Bộ Giáo dục-Đào tạo đã giành quyền “phán quyết” với hàng vạn sinh viên trung cấp, cao đẳng khi chặn đường liên thông lên đại học từ hệ đào tạo này sau 10 năm duy trì vì bê bối từ các trường.

Tạo cung cho tâm lý “khát” học

Tinh thần “khát” học của dân ta có lẽ được xếp bậc nhất, bậc nhì thế giới. Những người nông dân đầu tắt mặt tối, miếng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc quyết cũng phải cho con có tấm bằng để thoát nghèo. Ước mơ của các bậc sinh thành thật đáng trân trọng, nhưng ngược lại nền giáo dục chạy theo bằng cấp ở nước ta đã không thỏa ước nguyện cao cả ấy. Bằng trung cấp hay cao đẳng đã không có thứ hạng trong xã hội vì cán cân đào tạo nghiêng lệch “thầy” nhiều hơn “thợ”, khi “thầy” ở đẳng cấp cao sang, “thợ” ở đẳng cấp…lao động.

 

lein thong dai hoc, cam lien thong dai hoc, lien thong len dai hoc, ci tieu lien thong, lien thong chinh quy, dao tao lien thong, bang lien thong, lao dong

 

Hình thức đào tạo liên thông được Bộ Giáo dục-Đào tạo cho ra đời đã đáp ứng được nhu cầu khát học của số đông mà không vượt được ngưỡng cửa thi đại học. Trung bình điểm sàn của cao đẳng cũng chỉ xấp xỉ bình quân 3 điểm/môn là được khoác áo sinh viên. Thậm chí với hệ đào tạo này, Bộ Giáo dục-Đào tạo còn mở rộng cửa vào con đường đại học cho những học sinh không đủ điểm tốt nghiệp THPT, bằng cách đăng ký vào trường trung cấp... vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có cả bằng trung cấp, học liên thông lên cao đẳng, lại “thông” thẳng lên đại học. Thế là chỉ cần học thêm thời gian dài hơn bậc đại học chính quy là đương nhiên không tốt nghiệp THPT mà rồi vẫn có tấm bằng đại học như ai.

Chủ trương đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục-Đào tạo ra đời đáp ứng được nhu cầu người học và cũng góp phần để các trường có hệ đào tạo này tăng thêm nguồn thu. Để vừa “tận thu” và “tận đào tạo”, nhiều trường còn liên kết với nhau để đào tạo liên thông: Học ở trường này nhưng có bằng của trường khác. Từ một số trường được chọn thí điểm đào tạo liên thông, các trường khác thấy được nguồn thu “béo bở” nên cũng không bỏ lỡ cơ hội mở đào tạo liên thông. Chỉ cần tra cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” do Bộ Giáo dục-Đào tạo phát hành thì dễ dàng nhận thấy có nhiều trường đại học đào tạo một mạch từ trung cấp tới sau đại học.

Không thể đánh đồng chất lượng đào tạo của các trường, cũng như hình thức đào tạo. Có người vì không có điều kiện học tập, muốn nâng cao kiến thức sau khi đi làm, nhưng con số học để có tấm bằng lên chức, lên lương... đã làm tai tiếng hệ đào tạo này. Không phải tự nhiên mà dư luận lên án hệ đào tạo tại chức, nhiều địa phương từ chối thẳng thừng hệ đào tạo mà dư luận đã từng ví von “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.

Bộ chủ quản biết hệ đào tạo này biến tướng không? Biết chứ, nhưng không hiểu vì sao (vì lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế…) mà hình thức đào tạo này vẫn được duy trì và chất lượng đào tạo nằm ngoài tầm kiểm soát.

Bộ đột ngột bẻ ghi, người học kêu ai (!?)

Vì sao Bộ GDĐT lại ra quyết định đột ngột như vậy, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT)- trả lời trên Lao Động: Để ra được thông tư mới này, chúng tôi đã đi khảo sát, thấy rõ ràng là bị biến tướng. Nhiều trường khi thực hiện đã sai phạm như đào tạo ngoài nhà trường, liên kết tràn lan, chương trình đào tạo bị cắt xén dẫn đến chất lượng đào tạo không cao… Theo quy định từ trung cấp liên thông lên đại học phải được bộ cho phép, nhưng nhiều trường không thực hiện, đào tạo chui. Chính xã hội cũng  lên án, các cơ quan, doanh nghiệp từ chối người có bằng liên thông.

Năm 2002, bộ thí điểm triển khai đào tạo liên thông ở một số trường, sáu năm sau (2008) bộ chính thức ban hành Quy chế đào tạo liên thông với việc giao tự chủ cho hiệu trưởng các trường có thẩm quyền đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Với cây “gậy thần” này, các trường đã “trường trường liên thông”. Ròng rã suốt mười năm trời, dư luận không hề nhận được công bố của bộ về biến tướng của “liên thông”, mà những cái sai của các trường đâu phải bộ không thấy, không nghe, không biết.

Câu hỏi được đặt ra sau câu trả lời của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đó là trách nhiệm của bộ chủ quản đến đâu khi hệ đào tạo này đã bị các trường biến tướng, để tận thu nên đào tạo tràn lan, đào tạo chui, không được phép của bộ... ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Một lần nữa, vì buông lỏng trách nhiệm quản lý nên hệ đào tạo liên thông đã đẩy bộ vào thế “việt vị”, khó ăn khó nói trước dư luận về trách nhiệm quản lý của mình…

Chỉ đến khi thấy hệ đào tạo này nếu cứ tiếp tục duy trì thì chính ngành giáo dục-đào tạo đã không làm tròn sứ mệnh và trách nhiệm cao cả: Đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, Bộ Giáo dục-Đào tạo đành phải quyết định “chặn đường liên thông” một cách vội vàng, nên mới bị dư luận - dù nhiều người có đồng tình về chủ trương - nhưng vẫn phản đối cái cách bộ triển khai. Hàng vạn sinh viên trung cấp, cao đẳng vẫn coi liên thông là con đường lên đại học (cũng bởi quảng cáo của các trường) đang lâm vào thế bị bộ “đem con bỏ chợ”.

Trường làm sai, bộ chỉnh, nhưng người học đang phải gánh “trách nhiệm” không phải do mình.

 

Xem thêm: Quy định mới về đào tạo liên thông đại học và cao đẳng 2013


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Lao Động