Không nhận giấy báo điểm bản sao, điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước, thêm đối tượng ưu tiên thuộc 23 huyện nghèo... đó là hàng loạt điểm mới được thực hiện trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

 

Những cải tiến tuyển sinh trong năm 2013 tưởng như là mới


Tuyển sinh 2013: Điểm mới mà… không mới

Rất nhiều phương án đổi mới tuyển sinh mà Bộ GDĐT chốt lại được đánh giá là không hề mới, trong đó có hàng loạt các thay đổi liên quan đến kỹ thuật lại quay trở về với các quy định có trước năm 2012.

Cụ thể, trước năm 2012, Bộ GDĐT có quy định về điểm xét tuyển của đợt sau không được thấp hơn đợt trước, tuy nhiên trong quy chế thi năm 2012 điều này không được nhắc lại. Nhiều trường “lách luật” hạ điểm xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 – 3 thấp hơn NV1 nhằm tuyển đủ, điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết: “Bộ sẽ chính thức nhắc lại điều này trong quy chế, đồng thời rút ngắn thời gian xét tuyển NV. Theo đó, thời gian xét tuyển bắt đầu từ 20.8 và kết thúc vào 30.10”.

Ngoài ra, ông Khôi cũng cho biết thêm, năm nay hồ sơ đăng ký dự thi ĐH sẽ có thêm mục 4 và 14 dành cho thí sinh dự thi liên thông: “Khi làm hồ sơ, thí sinh phải đặc biệt lưu ý, nếu không phải đối tượng liên thông thì không được ghi vào mục này, nếu không sẽ bị xếp vào thi hệ liên thông” – ông Khôi nói.

Năm nay, thí sinh dự thi liên thông sẽ thi cùng đợt với thí sinh thi ĐH - CĐ chính quy, đối tượng này nếu không trúng tuyển cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được nhu cầu trường cần tuyển.

Cũng năm 2012, lần đầu tiên Bộ đưa ra quy định cho thí sinh có thể dùng giấy chứng nhận kết quả thi photo, năm nay quy định này chính thức bị bỏ. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga nói: “Quy định “thả cửa” này đã khiến cho công tác xét tuyển năm 2012 gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhiều trường mặc dù nhận cả giấy chứng nhận bản sao vẫn không tuyển được”.

Một điểm khác cũng đã được cải tiến là việc áp dụng Điều 33 trong quy chế tuyển sinh cũ. Theo đó, năm nay ngoài ưu tiên xét tuyển cho học sinh 62 huyện nghèo, quy chế chính thức bổ sung thêm đối tượng là thí sinh 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 20 huyện nghèo biên giới hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Ông Khôi lưu ý, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần xem xét kỹ mình thuộc đối tượng ưu tiên nào để điền vào danh mục khai, tránh bị thiệt thòi.

Thiệt trường, rối thí sinh khi đổi mới tuyển sinh

Tuy chưa chính thức được ban hành, nhưng những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay đã khiến không ít trường và thí sinh lo lắng.

Em Nguyễn Khánh Phương – học sinh Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Nếu không được xét tuyển bằng giấy chứng nhận photo nữa thì chúng em chỉ còn 3 cơ hội trúng tuyển, thiệt thòi hơn nhiều so với năm trước. Vì vậy em phải cân nhắc nhiều hơn”.

Về phía các trường ĐH, ông Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho rằng, nếu không cho các trường nhận bản sao thì Bộ nên quy định cấp cho thí sinh nhiều hơn 3 giấy chứng nhận bản chính để tăng cơ hội trúng tuyển cho các em.

Cũng theo ông Hùng, quy định về điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước nhiều năm nay các trường đã thực hiện, tuy nhiên sẽ gây thiệt thòi cho các trường nhận được nhiều hồ sơ trên điểm sàn, đủ điều kiện trúng tuyển mà không thể xét thấp hơn. Ông Hùng cũng cho rằng, quy định này trong thời điểm các trường top dưới luôn trong tình trạng tuyển không đủ sẽ dẫn đến hiệu ứng: Cứ lấy tất cả bằng điểm sàn cho… an toàn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Chu – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đông Á thì cho rằng: “Việc yêu cầu các trường thành lập ban chấm thanh tra tại trường để chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với môn thi tự luận sẽ khiến các trường phải mất thêm nhiều công sức, tài chính.

Bộ cần quy định cụ thể thành phần chấm thanh tra và quy trình chấm thanh tra, thẩm định của trường và Bộ, tránh trường hợp mình chấm rồi mình lại thanh tra chính mình thì không có hiệu quả gì”. Cũng theo ông Chu, quy định về việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi nên cân nhắc lại, nếu đó chỉ là quy định mang tính hình thức thì không nên cho vào quy chế, tránh các năm kế tiếp lại phải… cải tiến.

 


Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới!

Kenhtuyensinh

Theo: báo Dân Việt