất cả các TS tham gia xét tuyển.
Còn theo hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM, cho phép TS đăng ký xét tuyển trước kỳ thi diễn ra thực tế là tốt hơn cho TS. Dù rằng với số lượng TS thay đổi NV sau khi đăng ký nhiều có cho thấy việc đăng ký trước chưa hiệu quả nhiều. Nên chăng ở năm sau vẫn cho phép TS đăng ký trước nhưng không thu lệ phí ở đợt “nháp” trước khi kỳ thi diễn ra, chỉ thu lệ phí ở thời điểm điều chỉnh NV xét tuyển. Như vậy sẽ đảm bảo quyền được đăng ký 2 lần của TS và thu đúng lệ phí của những TS tham gia xét tuyển.
“Không thể trả lại lệ phí cho thí sinh” Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Để TS đăng ký xét tuyển, các điểm đăng ký cần thực hiện nhập dữ liệu của TS, các sở GD-ĐT và Bộ phải rà soát để đảm bảo dữ liệu chuẩn xác (làm sạch dữ liệu) và giải quyết những phát sinh do TS hoặc người nhận đăng ký xét tuyển sơ suất, tổng hợp dữ liệu để chuyển cho các trường ĐH phân tích. Những việc này về cơ bản đã hoàn thành trước kỳ thi. Chính vì vậy, không thể trả lại lệ phí cho TS. Thực tế những TS xác nhận đúng năng lực và NV của mình (chiếm khoảng 25%) nên đã không thực hiện việc đăng ký này”. Ông Nghĩa còn nói thêm: “Tính tổng số thì lớn, nhưng chia ra cho hơn 4.000 điểm tiếp nhận hồ sơ ở 63 tỉnh thành thì số tiền mỗi đơn vị nhận được không phải là lớn”! |
Theo Thanh niên