>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp
Sống đua đòi, thực dụng, yêu đương và có quan hệ tình dục sớm, lười biếng, ỷ lại, thiếu trách nhiệm với gia đình và những người thân trong gia đình… là hàng loạt hành vi lệch chuẩn đạo đức lối sống được Bộ GD-ĐT chỉ ra trong học sinh sinh viên hiện nay.
Báo động sai lệch đạo đức học sinh sinh viên hiện nay
Hàng loạt clip trên mạng xã hội gần đây cho thấy việc học sinh vô lễ với thầy cô giáo không hiếm gặp. Mức độ nghiêm trọng của những hành vi này đã khiến TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương phải đưa ra cảnh báo, vấn đề vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên đã đến mức báo động với những hành vi như trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ, đe dọa hành hung thầy cô giáo. Nhiều học sinh, sinh viên còn có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, lười lao động, sống ích kỷ, không hiếu thảo với ông bà cha mẹ... Ông Nguyễn Đắc Hưng cũng chỉ ra rằng, tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh, “có khi còn dùng hung khí hành xử với nhau vô cùng dã man”.
Mặc dù khảo sát của Bộ GD-ĐT hơn 3.000 học sinh, giáo viên… cho thấy đa số học sinh, sinh viên có nhiều biểu hiện tích cực về đạo đức lối sống nhưng theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên, Bộ GD-ĐT, vẫn còn nhiều biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại nhất là các hành vi lệch chuẩn về đạo đức lối sống. Trong phạm vi nhà trường, ông Ngũ Duy Anh đưa ra hàng loạt hiện tượng như gây gổ đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè; vô lễ với thầy cô giáo; chây lười trong học tập; nghỉ học, đi học muộn không có lý do; quay cóp, thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử, nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm tác phong nề nếp… Ra ngoài xã hội, những hành vi này có thể thấy khá nhiều từ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến hiện trạng nhiều học sinh, sinh viên sống đua đòi, thực dụng, yêu đương và có quan hệ tình dục sớm.
Báo động sai lệch đạo đức học sinh sinh viên hiện nay
Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự suy giảm về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Cụ thể: Ở bậc THCS tỉ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.
Gia đình và nhà trường đều có trách nhiệm
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức của học sinh, sinh viên trong thời gian qua, TS Nguyễn Đắc Hưng khẳng định, sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình là nguyên nhân hàng đầu. “Trẻ em hư hỏng trước hết thuộc về lỗi của các bậc làm cha, làm mẹ. Bởi vì, ngay từ khi mới sinh cho đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Khi đến tuổi đi học, trẻ vẫn có nhiều thời gian sống và sinh hoạt gần gũi với những người trong gia đình, nên ảnh hưởng của gia đình đến nhân cách của trẻ vẫn còn rất lớn” -TS Nguyễn Đắc Hưng khẳng định.
Hàng loạt hiện tượng từ gia đình gây ảnh hướng xấu tới đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên được ông Ngũ Duy Anh chỉ ra từ khảo sát của Bộ GD-ĐT. Trong đó, bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật, thô bạo với con cái là những nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi đánh nhau ở các em. Ngay chính môi trường gần gũi, thân thiết, luôn luôn gắn bó với các em lại có những hành vi lệch chuẩn thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, sự nói dối, không gương mẫu của người lớn đã làm cho các em thất vọng và mất phương hướng.
Bên cạnh đó, trong nhà trường, bộ môn quan trọng với việc hình thành nhân cách, lối sống của học sinh, sinh viên là Giáo dục công dân vẫn đang bị coi là môn phụ. Môn học này vốn được xếp là môn học chính, nhưng thực tế khảo sát cho thấy sự coi trọng chưa đúng mức, đặc biệt bởi tư tưởng “học để thi, không thi không học”. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn 39% giáo viên coi môn Giáo dục công dân là môn phụ; 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, ngay trong giáo viên hiện nay, một bộ phận thường ít quan tâm đến diễn biến tư tưởng tình cảm của học sinh. Có những học sinh chưa ngoan nhưng thầy cô ít chịu tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình, về tâm tư, tình cảm của các em. Đôi khi quy kết là học sinh cá biệt làm cho các em phản ứng, bất mãn và nhanh chóng tìm đến sự sa ngã trong cuộc sống và ngay bản thân thầy cô cũng có người không còn là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo. Nhiều thầy cô có thái độ nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu phương pháp sư phạm trong xử lý tình huống dẫn tới những phản ứng, hành động tiêu cực, ở học sinh.
Theo Duy Anh, ANTĐ