Ngày 17/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số chuyên gia nhằm giải bài toán chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp. Ông Đam đề xuất hai hướng xin ý kiến. Thứ nhất là đặt ngưỡng điểm chuẩn cho ngành sư phạm. Thứ hai là giao chỉ tiêu cho các trường và kiểm soát chặt chẽ tuyển sinh, đào tạo.
PGS Trần Văn Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục cho rằng, Bộ nên quyết định ngưỡng điểm vào sư phạm, bởi sinh viên ngành này phải tương đối giỏi để sau này làm thầy. "Người thầy kém rất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cả một thế hệ. Tôi biết một số cơ sở giáo dục thuộc quản lý của địa phương, nhưng Bộ trưởng cứ ra quyết định thì địa phương phải tuân theo", PGS Nhĩ nói.
Chia sẻ rất xót xa, áp lực khi toàn ngành sư phạm bị xã hội mổ xẻ, nhiều sinh viên ra trường than không có việc làm, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng cần đặt hàng các trường đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Điều này vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, vừa đảm bảo việc giảng dạy, tuyển sinh của nhà trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hôm qua đã làm việc với tất cả hiệu trưởng trường đào tạo sư phạm và thống nhất một số nội dung. Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới, trường cao đẳng không đảm bảo chuyên môn phải phối hợp với các đại học để đào tạo lại giáo viên cho địa phương chứ không tuyển mới. "Những ngành thừa giáo viên không tuyển sinh, ngành thiếu mới đào tạo. 5 năm tới Bộ sẽ tập trung đào tạo lại. Như vậy các trường cao đẳng vẫn có việc làm, vẫn có kinh phí, không nhất thiết phải tuyển sinh mới có tiền", ông Nhạ nói.
>> Tuyển thầy không giỏi, chất lượng giáo dục tương lai sẽ thế nào?
Theo Bộ trưởng, từ sang năm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường quy định, nhưng riêng sư phạm Bộ sẽ đưa ra ngưỡng riêng. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các trường phát triển. Việc đào tạo, bồi dưỡng cũng phải theo chuẩn giảng viên sư phạm với chương trình đào tạo đã được thống nhất. Bộ sẽ rà soát quy định hiện có về chế độ chính sách cho giáo viên. Riêng tiền lương giáo viên, Bộ sẽ có một đề án trình Chính phủ.
Chuyển giáo viên thừa sang làm công việc khác
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết sẽ quyết liệt hơn trong đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên từng môn học. Kết quả này sẽ làm căn cứ để đào tạo số thiếu và quản lý chặt chỉ tiêu trên toàn quốc. "Với trách nhiệm quản lý chất lượng toàn ngành, Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu. Sẽ có nhóm nghiên cứu, đánh giá chi tiết việc này và đề nghị lãnh đạo địa phương cũng phải có trách nhiệm", ông Nhạ nói.
Đối với số giáo viên thừa thiếu cục bộ, Bộ cùng các trường, địa phương thực hiện bước hoán đổi, tạo điều kiện cho thầy cô có công việc phù hợp. Các trường sư phạm tập trung xây dựng chương trình sách giáo khoa, cùng trường địa phương bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, áp dụng mạnh công nghệ thông tin để giáo viên nơi nào cũng dễ dàng tiếp cận.
Để tránh lãng phí số lượng giáo sinh ra trường không có việc làm, Bộ sẽ chỉ đạo các trường có chương trình chuyển đổi sang ngành đang có nhu cầu nhân lực. Những giáo sinh này sẽ được bổ túc chứng chỉ, để đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực đó. "Như vậy sau 5 năm vấn đề sẽ nhẹ đi. Nếu chỉ siết chặt đầu vào mà không giải quyết trường hợp dôi dư thì chưa đủ. Giải quyết số dôi dư và chưa có việc làm cũng rất quan trọng", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần chuẩn bị để những trường đào tạo sư phạm yếu kém thì phải sáp nhập, giải tán hoặc chuyển thành trường vệ tinh. "Chỉ cần 1-2 trường kém thì sẽ kéo theo chất lượng hệ thống", ông nói.
'Bộ phải quyết liệt, không cần nể nang địa phương'
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Với những cam kết của Bộ trưởng nói trên, ông đề nghị Bộ phối hợp với các trường, địa phương thực hiện để có kết quả như mong đợi.
"Không nên nể nang các địa phương trong việc tuyển sinh sư phạm nữa", Phó thủ tướng đề nghị. Ông ủng hộ việc trường cao đẳng sư phạm không được tuyển sinh mà chỉ làm công việc đào tạo lại giáo viên. "Tôi bất ngờ vì năm nay các trường cao đẳng sư phạm vẫn tuyển sinh", ông nói.
Khẳng định giáo viên là yếu tố quyết định trong đổi mới giáo dục, Phó thủ tướng cho rằng "chúng ta có thiếu sót khi chưa đánh giá tốt nhu cầu nhân lực nên dẫn đến thừa thiếu cục bộ". Ông đề nghị Bộ Giáo dục phải có một đợt kiểm định, đánh giá mặt bằng các trường sư phạm, từ đó quản lý chặt, nhanh chóng sắp xếp lại theo hướng có một vài trường trọng điểm, liên kết mở rộng chi nhánh xuống địa phương để đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều.
Các trường sư phạm cũng cần ngồi với Bộ để bàn về việc đặt hàng vì đổi mới cơ chế đại học có đặt hàng giao nhiệm vụ. "Trong năm nay cần có đặt hàng, thí điểm ở sư phạm", ông Đam nói. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu chương trình, quy định có tính đặc cách với một số ngành nóng để những người đã học ở ngành sư phạm chưa có việc làm chuyển qua đào tạo. Như ngành hướng dẫn viên du lịch hiện có nhu cầu nhân lực lớn.
Mùa tuyển sinh 2017, nhiều đại học lấy điểm chuẩn ngành sư phạm rất thấp. Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Các cao đẳng sư phạm ở địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Việc điểm chuẩn trường sư phạm thấp dấy lên lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai, lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Hàng loạt chuyên gia giáo dục lên tiếng, đề nghị phải nâng điểm chuẩn trường sư phạm cao hơn mức sàn, quy hoạch mạng lưới các trường và tiến tới trường sư phạm chỉ đào tạo lại giáo viên, không tuyển mới. Theo phân cấp, các trường cao đẳng sư phạm và một số đại học có đào tạo ngành sư phạm chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương. |
Theo Vnexpress.net